Bệnh dại là bệnh viêm não tủy cấp tính do virus dại gây ra, lây truyền từ động vật sang người, chủ yếu qua vết cắn của động vật mắc bệnh. Hiện nay, việc sử dụng vắcxin kịp thời là biện pháp hiệu quả nhất để phòng, chống bệnh dại.
Tiêm vắcxin phòng dại cho đàn chó nuôi. (Ảnh: Đồng Thúy/TTXVN)
[Bộ Y tế khẳng định vẫn cung ứng đủ vắcxin phòng bệnh dại]
Sau thông tin khan hiếm vắcxin phòng dại, nhiều người dân đã đổ xô đi tiêm phòng dại khiến nhu cầu đột ngột tăng cao.
Bệnh dại bắt đầu “vào mùa”
Tại Việt Nam, bệnh dại lưu hành ở nhiều địa phương, chủ yếu là ở các tỉnh miền núi với nguồn truyền bệnh chính qua vật nuôi là chó.
Theo đánh giá từ Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), bệnh dại thường tăng cao vào mùa nắng nóng từ tháng 5 đến tháng 8 hàng năm, gặp ở mọi lứa tuổi và hầu hết các trường hợp tử vong do bệnh dại đều không tiêm vắcxin.
Hiện nay chưa có thuốc đặc trị để điều trị bệnh, tuy nhiên có thể phòng và điều trị dự phòng bằng vắcxin và huyết thanh kháng dại.
Tiêm vắcxin phòng bệnh dại kịp thời cho người bị chó nghi dại cắn là biện pháp hiệu quả để phòng, chống bệnh dại ở người.
Cho đến nay, Việt Nam có 2 vắcxin phòng bệnh dại được cấp giấy đăng ký lưu hành là vắcxin Verorab do Công ty Sanofi Pasteur, Pháp sản xuất và vắcxin Abhayrab do Công ty Human Biologigical Institute, Ấn Độ sản xuất.
Vắcxin dại được sử dụng trong tiêm chủng dịch vụ do người dân tự chi trả.
Tiêm phòng bệnh dại cho bệnh nhân bị chó cắn tại Trung tâm kiểm soát bệnh tật Thái Nguyên. (Ảnh: Hoàng Nguyên/TTXVN)
700 điểm tiêm chủng vắcxin dại
Trong những tháng đầu năm 2018 tại một số địa phương xảy ra hiện tượng thiếu cục bộ vắcxin phòng bệnh dại.
Theo thống kê của Bộ Y tế, trên cả nước có khoảng 700 điểm tiêm chủng vắcxin dại. Hàng năm trung bình có khoảng 400.000 - 500.000 người tiêm vắcxin phòng dại.
Từ thực tế đó, Chương trình quốc gia khống chế và tiến tới loại trừ bệnh dại trên người đã khuyến cáo các điểm tiêm phòng dại cần tăng cường sử dụng phác đồ tiêm trong da thay thế phác đồ tiêm bắp khi sử dụng vắcxin dại để tiết kiệm sử dụng vắcxin, tăng số lượng người được tiêm.
Bên cạnh đó Bộ Y tế triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp như: ban hành kế hoạch dự trù vắcxin; phối hợp với cơ quan Thú y và chính quyền địa phương trong công tác giám sát, xử lý ổ dịch dại kịp thờil hướng dẫn các đia phương thực hiện đúng các quy định hiện hành trong công tác phòng, chống bệnh dại.
Đặc biệt, Bộ Y tế đồng thời chỉ đạo các đơn vị liên quan khẩn trương nhập khẩu, kiểm định, phân phối vắcxin này để đáp ứng nhu cầu phòng bệnh của người dân.
Đến nay vắcxin này đã được cung ứng kịp thời cho các cơ sở tiêm chủng vắcxin dại trên phạm vi toàn quốc để người dân có thể tiêm chủng phòng chống bệnh dại./.
THÙY GIANG (VIETNAM+)