Kỳ 2 (Tiếp theo và hết)
7. Về ý tưởng một trường đại học mới do người Mỹ dựng lên
Báo cáo Vallely có kèm theo một phụ lục bài viết của Giáo sư Hoàng Tụy, trong đó ông ủng hộ ý tưởng xây dựng một trường đại học mới, do nhà nước tài trợ, dựa trên mô hình của Mỹ, và do người Mỹ thiết kế.
Tôi đặc biệt ngưỡng mộ và kính trọng Hoàng Tụy (và đã viết về điều này trong Random Curves), nhưng tôi không phải là đồng ý với ông về mọi điểm. Chẳng hạn như khi tôi phỏng vấn ông khoảng 20 năm trước cho tờ The Mathematical Intelligencer, ông và một vài nhà toán học có tiếng khác có vẻ rất thích thú với một trường đại học mới là đại học Thăng Long, và cho rằng những đại học tư như thế sẽ trở thành kiểu mẫu cho giáo dục bậc cao ở Việt Nam. Tôi không bao giờ tin điều này sẽ xảy ra. Tôi biết nhiều trường đại học tư ở các nước thế giới thứ ba khác, và tôi không tin rằng việc “tư nhân hóa” như thế sẽ là một lời giải cho những khó khăn của Việt Nam (và các nước khác) trong giáo dục bậc cao. Bây giờ thì rõ ràng là tôi đã đúng về điểm này. Các “đại học” tư, kể cả Thăng Long, không thực sự là các đại học mà chỉ là các trường dạy nghề với một vài hình thức giáo dục trên bậc phổ thông.[20]
Cũng tương tự như thế, tôi cho rằng Hoàng Tụy và nhiều người khác đã sai lầm khi cho rằng một trường đại học được xây dựng hoàn toàn mới theo thiết kế của một nhóm các trường đại học của Mỹ sẽ là một mô hình thành công trong giáo dục bậc cao ở Việt Nam. Có nước nào trên thế giới mà điều này đã xảy ra không? Có một vài nước, chủ yếu là ở vùng Trung Đông,[21] là có các trường đại học do người Mỹ xây dựng, nhưng theo tôi được biết thì những trường này chỉ đào tạo các con em tầng lớp thượng lưu và không có nhiều ảnh hưởng đến việc nâng cao chất lượng giáo dục ở các quốc gia đó.
Một điểm quan trọng trong bản kiến nghị về một trường đại học mới kiểu Mỹ ở Việt Nam là nó sẽ không lấy kinh phí từ nguồn của Mỹ. Như thế, nó sẽ là một khoản chi rất lớn đối với chính phủ Việt Nam. Như trong bản báo cáo Vallely đã viết: “Nói một cách thẳng thừng là Việt Nam phải chấp nhận chi tiền.” Và mỗi đồng đô la mà Việt Nam trả cho một hiệp hội của Mỹ có nghĩa là nhà nước sẽ có ít tiền hơn để cải tổ các trường đại học hiện có.
Nhìn sang các nước khác để học tập các ý tưởng để cải cách là một việc làm hoàn toàn xác đáng. Có một số điều ở nước Mỹ được thực hiện tốt - như tôi đã từng đề cập đến trong những lần sang thăm Việt Nam. Ví dụ, ở Mỹ thì việc giảng dạy và nghiên cứu được gắn kết với nhau tốt hơn so với đa số các nước khác. (Tôi đã trình bày về điều này từ năm 1983 trong một bản báo cáo mà tôi đã viết cho các nhà lãnh đạo Việt Nam về giáo dục và khoa học.) Nhưng Việt Nam không nên tôn sùng nước Mỹ (hay bất cứ quốc gia nào khác). Cần phải hiểu rằng có rất nhiều thất bại trong hệ thống Mỹ. Và một số nước khác, như Ấn Độ, Trung Quốc, và Nhật Bản - lại là những nguồn ý tưởng và cảm hứng hay hơn nhiều trong một số khía cạnh của giáo dục.
8. Thị trường việc làm
Bản báo cáo Vallely khẳng định rằng “có đến khoảng 50% sinh viên tốt nghiệp không thể tìm được việc làm trong lĩnh vực chuyên môn của mình,” và dùng điều này như là một bằng chứng về sự kém hiệu quả của chương trình đào tạo ở Việt Nam. Tuy nhiên, đây không phải là kết luận đứng đắn rút ra được từ con số thống kê này. Ở Việt Nam, cũng như ở nhiều nước Thế giới Thứ Ba khác, vấn đề là ở chỗ khu vực tư nhân không đạt được đến mức độ có khả năng thu nhận một số lượng lớn các nhà khoa học và kỹ sư tài năng (và ở khu vực nhà nước thì điều này lại bị giới hạn bởi những lý do về tài chính).
Từ nhiều năm nay tôi thường xuyên đến Peru, một quốc gia cũng không có khả năng cung cấp công ăn việc làm cho các sinh viên tốt nghiệp đúng với chuyên môn của họ. Một khách du lịch ở Peru rất có thể sẽ gặp một người lái taxi hay một hướng dẫn viên du lịch rất có học! Khách du lịch tất nhiên sẽ thích điều này, nhưng đây lại là một bi kịch đối với quốc gia đó. Lý do vì sao rất nhiều người Peru có bằng cấp cao nhưng lại làm các công việc thậm chí không cần đến trình độ đại học không phải là do các trường đại học của Peru quá kém cỏi trong công tác đào tào họ, mà là vì nền kinh tế chưa đủ sức để có thể thu nhận họ. Peru, giống như Việt Nam, chưa có một khu vực tư nhân sống động. Và ở Peru, cũng như ở nhiều quốc gia khác, chính phủ đang phải chịu một sức ép rất lớn phải giảm bớt khu vực nhà nước, nơi phần lớn những người làm việc trong các ngành khoa học ăn lương (sự cắt giảm trong khu vực nhà nước thường là một trong những điều kiện mà Ngân Hàng Thế Giới hay Qũy Tiền Tệ Quốc Tế yêu cầu).
Ngay cả khi một quốc gia có một khu vực kinh tế tư nhân giàu sáng tạo với rất nhiều việc làm dành cho các nhà khoa học và kỹ sư, cũng cần phải có những cố gắng đặc biệt để đảm bảo cho các sinh viên tốt nghiệp đại học có một bước chuyển tiếp trơn tru ra thị trường nhân lực. Một trường đại học đã có rất nhiều thành công trong việc này là đại học Waterloo (thường được gọi là “MIT của Canada”), nơi mà khái niệm “thực tập sinh”[22] được đưa ra lần đầu tiên từ gần nửa thế kỷ trước. Các sinh viên Waterloo mất 5 năm chứ không phải 4 năm đại học để tốt nghiệp vì họ dành một phần không nhỏ thời gian trong các năm đó để làm các công việc tạm thời, thường là các khu vực Nghiên cứu và Phát triển (R&D) tại các công ty công nghệ cao. Tất nhiên là một chương trình thực tập như vậy chỉ có thể thực hiện được vì khu vực Toronto, nơi đại học Waterloo đặt địa điểm, có rất nhiều công ty như vậy.
8.1. Tính chất của khu vực tư nhân
Bản báo cáo Vallely sử dụng khái niệm “chỉ số sáng tạo” để chỉ bảng các bằng sáng chế được cấp năm 2006, và nó sử dụng việc thiếu vắng các bằng sáng chế được cấp cho Việt Nam như là một bằng chứng cho “chất lượng kém cỏi” của giáo dục bậc cao. Điều này là một sự nhầm lẫn tai hại.
Mục đích của bằng sáng chế là bảo vệ sự sáng tạo trong khu vực tư nhân, nói rõ hơn, là để đảm bảo cho các công ty thu được lợi nhuận từ những cải tiến mà các nhà nghiên cứu của họ đề xuất. Thông thường thì nghiên cứu trong khoa học cơ bản và khoa học ứng dụng tại các trường đại học và tại các viện nghiên cứu của chính phủ không dẫn đến các bằng sáng chế, dù tính sáng tạo của nó ở mức độ nào chăng nữa.[23] Do đó, việc thiếu vắng những bằng sáng chế ở Việt Nam là một hệ quả, không phải của một sự thất bại trong hệ thống đại học, mà là chất lượng thấp của khu vực tư nhân.
Như đã chỉ ra trong báo cáo Vallely, Hàn Quốc có rất nhiều bằng sáng chế. Lý do là vì nền công nghiệp Hàn Quốc đã phát triển ở mức độ cao, với nhiều tên tuổi lớn trên thế giới có khả năng cạnh tranh trong các ngành công nghiệp điện tử, xe hơi - và những công ty đặt tại quốc gia đó có mạng lưới R&D dày đặc.
Ngược lại, Việt Nam, cũng như nhiều nước thuộc Thế Giới Thứ Ba khác, không có một công ty quan trọng nào đi đầu trong các sáng tạo kỹ thuật. Và các chi nhánh tại Việt Nam của các công ty đa quốc gia chỉ tham gia vào các lĩnh vực sản xuất, phân phối và các hoạt động liên quan chứ không phải là phát triển sáng tạo kỹ thuật mới.
8.2. Intel
Trong một mục có tiêu đề là “Mức độ khủng hoảng,” bản báo cáo Vallely khẳng định rằng kinh nghiệm của Intel trong việc tuyển người tại Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy “chất lượng tồi tệ của giáo dục đại học.” Bản báo cáo cũng dẫn các kết quả của một bài kiểm tra trắc nghiệm của 2000 sinh viên ở thành phố Hồ Chí Minh và dẫn lời một ai đó tại Intel như sau:
Intel xác nhận rằng đây là kết quả tồi tệ nhất mà họ đã gặp phải tại tất cả các quốc gia mà họ đã đầu tư. Các nhà đầu tư Việt Nam và quốc tế thường dẫn việc thiếu hụt công nhân và lực lượng quản lý có trình độ là rào cản lớn đối với sự mở rộng của họ.
Chúng ta hãy cùng tìm hiểu xem liệu báo cáo Vallely có mô tả chính xác những gì mà Intel đã trải qua hay không và đi đến kết luận thích ứng.
8.2.1. Hoạt động của Intel tại Việt Nam
Trên trang web của mình, Intel công bố rằng các cơ sở được mở rộng đã được hoạch định trước ở Việt Nam sẽ hoạt động trong bốn lĩnh vực: sản xuất, kiểm nghiệm, bán hàng và marketing. Một biểu đồ trong Báo Cáo Trách Nhiệm Công Ty năm 2008 của Intel cho thấy là vào thời điểm 31 tháng 12 năm 2008, Intel đã có cơ sở hoạt động với trên 50 nhân viên tại mười hai nước Thế Giới Thứ Ba, trong đó có Việt Nam. Theo biểu đồ này thì Intel có các cơ sở R&D tại bốn nước trong số đó (Trung Quốc, Ấn Độ, Malaysia, và Philippines).
Những công nhân có trình độ cao hoặc kém hơn một chút tại Việt Nam của Intel sẽ làm việc tại các dây chuyền sản xuất, thực hiện các giao thức kiểm nghiệm sản phẩm, và cố gắng tăng sức mua các sản phẩm của Intel trong nước. Ngoài ra, Intel cần nhân công có trình độ trong các công việc thư ký và quản lý (đôi khi được gọi là “kỹ năng mềm”) để giải quyết các công việc hành chính và quản lý nhân viên Việt Nam. Đối với những mục đích như vậy thì chỉ cần một hai năm học tại một trong những trường dạy nghề tư đang nở rộ tại thành phố Hồ Chí Minh là đủ; không có một điều gì trong mô tả công việc đòi hỏi đến bằng đại học 4 năm. Nói riêng, chi nhánh tại Việt Nam của công ty không cần đến các kỹ sư hay các nhà khoa học sáng tạo vì nó không có R&D.
Trong những lần đầu khi tôi đến thăm Việt Nam vào năm 1978 và những năm 1980, tôi thường cảm thấy hết sức kinh ngạc trước sự khéo léo của các tài xế và thợ máy Việt Nam, họ có thể sửa chữa và bảo trì những chiếc xe cũ nát của Mỹ từ thời chiếm đóng. Có vẻ như những kỹ năng, sự thông minh, và đôi khi là sự sáng tạo thể hiện khi sửa chữa xe hơi hay tại các cửa hàng sửa chữa xe đạp trong những năm tháng đó vượt quá những gì mà Intel mong đợi từ những nhân viên Việt Nam của mình. Những người này chỉ được yêu cầu phải theo đúng những công đoạn thực hiện mà những nhân viên Mỹ đã vạch ra. Người ta không yêu cầu họ phải sáng tạo.[24] Vì thế, không thể đưa ra những kết luận hợp logic nào về chất lượng của các trường đại học đào tạo 4 năm của Việt Nam từ sự thành công hay thất bại của Intel trong công tác tuyển dụng nhằm thỏa mãn mục tiêu của họ.
8.2.2. Trả lời của Intel về bản báo cáo Vallely
Được sự giúp đỡ của một người đồng nghiệp, hiện đang là một nghiên cứu viên có thâm niên trong lĩnh vực mật mã tại Intel, tôi đã tiếp cận được với một số người tại Intel có hiểu biết về hoạt động của công ty tại Việt Nam. Tôi đã đề nghị họ đọc những phát biểu về Intel trong bản báo cáo Vallely và trả lời. Dưới đây là phát biểu của Intel:[25]
Mục tiêu của Intel là phối hợp với chính phủ Việt Nam, các trường đại học, và ngành kinh doanh khác để phát triển một đội ngũ nhân công kỹ thuật cao có chất lượng quốc tế. Đây không phải là điều mà chúng tôi có thể hay muốn làm một cách đơn độc, lại càng không phải là một việc có thể xảy ra ngay lập tức. Nó cần phải có được sự hỗ trợ và đóng góp của tất cả các bên có liên quan. Từ khi chúng tôi bắt đầu hoạt động tích cực ở Việt Nam, chúng tôi đã có được một định hướng tích cực.
Intel muốn xây dựng một nhà máy kiểm nghiệm dây chuyền bán dẫn lớn nhất thế giới tại Việt Nam. Trong thời gian gần đây, chúng tôi đã có được một số thành công trong việc tuyển dụng sinh viên kỹ thuật. Từ khi chúng tôi bắt đầu đánh giá khả năng của sinh viên, họ đã chứng tỏ được khả năng tiếp thu tiếng Anh tốt hơn, và những kỹ năng mềm của họ đã có tiến bộ. Khi Intel thông báo các yêu cầu của mình, sinh viên và các trường đại học đã có những đáp ứng có tính xây dựng. Chúng tôi còn cả một chặng đường, nhưng những tiến bộ gần đây là đáng kể.
Khi tiếp tục đi trên con đường này cùng với các thành viên đối tác, và khi các trường đại học và chính phủ và giới kinh doanh tập trung vào các ứng dụng cụ thể của kỹ năng kỹ thuật, chúng tôi tin rằng lực lượng nhân công kỹ thuật cao của Việt Nam sẽ có sức cạnh tranh ở mức độ toàn cầu.
Phát biểu của Intel không ủng hộ cho cái gọi là các trường đại học Việt Nam đang khủng hoảng, hay cần phải có những thay đổi mạnh mẽ trong việc quản lý. Báo cáo Vallely rõ ràng là đã xuyên tạc và bóp méo những kinh nghiệm của Intel để phục vụ cho mục tiêu chính trị của mình.
9. Học tập ở nước ngoài
Bản báo cáo Vallely khẳng định rằng do chất lượng học tập ở bậc đại học kém nên “Các sinh viên Việt Nam thường không thể cạnh tranh [với] các sinh viên đến từ Ấn Độ và Trung Quốc … khi đăng ký vào các chương trình cao học có chất lượng cao tại Mỹ và Châu Âu.” Nhưng nó không đưa ra được một bằng chứng nào để minh chứng cho khẳng định nói rằng các sinh viên Việt Nam không đủ sức cạnh tranh.[26]
Rất có thể là tại một vài trường đại học của Trung Quốc và Ấn Độ, các ứng viên của họ thành công hơn so với các ứng viên đến từ các nước thuộc Thế Giới Thứ Ba, bao gồm cả Việt Nam. Cả Trung Quốc và Ấn Độ đều có nhiều năm kinh nghiệm hơn trong việc gửi sinh viên của họ ra nước ngoài để tiếp tục học tập, và thường thì số ứng viên từ hai nước này cũng cao hơn rất nhiều. (Cũng cần nhắc lại rằng Trung Quốc và Ấn Độ chiếm khoảng 37% dân số thế giới; còn Việt Nam chỉ chiếm khoảng 1.28%.)
Trong trường hợp Việt Nam, có một hiện tượng đặc biệt có thể giúp giải thích phần nào cho sự ít ỏi của ứng viên so với một vài nước khác, tương tự như Việt Nam, có truyền thống đòi hỏi cao trong giáo dục toán học. Nhiều chương trình Ph.D. toán yêu cầu phải có điểm TOEFL rất cao. Lý do là vì tại các trường đại học của Mỹ, nguồn tài chính chủ yếu cho việc học tập sau đại học là làm trợ giảng cho các môn học nhập môn - một công việc đòi hỏi kiến thức tiếng Anh giao tiếp rất vững vàng.
Thường thì các sinh viên từ Hà Nội có trình độ toán cao hơn, nhưng lại không có điểm TOEFL cao, trong khi đó thì đối với các sinh viên từ phía nam, điều ngược lại xảy ra. Tất nhiên là có nhiều ngoại lệ đối với khẳng định trên, nhưng nói chung thì khó tìm được một ứng viên Việt Nam dẫn đầu cả về toán học và tiếng Anh.
Theo như tôi biết thì Việt Nam là nước duy nhất trên thế giới mà ở đó, nơi đào tạo khoa học tốt nhất và nơi giảng dạy tiếng Anh tốt nhất lại gần như hoàn toàn khác nhau. Ở Trung Quốc chẳng hạn, thì những nơi này là một. Trong trường hợp của Ấn Độ, vấn đề này không tồn tại vì tiếng Anh là ngôn ngữ của tầng lớp cao, và tiếng Anh được dùng trong giảng dạy tại tất cả các trường đại học.
10. Một vài khuyến nghị
Nếu như tôi được yêu cầu đóng góp một số lời khuyên cho chính phủ Việt Nam để nâng cao chất lượng giáo dục bậc cao, thì chúng sẽ khác hẳn những gì mà Viện Ash hay Viện Hàn Lâm Quốc Gia Hoa Kỳ đã đưa ra. Những khuyến nghị của tôi là như sau:
1. Tăng lương cho các giảng viên, giáo sư, và các nghiên cứu viên để có thể tiếp cận được với mức lương ở khu vực tư nhân.
2. Cấp học bổng cho sinh viên ở bậc cao học (Master) trong các ngành toán học và khoa học.
3. Cấp kinh phí cho các chương trình mùa hè dành cho các sinh viên tài năng (ví dụ như những sinh viên có kết quả tốt trong các kỳ thi Olimpic toán).
4. Cấp kinh phí để xây dựng các chương trình đặc biệt dành cho nữ sinh, đặc biệt là tại các trường trung học và đại học, để khuyến khích nữ giới lựa chọn nghề nghiệp trong lĩnh vực khoa học và kỹ thuật. (Quỹ Kovalevskaia dành những phần thưởng cho các nhà khoa học nữ có trình độ cao, nhưng lại không có một chương trình tương tự như vậy dành cho nữ giới ở trình độ thấp hơn).
5. Cấp kinh phí để xây dựng các chương trình đặc biệt dành cho các dân tộc thiểu số, để họ có thể tham gia trong lĩnh vực khoa học và kỹ thuật. Cả học sinh nữ lẫn các học sinh người dân tộc thiểu số đều cần được khuyến khích tham gia và các hoạt động như các kỳ thi Olimpic toán. (Vào năm 2007, Quỹ Kovalevskaia đã cấp kinh phí cho một cậu bé người dân tộc miền núi thiểu số ở Peru tham gia vào cuộc thi IMO tại Hà Nội, và cậu đã giành được huy chương bạc.)
6. Cố gắng vận động, gây ảnh hưởng đối với các công ty kỹ thuật cao đa quốc gia để xây dựng các cơ sở nghiên cứu và phát triển (không chỉ có các công việc kinh doanh, marketing, kiểm nghiệm và sản xuất) tại Việt Nam, để từ đó có thêm nhiều công việc đòi hỏi trình độ cao trong các khu vực tư nhân, tạo thêm cơ hội cho sự sáng tạo của các nhà khoa học trẻ Việt Nam. Hiện tại thì gần như tất cả các nghiên cứu khoa học đều chỉ do nhà nước hỗ trợ chứ không có sự tham gia của khu vực tư nhân. Nếu như Intel có thể xây dựng các cơ sở R&D tại Malaysia và Phillippines thì tại sao họ không thể làm như vậy tại Việt Nam?
7. Đưa ra một loại thuế mới đối với các công ty ở khu vực tư nhân - kể cả với các công ty đa quốc gia - để chỉ sử dụng vào các hoạt động của chính phủ nhằm hỗ trợ giáo dục và nghiên cứu khoa học. [27]
8. Đừng phung phí tiền của chính phủ Việt Nam bằng cách chi trả cho các cái gọi là “chuyên gia” Hoa Kỳ, hay chi trả cho các trường đại học của Mỹ để họ dựng lên một đại học ở Việt Nam.
Mục đích của các khuyến nghị 7 và 8 là để cho chính phủ Việt Nam có thêm kinh phí cho các khuyến nghị 1, 2, 3, 4, 5. Khác với bản báo cáo Vallely, cho rằng không cần thiết phải tăng thêm kinh phí tài trợ cho giáo dục bậc cao ở Việt Nam, tôi cho rằng một yếu tố quan trọng trong việc nâng cao chất lượng giáo dục bậc cao chắc chắn PHẢI LÀ tài chính.
11. Kết luận
Một vài nhà bình luận Việt Nam mô tả tình trạng hiện nay bằng các ngôn từ của ngày tận thế, và tuyên bố rằng các vấn đề của giáo dục bậc cao đã trở nên trầm trọng đến mức cần phải có sự can thiệp từ phía bên ngoài - bởi những người nước ngoài - mới có thể dẫn đến cải cách. Một số thậm chí còn tin tưởng rằng vấn đề này chỉ có thể được giải quyết nếu như toàn bộ hệ thống kinh tế và chính trị được thay đổi - chắc với ý là bằng một mô hình nào đó theo mô hình tư bản phương tây.
Trong tiếng Anh, có một câu nói là: “Hãy coi chừng những ước muốn của mình.”[28] Lý do (thường không nói đến) là bởi vì “anh sẽ lĩnh đủ nó.”[29] Khi tôi ở Mátxcơva vào những năm 1970 và 1980, tôi thấy rất nhiều trí thức đầu đàn của Liên Xô chán ghét hệ thống xã hội chủ nghĩa mà họ đang sống và chỉ muốn được thấy nó bị thay thế bởi một hình thức kiểu phương Tây cả về kinh tế và chính trị. Họ thường tỏ ra rất ngưỡng mộ Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ, và họ thường không hiểu được những khó khăn và thất bại của hệ thống Mỹ.
Bây giờ thì họ đã lĩnh đủ những gì họ mong đợi - Hệ thống xã hội chủ nghĩa Xô Viết đã sụp đổ và được thay thế bởi một dạng thô sơ của chủ nghĩa tư bản. Nhưng những hệ lụy đối với nghiên cứu khoa học và giáo dục là hết sức tai hại. Nước Nga bây giờ không còn là nơi mà khoa học, toán học và giáo dục bậc cao có tầm cỡ thế giới. Gần đây, Math Reviews[30] có nhờ tôi đọc nhận xét một bài báo đăng bằng tiếng Nga về mật mã (điều này rất hiếm xảy ra vì thời gian gần đây chẳng có gì được đăng bằng tiếng Nga cả). Danh sách các tài liệu trích dẫn của nó đều là các bài đã cũ từ 15 năm trước - một điều rất lạ so với một ngành toán ứng dụng đang phát triển rất nhanh chóng - và “ý tưởng mới” của tác giả đã được phát triển và công bố từ cuối những năm 1990. Trình độ của tác giả giống như của một ai đó từ một nước Thế Giới Thứ Ba chậm phát triển. Một đất nước mà trước kia từng là đối thủ cạnh tranh khoa học của nước Mỹ thì ngày nay chỉ là một vũng nước đọng.
Nhiều năm trước Hoàng Tụy đã giải thích cho tôi rằng khác với một vài nước khác (chắc là ông đang nghĩ chủ yếu đến Trung Quốc), từ khi giành độc lập năm 1945, Việt Nam đã tránh được nhiều sự đổi hướng đột ngột - những thay đổi đã gây nên rất nhiều gian khổ ở các nơi khác trên thế giới. Người Việt Nam, theo quan sát của ông, thích những sự thay đổi vừa phải và giải quyết những bất đồng một cách êm thấm, sao cho không dẫn đến những sự đàn áp hay làm nhục đối phương. Nếu như cái nhìn này về cách thực hiện cải cách ở Việt Nam vẫn còn chính xác thì rất có thể nâng cao chất lượng giáo dục bậc cao ở Việt Nam mà vẫn không đoạn tuyệt với hệ thống xã hội chủ nghĩa, không sỉ nhục những người được đào tạo tại Liên Xô các nước khối Đông Âu cũ, và không giao phó tương lai của Việt Nam cho những người được gọi là “chuyên gia” Mỹ.
------------------
[20] post-secondary
[21] Mideast
[22] internship
[23] Tại Mỹ, trong những năm gần đây, những người quản lý tại các trường đại học liên tục yêu cầu các giáo sư trong các lĩnh vực ứng dụng lấy bằng sáng chế. Nếu như những bằng sáng chế này có lợi nhuận thì trường sẽ được hưởng một phần không nhỏ. Tuy nhiên, chỉ mãi đến gần đây thì mới có nhiều giáo sư đại học có bằng sáng chế, và ngay cả tại thời điểm hiện tại thì đa số các nhà khoa học ở các trường đại học chưa bao giờ có một bằng sáng chế nào. Ví dụ như mặc dù đã làm việc trong lĩnh vực mật mã học từ 25 năm nay, tôi không có một bằng sáng chế nào.
[24] Trong bản quảng cáo dành cho nhân viên tương lai, Intel Việt Nam đôi khi tỏ ra mập mờ về tính chất công việc. Trên trang Facebook “Việc làm tại Intel Việt Nam”, chúng ta đọc được “Tại Intel, bạn sẽ có đươc những cơ hội để khẳng định trí tuệ của mình khi làm việc, phát triển và sáng tạo cùng với những nhân viên giỏi nhất trên thế giới tại một môi trường làm việc sáng tạo và có tính chất quốc tế.” Chú ý rằng cùng một từ “sáng tạo” được sử dụng đến hai lần trong cùng một câu. Tuy nhiên, từ các thông tin trên chính trang web của Intel về những hoạt động dự kiến của nó ở Việt Nam, rõ ràng là câu nói trên tỏ ra vô nghĩa.
[25] Email đề ngày 2 tháng 10, 2009 của Gail DunDas từ Nhóm Liên Lạc Toàn Cầu của Công ty Intel – Intel Corporation Global Communications Group.
[26] Tôi làm việc trong ban xét duyệt hồ sơ sinh viên sau đại học của khoa, với trách nhiệm phải đọc và đánh giá hàng trăm hồ sơ đăng ký vào chương trình Ph.D ngành toán của đại học Washington, Seattle. Trong hơn ba năm qua, chúng tôi đã có khoảng 6 ứng viên từ Việt Nam, trong đó có hai người được chấp nhận. Tỷ lệ được chấp nhận này tương tự như đối với các nước khác; ví dụ như khoảng một phần ba trong số 90 ứng viên Trung Quốc đăng ký trong cùng khoảng thời gian 3 năm nói trên được chấp nhận.
[27] Một phương án khác với hình thức đánh thuế là một hệ thống các “người tài trợ tình nguyện” giống như những gì mà Viện Toán học Hà nội sử dụng để thu thập kinh phí từ các thành viên của viện trở về từ các nước tư bản. Tức là, với mỗi công ty, nhà nước sẽ tính toán một khoản tiền tương ứng mỗi năm, và công ty đó sẽ được yêu cầu phải thực hiện một khoản tài trợ tình nguyện cho phát triển khoa học và giáo dục. Số tiền yêu cầu và số tiền được tài trợ sẽ được công bố, và các công ty tài trợ đầy đủ số tiền sẽ nhận được nhiều thiện cảm và sự hợp tác cả ở cac kênh chính thức cũng như không chính thức so với các công ty khác với số tiền tài trợ không đầy đủ.
[28] Be careful what you wish for. (ND)
[29] Because you might get it. (ND)
[30] Một hệ thống điểm các bài báo thuộc lĩnh vực toán học của hội toán học Mỹ (ND)
(Theo Nhân Dân)