Thứ Bảy, 30/11/2024
Khoa học, công nghệ
Thứ Năm, 20/2/2014 21:49'(GMT+7)

Cầu Long Biên: "Nếu phá sẽ không thể phục hồi nguyên gốc"

Cầu Long Biên vẫn chưa có phương án tối ưu về bảo tồn hay xây mới. (Ảnh: TTXVN)

Cầu Long Biên vẫn chưa có phương án tối ưu về bảo tồn hay xây mới. (Ảnh: TTXVN)

Chưa có phương án tối ưu

Ông Trần Thiện Cảnh, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tư vấn thiết kế Giao thông Vận tải-đơn vị chịu trách nhiệm lập phương án xây dựng cầu cho biết: "Từ năm 2009 đến nay đã có rất nhiều phương án được nghiên cứu và đề xuất, trong đó có phương án làm cầu mới cách cầu cũ 30m nhưng không được chấp thuận vì ảnh hưởng đến thẩm mỹ của cầu Long Biên hiện tại”.

Tiếp theo, vào năm 2009, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội từng đề xuất Bộ Giao thông Vận tải nghiên cứu phương án xây cầu mới cách cầu Long Biên khoảng 200-300m về phía thượng lưu để không ảnh hưởng đến cảnh quan, kiến trúc cầu. Tuy nhiên, phương án này lại bị “vướng” về giải phóng mặt bằng và tiền đền bù do người dân khu vực phố cổ không đồng thuận.

Sau nhiều lần họp bàn, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội lại có văn bản đề nghị Bộ Giao thông Vận tải nghiên cứu xây cầu mới trùng với vị trí cầu cũ và có phương án bảo tồn.

Theo Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội Nguyễn Xuân Tân, việc đầu tư xây mới một cây cầu không khó, nhưng với cầu Long Biên thì chỉ việc sửa chữa, nâng cấp cũng vô cùng khó khăn bởi cây cầu mang tính bảo tồn.

“Việc di dời hay cải tạo, xây mới cầu Long Biên không phải là câu chuyện về ý thích của một ai đó. Các phương án đưa ra phải đảm bảo tính khoa học, hạn chế tối đa việc phải giải phóng mặt bằng, di dân đồng thời cũng phải đảm bảo yếu tố ngoại giao,” ông Tân nhìn nhận.

Theo kiến trúc sư Trần Huy Ánh, Hội Kiến trúc sư Việt Nam, cả ba phương án bảo tồn và xây mới mà Bộ Giao thông Vận tải đưa ra đều không ổn. 

Cầu Long Biên có thể được làm bảo tàng ký ức trong tương lai. (Nguồn: KTS Nguyễn Nga)

“Phương án 1 không ổn vì không thể bứng cây cầu ra khỏi địa điểm có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học để làm một cây cầu giả cổ. Phương án 2 nếu thực hiện thì sẽ làm thay đổi những yếu tố nguyên gốc vốn có của di tích lịch sử-văn hóa. Phương án 3 càng không nên vì phần làm mới không giống như bản gốc về hình dáng, kích thước, chất liệu, màu sắc, trang trí và những đặc điểm khác,” Kiến trúc sư Trần Huy Ánh phân tích.

Đưa ra phương án tối ưu cho cây cầu Long Biên, kiến trúc sư Trần Huy Ánh cho rằng, Hà Nội nên làm lại cầu như cũ và giảm tải trọng, chỉ để chạy tuyến tàu du lịch, đường sắt đô thị tuyến số 1, phục vụ người đi bộ, xe thô sơ kết hợp các lối đi ra bãi giữa sông Hồng phục vụ du lịch. Cầu mới xây cách tim cầu cũ 85m về phía thượng lưu, có đường sắt đôi chạy ở giữa, làn đường cho ô tô, xe máy hai bên. Cầu mới đáp ứng các nhu cầu giao thông cho hàng trăm năm tới, kết cấu hiện đại, đáp ứng các kịch bản phát triển giao thông đường sắt, đường bộ và đường thủy.

Bảo tồn hay xây cầu mới ở vị trí cũ?

Theo bà Nguyễn Nga, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đầu tư Bảo tồn Phát triển Cầu Long Biên, phương án tháo dỡ cầu Long Biên đã được Bộ Giao thông Vận tải đề xuất từ cách đây nhiều năm nhưng vướng phải nhiều ý kiến trái chiều của người dân và xã hội. Mới đây, Bộ Giao thông Vận tải đề xuất lại phương án tháo dỡ 9 nhịp cầu nguyên thủy, di dời xuống bãi giữa sông Hồng gọi là để “bảo tồn” thay vì “bán sắt vụn”!

“Từ 10 năm vừa qua, Chính phủ Pháp đã đề xuất tài trợ 60 triệu Euro (tương đương 1.800 tỷ đồng) để cải tạo nguyên trạng cây cầu Long Biên thành di tích văn hóa, lịch sử của Hà Nội nhưng Bộ Giao thông Vận tải chỉ muốn sử dụng cầu Long Biên như môt cầy cầu giao thông công dụng và cũng có ý kiến cho rằng 60 triệu Euro chỉ đủ để cải tạo theo cách làm quốc tế chứ không đủ để cải tạo theo cách làm của Việt Nam. Vì thế, phía Việt Nam đã bỏ qua đề xuất của Chính phủ Pháp,” bà Nga nhìn nhận.

Bên cạnh đó, bà Nga cho rằng, Bộ Giao thông Vận tải đã có được nguồn ODA của Nhật Bản để xây dựng mới cây cầu đường sắt ở cách cầu Long Biên 186m về phía thượng lưu sông Hồng. Có lẽ, Bộ này muốn tháo dỡ cầu Long Biên để sử dụng chính trục cầu cũ cho việc xây cầu mới, tránh phải chi khoản kinh phí giải tỏa mặt bằng để chi vào việc khác?

Trả lời câu hỏi vì sao không giữ lại cầu Long Biên để phục vụ nhu cầu đi lại khu phố cổ và xây cầu mới kết nối giao thông cửa ngõ Thủ đô ở vị trí mới như kiến nghị của các nhà văn hóa, ông Trần Thiện Cảnh cho biết: "Sở dĩ chọn vị trí xây cầu mới trùng với cầu Long Biên hiện tại bởi đây là một vị trí đắc địa. Khoảng cách giữa hai bờ sông ở khu vực này ngắn nhất, diện tích giải phóng mặt bằng ít nhất và đặc biệt không ảnh hưởng nhiều đến đô thị lõi của khu phố cổ.” 

Ngoài ra, về mặt hướng tuyến, vị trí cầu cũng tương đối phù hợp với quy hoạch của tuyến đường sắt số 1 xuyên qua Hà Nội, kết nối giao thông thuận lợi do tận dụng được các đường giao thông hai đầu cầu hiện có. Hơn nữa, việc nối với tuyến đường sắt đô thị số 2 (Nam Thăng Long-Thượng Đình) thuận tiện hơn các phương án khác.

Tuy vậy, ông Cảnh cũng đưa ra khuyến cáo, nếu chọn phương án này phải chấp nhận một thực tế là không thể giữ nguyên bản cầu Long Biên mà phải có những thay đổi nhất định về độ cao và kết cấu khi phải gia cố những nhịp đã bị hư hỏng, xập xệ và bảo đảm khẩu độ thông thuyền.

Theo Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông, đến nay, Bộ Giao thông Vận tải vẫn xác định nên lấy đúng tuyến đường sắt cũ trên cầu Long Biên để nâng cấp lên, giữ được kiến trúc của cầu. Kết cấu của cầu được nâng cao để đáp ứng thông thuyền. 

“Hiện, các bên đã thống nhất với phương án cầu mới có vị trí đi đúng tim cầu cũ, chỉ có nghiên cứu tiếp về mặt kiến trúc để so sánh, cân nhắc rồi mới báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.” Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho hay.

Dưới góc độ các nhà văn hóa, lịch sử, Giáo sư-tiến sỹ Ngô Đức Thịnh, Ủy viên Hội đồng Di sản Quốc gia nhìn nhận, cả ba phương án mà Bộ Giao thông Vận tải đưa ra đều là sự xâm hại di sản, thậm chí làm mất đi cảnh quan, giá trị vốn có của cây cầu này.

“Khi đã phá đi rồi thì sẽ không bao giờ phục hồi hay tìm lại được hình ảnh nguyên gốc. Đã là di sản, di tích thì chúng ta phải tôn trọng tính nguyên mẫu vốn có. Tất nhiên, bảo tồn không có nghĩa là cứ ôm khư khư. Với cây cầu này, chỉ nên sửa chữa những chỗ xuống cấp, hỏng hóc,” ông Ngô Đức Thịnh bày tỏ quan điểm.

Toàn cảnh cầu Long Biên trong tương lai nhìn từ bãi giữa Sông Hồng. (Nguồn: KTS Nguyễn Nga)

Đồng tình quan điểm đó, ông Lê Thành Vinh, Viện trưởng Viện Bảo tồn Di tích (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho rằng, các phương án đưa ra mới chỉ quan tâm đến vấn đề giao thông đi lại mà chưa nhìn tổng thể, đặt trong tương quan chung với cả các giá trị văn hóa, lịch sử mà cầu Long Biên chứa đựng. Nó là điểm nhấn tạo nên cảnh quan xung quanh khu vực này, là thành tố của di sản đô thị.

“Để hài hòa được vấn đề về bảo tồn và phát huy giá trị di sản, cần giảm tải giao thông ở cây cầu này và tôn trọng vẻ nguyên trạng. Việc sửa chữa, bảo tồn phải đảm bảo tính chỉnh thể, có hệ thống, tuyệt đối không thể chắp vá,” ông Vinh nêu lên chính kiến./.

Bộ Giao thông Vận tải đưa ra 3 phương án bảo tồn, xây mới cầu Long Biên:

Phương án 1: Xây dựng cầu mới tại vị trí tim cầu hiện tại, di dời 9 nhịp cầu cũ về phía thượng lưu để bảo tồn.

Phương án 2: Xây dựng cầu mới tại vị trí tim cầu hiện tại có kết cấu nhịp dàn thép tương tự cầu cũ như thiết kế ban đầu.

Phương án 3: Xây dựng cầu mới có một phần vị trí tại tim cầu hiện tại, giữ nguyên các nhịp cầu cũ để bảo tồn.
PHƯƠNG MAI-VIỆT HÙNG (VIETNAM+) 



Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất