Chủ Nhật, 24/11/2024
Diễn đàn
Thứ Bảy, 9/8/2014 17:46'(GMT+7)

Cần hoàn thiện chính sách đối với nạn nhân chất độc da cam

Đoàn công tác Hội Chữ thập Đỏ TP. Hồ Chí Minh cùng các nhà tài trợ đến thăm và tặng quà gia đình người khuyết tật nghèo và nạn nhân chất độc da cam/dioxin xã Phú Hòa Đông, huyện Củ Chi. (Ảnh: TTXVN)

Đoàn công tác Hội Chữ thập Đỏ TP. Hồ Chí Minh cùng các nhà tài trợ đến thăm và tặng quà gia đình người khuyết tật nghèo và nạn nhân chất độc da cam/dioxin xã Phú Hòa Đông, huyện Củ Chi. (Ảnh: TTXVN)

Nhân kỷ niệm 53 năm Ngày thảm họa da cam Việt Nam (10/8/1961-10/8/2014), Ngày vì nạn nhân chất độc da cam/dioxin (10/8), Trung tướng, PGS. TS. Nguyễn Thế Lực, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Trung ương Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam đã có cuộc trao đổi với phóng viên về vấn đề này.

- Thưa Trung tướng, ông có thể cho biết việc thực hiện chính sách đối với nạn nhân chất độc da cam/dioxin ở Việt Nam cùng những thuận lợi, khó khăn trong thời gian qua?

Trung tướng Nguyễn Thế Lực: Hậu quả của chiến tranh hóa học do Mỹ để lại Việt Nam là hết sức nặng nề đối với môi trường và con người.

Trong điều kiện khó khăn, Đảng, Nhà nước đã dành sự quan tâm đặc biệt tới vấn đề này gồm cả việc tìm kiếm công nghệ, chí phí cho xử lý các khu vực tồn lưu lượng dioxin cao; ban hành chế độ chính sách đối với người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ nhiễm chất độc hóa học; thúc đẩy công tác chăm sóc nạn nhân và hỗ trợ cuộc đấu tranh đòi công lý; cho phép thành lập và tạo điều kiện cho Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam hoạt động, phát triển.

Từ năm 2000, Việt Nam bắt đầu có một chính sách riêng cho người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học và dần hình thành chính sách độc lập, cơ bản, hệ thống đối với nạn nhân da cam/dioxin, tập trung vào người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ (trước đó mọi sự quan tâm đều được lồng ghép trong các chính sách khác).

Sau năm 2000, một loạt các chính sách khác ra đời và được điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện.

Bên cạnh đó, những chính sách về hỗ trợ học phí, học nghề, tìm kiếm việc làm, vay vốn sản xuất, khám chữa bệnh, phục hồi chức năng cũng được ban hành.

Từ đó đến nay Việt Nam đã giải quyết chính sách khoảng 300.000 người tham gia hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc da cam/dioxin.

Có khoảng 30% số nạn nhân nhiễm chất độc da cam/dioxin được mua thẻ bảo hiểm y tế. Khoảng 20-25% trẻ em bị nhiễm chất độc da cam/dioxin được đưa vào thực hiện chương trình chăm sóc phục hồi chức năng.

Tuy nhiên, trên thực tế việc thực hiện chính sách đối với nạn nhân chất độc da cam còn nhiều hạn chế, bất cập về cả nội dung văn bản lẫn quá trình tổ chức thực hiện. Các chính sách mới chỉ giải quyết được một phần.

Số hồ sơ tồn đọng còn nhiều, mức trợ cấp thấp, đời sống của các nạn nhân chất độc da cam/dioxin còn rất nhiều khó khăn, nhất là những người bị bệnh nặng.

Nhiều nạn nhân còn nằm ngoài diện thụ hưởng chính sách. Sự phối hợp giữa các bộ ngành, cơ quan chuyên trách còn thiếu chặt chẽ. Việc thực hiện Pháp lệnh 04/2012/UBTVQH về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh người có công đang nảy sinh một số vướng mắc (giải mã đơn vị, mất giấy tờ, bệnh án...).

- Được biết những năm qua, chính sách xã hội hóa đã góp phần quan trọng trong hoạt động chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân, Trung tướng có thể nói thêm về hiệu quả chính sách này, đặc biệt là việc vận động ủng hộ của các tổ chức, cá nhân nước ngoài?

Trung tướng Nguyễn Thế Lực: Chủ trương của Việt Nam trong hoạt động chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân là chính sách kết hợp với hoạt động xã hội hóa.

Trên thực tế, xã hội hóa mang lại nhiều lợi ích về tinh thần, vật chất; qua đó truyền thống tốt đẹp của dân tộc được phát huy, khối đại đoàn kết dân tộc được củng cố.

Ra đời tháng 1/2004, hơn 10 năm qua, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam đã thực hiện tốt chủ chương này.

Hội đã vận động được trên 800 tỷ đồng từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để trợ giúp cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin. Số tiền huy động được để xây trung tâm nuôi dưỡng cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin; làm hàng nghìn ngôi nhà tình nghĩa; hỗ trợ học bổng, tìm việc làm, chi phí khám chữa bệnh, vốn sản xuất cho con em, gia đình nạn nhân chất độc da cam.

Sự chăm sóc cho nạn nhân theo hình thức xã hội hóa ngày càng đa dạng, phong phú và có sức lan tỏa lớn.

Các phong trào “Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam,” “Hành động vì nạn nhân chất độc da cam” đã được cả xã hội ủng hộ, tham gia hưởng ứng. "Ngày vì nạn nhân da cam" được tổ chức thường xuyên.

Bên cạnh đó các tổ chức, cá nhân còn chủ động hỗ trợ tinh thần, tham gia chăm sóc, giúp đỡ, phục hồi chức năng cho nạn nhân.

Trong tổng số tiền Hội vận động, các tổ chức, cá nhân nước ngoài đã ủng hộ khoảng 60 tỷ đồng, chiếm gần 8% tổng số tiền vận động được để hỗ trợ cho nạn nhân da cam.

Tuy số tiền chưa nhiều nhưng tấm lòng của những cá nhân, tổ chức hỗ trợ là vô giá, đặc biệt có nhiều đơn vị, cá nhân hảo tâm nước ngoài hỗ trợ nạn nhân theo chiều sâu, thường xuyên.

Tiêu biểu như Tổng Bí thư Đảng lao động Mexico và nhóm nghị sỹ của đảng đã hỗ trợ hai đợt, tổng cộng gần 200 xe lăn cho nạn nhân khuyết tật vận động của Việt Nam.

Một nhà hàng của Italy ở Hải Dương nhiều năm qua đều vận động, quyên góp từ các nước châu Âu để ủng hộ cho nạn nhân Việt Nam.

Các đại sứ quán nước ngoài ở Việt Nam dành những chi phí tổ chức ngày kỷ niệm, sự kiện... chuyển thành tiền, quà tặng nạn nhân.

Hội cựu chiến binh thương tật da cam Hàn Quốc 5 năm gần đây ủng hộ nạn nhân Việt Nam 25.000 USD.

Nhiều nhà hảo tâm Pháp, Australia, Thụy Sĩ qua mạng Internet đã biết được các địa chỉ nạn nhân khó khăn chủ động liên hệ hoặc trực tiếp ủng hộ.

Bên cạnh việc ủng hộ vật chất, các tổ chức, cá nhân nước ngoài còn ủng hộ tinh thần, truyền tình cảm, ý chí, niềm vui sống đến với nạn nhân Việt Nam.

Đặc biệt hơn nữa họ còn tích cực ủng hộ nạn nhân Việt Nam trong cuộc chiến đòi công lý đối với các công ty hóa chất Mỹ.

Điển hình như chị Merle Rarner (người Mỹ) - thành viên của Tổ chức Chiến dịch cứu trợ và trách nhiệm với các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, Hội luật gia dân chủ quốc tế, một số nhà hoạt động cánh tả của Mỹ, châu Âu luôn sát cánh với nạn nhân từ đầu của vụ kiện.

Ở Pháp, vụ kiện của chị Trần Tố Nga cùng các luật sư người Pháp gần đây cũng thể hiện sự ủng hộ rất lớn đối với nạn nhân da cam Việt Nam.

Nhờ những sự ủng hộ đó, hoạt động đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân da cam Việt Nam đã có những kết quả đáng khích lệ, làm thay đổi thái độ và nhận thức của chính giới Mỹ, nhất là cơ quan lập pháp và hành pháp. Từ chỗ phủ nhận hoàn toàn vấn đề chất độc da cam/dioxin đến chỗ thừa nhận có nạn nhân chất độc da cam, có điểm nóng dioxin.

Chính phủ Mỹ cũng đã tham gia hỗ trợ kinh phí tẩy độc một số điểm nóng môi trường ở Việt Nam.

- Thời gian tới, chúng ta cần làm gì gì để thúc đẩy việc thực hiện chính sách đối với nạn nhân chất độc da cam/dioxin, thưa Trung tướng?

Trung tướng Nguyễn Thế Lực: Sau chiến tranh, Việt Nam có khoảng 4,8 triệu người bị phơi nhiễm, hơn 3 triệu người là nạn nhân chất độc da cam/dioxin, nhiều nạn nhân là trẻ em thế hệ thứ hai, thứ ba. Đã có hàng trăm nghìn nạn nhân bị chết trong đau đớn. Hàng trăm nghìn người khác đang từng ngày từng giờ vật lộn với bệnh tật hiểm nghèo. Nhiều phụ nữ không được hưởng hạnh phúc làm vợ, làm mẹ. Nhiều trẻ em sinh ra bị dị dạng, dị tật, mang đời sống thực vật.

Việt Nam mới chỉ thực hiện được chính sách đối với khoảng 300.000 nạn nhân chất độc da cam. Như vậy vẫn còn rất nhiều nạn nhân chưa được hưởng lợi từ chính sách của Đảng, Nhà nước.

Thời gian tới, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam tiếp tục cùng các ngành chức năng thực hiện tổng rà soát việc thực hiện chính sách với người có công với cách mạng; tổng hợp các vướng mắc, kiến nghị để tham mưu các giải pháp phù hợp.

Bên cạnh đó, Trung ương Hội cũng thông qua các hội địa phương, tham mưu với chính quyền xử lý những vướng mắc trong việc giải quyết chế độ, chính sách cho nạn nhân từ cơ sở.

Vấn đề chất độc da cam và chính sách đối với nạn nhân rất phức tạp. Các chính sách cần được thường xuyên cập nhật, hoàn thiện để phù hợp với tình hình thực tiễn, do đó đòi hỏi sự vào cuộc của nhiều cơ quan liên quan.

Bên cạnh đó cần có những chính sách cụ thể đối với nạn nhân chất độc da cam/dioxin, nhất là đối với các thế hệ thứ ba, thứ tư của người hoạt động kháng chiến, dân thường và người làm nhiệm vụ tại các khu vực bị nhiễm nặng.

Cơ quan hữu quan cũng cần rút ngắn thời gian giải mã đơn vị, tạo điều kiện những người bị mất giấy tờ gốc, bệnh án gốc hoàn thành hồ sơ.

Bộ Y tế tiếp tục nghiên cứu, xem xét việc sửa đổi, bổ sung danh mục bệnh, tật, dị dạng, dị tật; nhanh chóng ban hành thông tư liên tịch hướng dẫn khám giám định bệnh, tật, dị dạng, dị tật liên quan đến phơi nhiễm chất độc hóa học./.

- Trân trọng cảm ơn Trung tướng!

Mỹ Bình (TTXVN)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất