Sự tăng giá của vàng và bất động sản hiện nay ở Việt Nam có nhiều nguyên nhân tác động chứ không phải là sự phản chiếu bức tranh kinh tế Việt Nam với những “gam màu” đáng lo ngại, như lạm phát, tiền mất giá…
Điều khẳng định này được dựa trên việc Việt Nam đã vượt qua thời kỳ lạm phát cao khá tốt, hiện đồng Việt Nam đang có độ ổn đinh và tin cậy khá cao, lượng tín dụng và tổng phương tiện thanh toán tăng trong phạm vi cho phép; nợ xấu và tiền mặt trong thực tế ngày càng giảm; dự trữ ngoại tệ đủ theo tiêu chuẩn quốc tế, mặt bằng giá cả bán lẻ hàng hoá và dịch vụ xã hội về cơ bản là không cao, thậm chí nhiều mặt hàng đang có sự giảm giá đáng kể…Dư luận thế giới đánh giá cao những nỗ lực vượt qua khủng hoảng kinh tế-tài chính toàn cầu mà chúng ta đã, đang và sẽ còn tiếp tục thu được những kết quả tốt đẹp.
Việc vàng tăng giá về cơ bản là hiện tượng mang tính đầu cơ cao tập trung ở phía các tỉnh phía Bắc, được tiếp tay bởi tâm lý “đám đông”. Điều này được minh chứng rất rõ là chỉ bằng một tuyên bố ngắn gọn và rõ ràng của Thống đốc NHNN Việt Nam Nguyễn Văn Giàu hôm 11/11/2009 về việc NHNN Việt Nam cho phép nhập khẩu vàng theo nhu cầu thị trường, lập tức “cơn sốt” giá vàng đã được hóa giải trên phạm vi toàn quốc.
Hiện tượng giá bất động sản tăng cao gần đây cũng được giải thích tương tự, nhưng tính đầu cơ của thị trường bất động sản rõ nét và thường xuyên hơn. Một trong những nhân tố đẩy giá nhà đất lên cao xuất phát từ giới chủ đầu tư và “cò” nhà đất …
Tóm lại, xét cho cùng, cả 2 cơn sốt giá vàng và nhà đất hiện nay đều có nguyên nhân chính ở tính chưa hoàn thiện của cơ chế thị trường và tâm lý “đám đông” đặc trưng cho thời kỳ chuyển đổi chứ không phải là thước đo mức độ đáng quan ngại của nền kinh tế nước ta.
Bên cạnh đó, một trong những lĩnh vực thu hút giới đầu tư là chứng khoán. Kinh doanh chứng khoán, về bản chất là thông qua việc mua cổ phiếu, trái phiếu và các chứng khoán khác … để “bỏ phiếu” ủng hộ những công ty kinh doanh có hiệu quả cao và từ chối, thậm chí loại bỏ những công ty làm ăn yếu kém.
Thị trường chứng khoán Việt Nam mới hình thành chưa được 10 năm so với lịch sử trên dưới 300 năm của thế giới; hơn nữa lại hoạt động trong một cơ chế thị trường chưa đầy đủ nên đã nảy sinh những bất cập từ cả 3 phía: cơ quan quản lý Nhà nước, nhà đầu tư chứng khoán và các công ty phát hành, đặc biệt là vai trò giám sát, chế tài của Nhà nước cũng còn chưa hoàn thiện. Vì vậy, thị trường này trong thời kỳ đầu hoạt động không theo nguyên tắc giá chứng khoán cao phải phụ thuộc vào kết quả kinh doanh thực tế của công ty phát hành chứng khoán nên càng không thể tránh khỏi yếu tố tâm lý “đám đông” và tính chất đầu cơ ngắn hạn…
Như vậy có thể nói rằng, trong đời sống xã hội, những tin đồn thông thường là hiện tượng bình thường. Tuy nhiên, loại tin đồn “đặc thù” trong lĩnh vực kinh tế lại có ý nghĩa khác và chúng thường mang nặng tính định hướng có mục tiêu hoặc đầu cơ cao.
4 giải pháp chính
Để góp phần ngăn chặn hiệu quả các yếu tố tâm lý và tin đồn thất thiệt tương tự trong thời gian tới, chúng ta cần chú ý:
Thứ nhất, đảm bảo hoàn thiện và tuân thủ các nguyên tắc quản lý kinh tế và cạnh tranh thị trường, giảm thiểu và khắc phục các biểu hiện lạm dụng công cụ quản lý hành chính; đảm bảo các biến động chính sách phải tường minh và có thể dự báo được trong xu hướng ổn định, nhất quán, phù hợp các nguyên tắc kinh tế thị trường và yêu cầu cam kết hội nhập, các thông lệ thế giới, cũng như các tín hiệu thị trường khách quan.
Thứ hai, phát hiện và xử lý kịp thời, nghiêm khắc các cá nhân và tổ chức tung tin đồn thất thiệt nhằm mục tiêu phá hoại chính sách của Nhà nước, lợi dụng để đầu cơ và cạnh tranh không lành mạnh…Có thể áp dụng xử lý hình sự với các vi phạm đặc biệt nghiêm trọng và thông báo rộng rãi trong dân chúng.
Thứ ba, tăng cường giáo dục dân trí, nâng cao nhận thức về kinh tế thị trường và hiểu biết pháp luật, tăng khả năng tự nhận thức và cảnh giác, tránh hành động theo kiểu “đám đông” để vô tình hoặc cố ý tiếp tay rồi trở thành nạn nhân của tin đồn…
Thứ tư, tăng cường và thể chế hoá các phát ngôn, cung cấp thông tin chính thức có chất lượng và trách nhiệm pháp lý cao định kỳ và không định kỳ của các cơ quan nhà nước, các tổ chức kinh doanh có liên quan, nhất là ở lĩnh vực kinh tế -tài chính tổng hợp, của các ngành và doanh nghiệp kinh doanh các mặt hàng thiết yếu như xăng, dầu, điện…
TS. Nguyễn Minh Phong (Theo VGP News)