Thứ Bảy, 23/11/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Thứ Ba, 20/2/2018 15:17'(GMT+7)

"Căn cứ lõm" - "Căn cứ lòng dân" ở Sài Gòn - Gia Định

Sài Gòn là điểm quyết chiến chiến lược, là trung tâm đấu tranh chính trị, vũ trang, binh vận có ý nghĩa chiến lược trên toàn miền Nam. Ngay giữa lòng Sài Gòn, trung tâm đầu não, sào huyệt cuối cùng của kẻ thù đã có một loại hình căn cứ đặc biệt được gọi là “căn cứ lõm”. Đó là căn cứ cắm sâu trong lòng địch, là hậu phương nhưng đồng thời cũng là trận tuyến. “Căn cứ lõm” (“lõm an ninh”, “lõm chính trị”) là nơi các chiến sĩ cách mạng sống và chiến đấu, nơi mà tấm lòng và sự chở che của nhân dân đã biến các căn nhà, xóm, ấp trở thành chỗ đứng chân, đồng thời cũng là trận địa chiến đấu của các lực lượng kháng chiến. Các “căn cứ lõm” là minh chứng cho tấm lòng của nhân dân đối với cách mạng, cho sự bất khuất kiên cường của cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân trong suốt cuộc chiến tranh giải phóng và đó cũng chính là những “căn cứ lòng dân”.

1. Sau cao trào Đồng Khởi, tình hình cách mạng miền Nam đã có sự chuyển biến mạnh mẽ. Đứng trước tình hình đó, nhằm phục vụ nhiệm vụ cách mạng, ngày 19- 3-1961, Khu ủy Sài Gòn - Gia Định quyết định thành lập Ban bảo vệ an ninh khu Sài Gòn - Gia Định (Ban an ninh T4), để tăng cường cho lực lượng vũ trang. Địa bàn của T4 là chiến trường ác liệt, vì đó là trung tâm đầu não của đối phương. Tháng 7-1962, Bộ Công an chi viện đợt đầu gồm 160 cán bộ cho an ninh miền Nam; trong đó, 5 đồng chí được phân công về Ban bảo vệ an ninh Khu Sài Gòn - Gia Định là Nguyễn Minh Đạm, Trương Công Quỳnh, Tám Phong, Bảy Thông, Lê Nguyên Cam. Giữa điệp trùng vòng vây của Mỹ - ngụy, các chiến sĩ an ninh T4 đã kiên trì bám trụ, chủ động tấn công địch và đã đạt được nhiều chiến công rực rỡ.

Những năm sau đó, trước âm mưu mở rộng chiến tranh của địch, Khu ủy chỉ đạo an ninh T4 xây dựng một căn cứ lâu dài, bảo vệ an toàn cho các cơ quan đầu não lãnh đạo. Ban an ninh đã tiến hành xây dựng căn cứ Khu ủy đóng từ Củ Chi mở rộng đến Bời Lời (Tây Ninh), Thanh Tuyền, Thanh An (Bến Cát, Bình Dương). Song song với nhiệm vụ xây dựng căn cứ, trong nội thành Sài Gòn, hoạt động vũ trang vẫn tiếp tục phát triển, hình thành mũi tấn công hỗ trợ cho đấu tranh chính trị, nhằm đánh vào bọn đầu sỏ và các cơ quan cấp cao của Mỹ - ngụy. Lực lượng an ninh ở miền Nam vừa chiến đấu chống địch, tiến hành bảo vệ Đảng, bảo vệ cơ sở cách mạng, vừa xây dựng, phát triển lực lượng điệp báo, an ninh vũ trang, trinh sát vũ trang, biệt động nội thành... ngay trong lòng địch. Trong đó, Ban an ninh T4 đã vạch kế hoạch cho trinh sát vũ trang nội đô đánh vào bọn chóp bu ngụy quyền, cảnh sát ác ôn, tình báo, chiêu hồi để hỗ trợ phong trào quần chúng đấu tranh giành quyền làm chủ.

Với nhiều phương thức, biện pháp, lực lượng an ninh Sài Gòn - Gia Định đã xây dựng “lõm chính trị” khắp các quận nội thành; trong đó, tập trung nhất ở các quận 4, 8, Gò Vấp và các khu vực chợ Bà Chiểu, Bàn Cờ, Bảy Hiền (Tân Bình), Hàng Xanh, Cầu Bông (Gia Định), Xóm Chùa, Tân Định (quận 1)... “Lõm chính trị” là khu vực xung yếu, tạo được sự liên kết trong và ngoài. Ở đó, ta làm chủ, có cán bộ, đảng viên, cơ sở và quần chúng cách mạng, có lực lượng an ninh làm nòng cốt, quần chúng cảm tình cách mạng và kháng chiến, che giấu, đùm bọc cán bộ, chiến sĩ cách mạng, khiến địch bất lực hoặc khó kiểm soát. Không có vùng giải phóng che chở, không có phòng tuyến quân sự bảo vệ, nhưng hệ thống các “căn cứ lõm” Sài Gòn - Gia Định đã hình thành và phát triển vững chắc nhờ dựa vào sức mạnh của muôn triệu tấm lòng nhân dân luôn hướng về cách mạng, về Đảng, về Bác Hồ; luôn yêu thương và chở che cán bộ, chiến sĩ; tạo thành thế trận lòng dân, nhân lên sức mạnh toàn dân đánh giặc. Các “căn cứ lõm” là nơi đấu tranh giằng co quyết liệt giữa ta và địch; là địa bàn mà địch thường tập trung tình báo, gián điệp, mật vụ, an ninh, cảnh sát dò la tin tức, vây ráp khủng bố, đánh phá...

Nhận thức đúng vai trò, sức mạnh của quần chúng nhân dân trong lịch sử, trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, lực lượng an ninh Sài Gòn - Gia Định đã quan tâm chăm lo xây dựng cơ sở quần chúng trong công nhân, nhân dân lao động, học sinh, sinh viên và cả đồng bào người Hoa, Phật giáo, Công giáo... Cơ sở cách mạng tại chỗ quyết định những vấn đề cực kỳ quan trọng đối với lực lượng an ninh hoạt động ở các “lõm chính trị” như bổ sung nguồn lực người, xây dựng cơ sở ém quân, ém vũ khí, xây dựng mạng lưới tai mắt, trinh sát, đường dây giao liên, hành lang vận chuyển công khai, hợp pháp và bí mật, lực lượng chính trị phối hợp... Bên cạnh đó, cơ sở và quần chúng đã cung cấp nhiều thông tin có giá trị, giúp lực lượng an ninh điều tra nắm tình hình, tổ chức các trận đánh táo bạo trong nội thành; điều tra khám phá các hoạt động tình báo, gián điệp của địch ở vùng lõm và trong phong trào đấu tranh chính trị ở nội thành. Nhiều cơ sở, quần chúng đã bất chấp những hiểm nguy tới tính mạng của bản thân và gia đình để đào hầm, ngụy trang, nuôi giấu cán bộ an ninh, tạo điều kiện cho hoạt động móc nối cơ sở, xây dựng phong trào, tiến hành diệt ác, phá kìm. Nhiều trường hợp dù bị địch bắt, tra tấn, đánh đập dã man vẫn kiên cường không khai báo. Nhờ vào những “căn cứ lòng dân” tưởng như vô hình nhưng lại vững chãi như thành đồng ấy mà lực lượng an ninh T4 đã vượt qua muôn vàn khó khăn, gian nguy, hiểm trở, kiên cường kháng chiến, liên tiếp giành được chiến công, góp phần xứng đáng vào thắng lợi vĩ đại của dân tộc.

Thực tế những năm chiến tranh cho thấy, tuy gặp nhiều khó khăn nhưng cán bộ điệp báo, trinh sát vũ trang, an ninh khu vực, giao liên của ta đã kiên cường bám trụ địa bàn, tổ chức xây dựng được nhiều “căn cứ lõm”, “lõm chính trị” ở nội thành. Trong đó, có những “căn cứ lõm”, “lõm chính trị” vững mạnh với hàng ngàn quần chúng tốt, có cảm tình, ủng hộ cách mạng; hàng trăm cơ sở phát huy tác dụng tốt trong công tác nắm tình hình địch, đấu tranh chính trị, tham gia diệt ác, phá kìm, góp phần quan trọng trong thắng lợi cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968. Các “lõm chính trị” tuy có biến động theo tương quan lực lượng giữa ta và địch, nhưng trên toàn Thành phố, “lõm chính trị” được duy trì và phát triển ở nhiều quy mô, nhiều mức độ làm chủ khác nhau.

2 Trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, trong điều kiện hết sức khó khăn vì bị địch lùng sục, bố ráp, bắt bớ khiến căn cứ phải di chuyển liên tục, nhưng các chiến sĩ an ninh T4 vẫn luôn kiên gan bền chí, sáng tạo trong từng trận đánh, tạo nên những chiến công hiển hách, tô đậm thêm trang sử vẻ vang của an ninh T4 nói riêng và lực lượng công an nhân dân nói chung. Từ thực tiễn lịch sử cho thấy, ở nơi nào, lực lượng an ninh Sài Gòn - Gia Định không sát được quần chúng thì nơi đó hoạt động gặp vô vàn khó khăn, thậm chí thất bại. Nơi nào xây dựng được cơ sở cách mạng, xây dựng được các “lõm an ninh”, “lõm chính trị”, thì dù đó là các quận nội thành, “thủ phủ” của địch, lực lượng an ninh vẫn được quần chúng chở che, tạo mọi điều kiện hoạt động, hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ được giao. Rõ ràng, không có sự ủng hộ, giúp đỡ, che chở của quần chúng nhân dân thì không có sự tồn tại của các lực lượng kháng chiến, đấu tranh ở các “lõm chính trị”.

Không chỉ là căn hầm che giấu, là “tai mắt” bảo vệ trong ngoài, mà “căn cứ lòng dân” còn là nơi để mỗi cán bộ an ninh hòa mình vào nhân dân, thật sự trở thành những người con, người anh, người chị trong gia đình. Dưới sự bố ráp, tra xét gắt gao của kẻ thù, nếu không có lòng dân, sẽ không có căn hầm nào đủ sâu, không có địa đạo nào đủ dài để che chở cho người chiến sĩ đi hết con đường cách mạng, góp sức vào mùa Xuân toàn thắng 1975.

Lịch sử kháng chiến chống Mỹ, cứu nước cho thấy, “căn cứ lõm”- “căn cứ lòng dân” xuất phát từ lòng yêu nước, từ tinh thần đoàn kết của nhân dân Sài Gòn - Gia Định, nguyện bước theo sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc; trở thành bức thành đồng vững chắc không đội quân xâm lăng nào công phá được. Tiếp nối giá trị và phát huy vai trò của “căn cứ lõm” năm xưa, Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục phát huy cao độ xây dựng thế trận lòng dân, xây dựng nền quốc phòng toàn dân; nhân lên sức mạnh từ sự đồng lòng, toàn dân một ý chí; gắn bó máu thịt với nhân dân, hướng về nhân dân để “xây trụ sở trong lòng nhân dân”./.

Thân Thị Thư
Ủy viên Ban Thường vụ, 
Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Tp. Hồ Chí Minh 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất