Sau hơn 3 năm mặt hàng giày mũ da chịu thuế chống bán phá giá, nay Hội đồng Châu Âu (EC) quyết định kéo dài thêm 15 tháng áp thuế, họ đã không xem xét vấn đề một cách khách quan và công bằng đối với ngành sản xuất giày dép của Việt Nam.
Là một cán bộ phụ trách tổ chức và công đoàn, nhưng ông Đào Quang Thành, Công ty Giày da Châu Giang (Hải Phòng) rất quan tâm đến việc ngành giày da Việt Nam bị áp thuế chống bán phá giá. Ông Thành cho biết, ông đã tìm hiểu khá nhiều thông tin về vụ việc này, kể từ tháng 5/2005 khi Liên đoàn Công nghiệp giày châu Âu khởi kiện đối với giày có mũ da nhập khẩu từ Việt Nam và Trung Quốc.
Theo dõi quá trình diễn biến của sự việc, ông biết rất rõ ảnh hưởng của việc áp thuế chống bán phá giá đối với Công ty của ông. Không chỉ biết, mà phải tuyên truyền đến công nhân bằng nhiều hình thức để họ hiểu và phần nào chia sẻ với doanh nghiệp. Ông Đào Quang Thành nêu kiến nghị: “Việc áp thuế chống bán phá giá của EC là không đúng. Họ dùng Brazil để làm nước thay thế tính toán biên độ là không phù hợp. Tôi mong rằng, Hiệp hội Da giày và Nhà nước cần có biện pháp đấu tranh để EC bãi bỏ việc áp thuế này đối với doanh nghiệp Việt Nam, vì trên thực tế doanh nghiệp giày Việt Nam không bán phá giá thị trường...”.
![](http://vovnews.vn/Uploaded_VOV/tienhai/20100106/anh-giay-3.jpg) |
|
Tại cuộc họp báo mới đây, Thứ trưởng bộ Công Thương Lê Danh Vĩnh khẳng định: mặt hàng giày mũ da xuất khẩu của Việt Nam không gây ra thiệt hại và cũng không phải là nguyên nhân gây thiệt hại cho ngành công nghiệp giày châu Âu. Việc tiếp tục các biện pháp chống bán phá giá không nhằm phục vụ cho lợi ích chung của cộng đồng châu Âu, trong đó có lợi ích chính đáng của chính các doanh nghiệp châu Âu đang đầu tư, kinh doanh trong ngành giày dép tại Việt Nam. Các nhà nhập khẩu, các nhà phân phối, bán lẻ, các nhà cung cấp dịch vụ hậu cần, cũng như các nhà cung cấp nguyên vật liệu tại thị trường châu Âu và quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng châu Âu cũng bị thiệt hại.
Ông Lê Danh Vĩnh nêu rõ: “Các doanh nghiệp kinh doanh giày dép Việt Nam không bán phá giá, và việc Hội đồng châu Âu xác định mặt hàng giày mũ da của Việt Nam bán phá giá là không công bằng và không phản ánh đúng bản chất vụ việc. Việt Nam nhiều lần khẳng định đó là quyết định thiếu khách quan và công bằng đối với Việt Nam…”.
Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Luật học, Luật sư Phạm Liêm Chính, một chuyên gia về pháp luật thương mại quốc tế thuộc Đoàn Luật sư Hà Nội, thì việc tuyên bố, bày tỏ phản ứng của Việt Nam là rất cần thiết, song mới chỉ ở mức độ giãi bày: “Nhưng giãi bày thì chưa đủ. Nó chỉ giúp cho những người bạn của Việt Nam họ hiểu chúng ta. Phải dùng công cụ pháp lý quốc tế cho phép để bảo vệ hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam. Chúng ta cần có chiến lược bảo vệ hàng hoá xuất khẩu. WTO có một cơ quan chuyên về xét xử tranh chấp về thương mại giữa các quốc gia. Việt Nam từ 3 năm trở lại đây là thành viên của WTO, có nghĩa vụ và có quyền khi tham gia vào tổ chức này. Quyền của chúng ta là, khi gặp một vụ kiện mà chúng ta thấy bị thiệt hại, thì có quyền đệ đơn để yêu cầu WTO xem xét”.
![](http://vovnews.vn/Uploaded_VOV/tienhai/20100106/anh-giay-2.jpg) |
|
Tiến sĩ Phạm Liêm Chính phân tích, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) được hình thành trên cơ sở chính sách tự do thương mại. Tự do thương mại là lý tưởng mà tổ chức này theo đuổi và các thành viên tham gia cũng cam kết. Việt Nam đã mở cửa thị trường và thực hiện các cam kết khi gia nhập WTO. Do vậy hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam cũng phải được đối xử một cách công bằng khi vào thị trường các nước: “Chúng ta đã là thành viên của WTO từ 3 năm nay. Chúng ta hoàn toàn có quyền đệ đơn kiện ra trước cơ quan xử lý tranh chấp của WTO. Cơ quan này sẽ xem xét chúng ta có bán phá giá hay không và ra phán quyết. Phán quyết đó có giá trị thi hành trên bình diện quốc tế và buộc Hội đồng Châu Âu phải tuân thủ”.
Xin được nhắc lại rằng, quyết định của EC về áp thuế chống bán phá giá mặt hàng giày mũ da xuất khẩu của Việt Nam vào Liên minh châu Âu “gây ảnh hưởng bất lợi tới những người lao động nghèo tại một quốc gia đang phát triển còn nghèo như Việt Nam, gây thiệt hại cho các doanh nghiệp nhập khẩu, phân phối, bán lẻ và người tiêu dùng châu Âu. Quyết định này cũng làmgiảm hiệu quả các nỗ lực của châu Âu trong hợp tác với Việt Nam xoá đói giảm nghèo”.
Chính vì vậy, EC cần xem xét việc áp thuế này theo pháp luật thương mại quốc tế đối với Việt Nam với tư cách là thành viên của WTO!/.
Ngọc Năm - Hán Phi Long - VOVnews