Chủ Nhật, 29/9/2024
Diễn đàn
Thứ Sáu, 14/11/2008 15:47'(GMT+7)

Chất vấn - Chưa làm rõ trách nhiệm trong nhiều vấn đề

Với 307 chất vấn bằng văn bản của 131 vị đại biểu thuộc 50 đoàn và 129 lượt ý kiến chất vấn trao đổi tại Hội trường, hoạt động chất vấn ở kỳ họp này được đánh giá là có quy mô lớn nhất từ trước đến nay, kể cả chất vấn trực tiếp tại Hội trường cũng như bằng văn bản. Đây thực sự là một kỳ chất vấn đổi mới, sôi động, hấp dẫn và có hiệu quả thiết thực. Bên hành lang Quốc hội, phóng viên VOVNews đã phỏng vấn nhiều đại biểu để cảm nhận rõ hơn về những mặt được và còn tồn tại của kỳ chất vấn này.

** Đại biểu Danh Út (đoàn Kiên Giang): Trao đổi giúp đại biểu nắm rõ vấn đề hơn

Đại biểu Danh Út
Thời gian chất vấn nhiều hơn, số lượng Bộ trưởng đăng đàn trả lời được nhiều hơn, đặc biệt thời gian dành cho Thủ tướng cũng khá nhiều, không khí chất vấn rất tốt. Phần trả lời chất vấn, về cơ bản, Thủ tướng và các vị Bộ trưởng đều trả lời tốt, có phần lưu loát đối với thực tiễn của câu hỏi đặt ra, đặc biệt đối với những vấn đề về tiêu thụ nông sản, vấn đề ô nhiễm môi trường, rác thải, giáo dục…

Tôi cơ bản hài lòng với phần trả lời của Thủ tướng, đã giúp đại biểu nắm rõ thêm thông tin về vấn đề, làm cơ sở để giải thích vấn đề với cử tri rõ hơn trong các đợt tiếp xúc sau này.

Về lời hứa của các thành viên Chính phủ từ các kỳ họp trước, có nhiều Bộ thực hiện tốt nhưng cũng chưa phải hoàn toàn. Kỳ trước tôi có chất vấn Bộ trưởng Giao thông-Vận tải. Sau kỳ họp thứ 3, Bộ trưởng đã xuống ngay địa bàn, có những con đường được làm rất nhanh, rất tốt nhưng vẫn còn nhiều con đường đến nay chưa được làm xong.

Theo tôi, mỗi Bộ trưởng phải có ít nhất 2 tiếng hoặc hơn mới đủ để trả lời và đại biểu được trao đổi cho rõ ràng vấn đề.

** Đại biểu Võ Đình Tuyến (đoàn Bình Phước): Quy định rõ trách nhiệm từng bộ, ngành

Đại biểu Võ Đình Tuyến
Phải nói rằng hoạt động chất vấn kỳ này rất nghiêm túc, đặc biệt bản báo cáo giải trình của Thủ tướng Chính phủ rất chân tình và thẳng thắn, cơ bản đã đáp ứng mong muốn của nhân dân. Tuy nhiên, hoạt động chất vấn trong nhiều vấn đề chưa làm rõ được trách nhiệm, như vấn đề môi trường, trách nhiệm của Bộ Tài nguyên-Môi trường và UBND các tỉnh cũng không rõ ràng. Đại biểu Quốc hội cũng như cử tri Bình Phước mong muốn các Bộ, ngành, trung ương và Chính phủ tiếp thu, thời gian tới tập trung làm rõ cơ chế, nhiệm vụ, chức năng của từng Bộ, ngành cho rõ ràng, để Bộ, ngành nào làm tốt thì tuyên dương khen thưởng, còn không tốt thì cũng phải xử lý cho rõ ràng, khi đó hoạt động chất vấn mới có kết quả cao được.

Việc thực hiện lời hứa của các thành viên Chính phủ từ các kỳ trước nhìn chung đều được thực hiện nghiêm túc, tuy nhiên tôi vẫn cho rằng việc quy chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm của từng Bộ, ngành chưa rõ ràng nên hiệu quả công việc được giải quyết chưa cao. Như vấn đề an toàn thực phẩm, liên quan tới nhiều Bộ, nhưng đến giờ trách nhiệm thuộc về ai chúng ta vẫn chưa rõ, chắc chắn người dân chưa thể thoả mãn!

Tôi cho rằng, việc cải tiến hoạt động chất vấn của Quốc hội theo nhóm vấn đề ở kỳ này là rất tốt bởi thời gian dành cho chất vấn không nhiều, nếu cứ dàn trải mỗi người mỗi ý kiến khác nhau thì không thể có câu trả lời rõ ràng cho những vấn đề bức xúc, nổi cộm.

Tại kỳ chất vấn lần này, tôi rất ấn tượng với vai trò điều khiển của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng. Tôi cho là rất tuyệt vời, rất linh hoạt; kết luận vấn đề rõ ràng rành mạch, cách điều khiển phiên họp như thế là rất tốt. Với cách làm như vậy, tôi tin tưởng các Bộ, ngành và Chính phủ một khi đã hứa rồi thì chắc chắn sẽ phải tìm giải pháp để thực hiện, như vậy sẽ nâng cao trách nhiệm của bộ, ngành và cá nhân Bộ trưởng, Thủ tướng.

** Đại biểu Cao Sỹ Kiêm (đoàn Thái Bình): Chưa đưa ra được giải pháp cụ thể

Đại biểu Cao Sỹ Kiêm 
Hoạt động chất vấn tại kỳ này đã có nhiều cải tiến. Những nội dung chất vấn đã tập trung vào những vấn đề cốt lõi được cử tri đặc biệt quan tâm. Bên cạnh đó, cách đặt chất vấn cũng tìm ra được nguyên nhân của vấn đề và cũng là dịp để các bộ, ngành giải trình rõ hơn việc thực hiện chủ trương, chính sách. Qua trao đổi, sự hiểu biết, nắm thông tin vấn đề giữa cử tri và đại biểu được cập nhật và rõ ràng hơn.

Tuy nhiên, theo tôi còn 3 vấn đề đáng chú ý: việc nêu vấn đề, chủ trương chính sách thì được nhưng giải pháp vẫn chưa rõ, chưa hoàn chỉnh; trách nhiệm giải quyết của từng cá nhân và các bộ, ngành chưa được đầy đủ; chưa đưa ra được giải pháp tiếp theo, không phải là giải pháp định hướng mà phải cụ thể, cả cử tri và đại biểu đều trông chờ điều ấy. Theo tôi 3 vấn đề ấy vẫn còn đọng lại. Ở đợt chất vấn sau, nếu giải quyết được 3 vấn đề này, tôi cho rằng hiệu quả chất vấn sẽ tốt hơn nhiều.

Cách chất vấn của đại biểu Quốc hội cũng đã có nhiều tiến bộ, sát và tập trung vào vấn đề hơn, nhưng vẫn còn sự trùng lặp, lòng vòng và không có tính gợi mở cho giải pháp, mới chỉ là để lấy thông tin.

Việc thực hiện lời hứa của các thành viên Chính phủ đã có nhưng cũng chưa triệt để như khi hứa, chưa rõ ràng, mới chỉ chung chung.

** Đại biểu Lương Phan Cừ (đoàn Đăk Nông): Đối thoại trong chất vấn đã được cải thiện

Hoạt động chất vấn đợt này đã có chất lượng tốt hơn, chất vấn cũng như trả lời chất vấn ngày càng thực chất hơn, đại biểu đã đề cập đến những vấn đề nóng bỏng của cuộc sống.

Tuy nhiên tôi vẫn muốn nhận thấy rõ hơn trách nhiệm của các thành viên Chính phủ trước nhân dân. Dù là lãnh đạo tập thể nhưng cần phải cải tiến để vẫn mang tính lãnh đạo tập thể, nhưng đồng thời phải nâng cao trách nhiệm tập thể, cá nhân. Chưa thể giải quyết trong một thời gian ngắn, nhưng nhìn chung việc trả lời chất vấn của các vị Bộ trưởng đã có nhiều chuyển biến tích cực.

Về đối thoại giữa người chất vấn và người trả lời chất vấn, tôi đồng tình với đánh giá của Chủ tịch Quốc hội, đó là chúng ta đang cải tiến và rút kinh nghiệm dần dần. Vấn đề hỏi để lấy thông tin của đại biểu cũng đã được hạn chế. Về vấn đề này tôi cho rằng văn phòng Quốc hội cần đổi mới phương pháp và thời gian cung cấp tài liệu, thông tin cho đại biểu. Quốc hội họp 30 ngày, số lượng tài liệu rất nhiều. Muốn hiểu thấu đáo vấn đề, các đại biểu phải có thời gian để đọc để “ngấm” vấn đề. Như vậy chất lượng chất vấn trên hội trường mới có hiệu quả.

** Đại biểu Nguyễn Đình Xuân (đoàn Tây Ninh): Chưa thỏa mãn về vụ Vedan

Đại biểu Nguyễn Đình Xuân 
Điểm sáng nhất trong kỳ chất vấn này so với kỳ trước là phần trả lời của Thủ tướng trong suốt cả buổi sáng là khoảng thời gian kỷ lục, so với các kỳ trước đó. Lần đầu tiên Thủ tướng đã dành ra đúng một buổi để trao đổi gần như là tất cả những vấn đề mà đại biểu Quốc hội quan tâm. Tôi cho điều đó cũng đúng với tinh thần đổi mới của Quốc hội. Một điểm nữa mà tôi hài lòng đó là Thủ tướng đã thẳng thắn trả lời câu hỏi của đại biểu Quốc hội đặt ra.

Trong quá trình chất vấn, đã có sự đối thoại, nhưng không nhiều. Có lẽ do thời lượng chất vấn gây gò bó cho các Bộ trưởng. Theo tôi, có lẽ nên giảm số Bộ trưởng chất vấn, nhưng kéo dài thời gian, mỗi Bộ trưởng có một buổi chẳng hạn, sẽ làm rõ hơn được nhiều vấn đề.

Cảm nhận của riêng tôi chưa hài lòng lắm đó là còn nhiều vấn đề đọng lại. Vấn đề chưa được giải quyết đến đầu đến đũa, điển hình như vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, vẫn chưa rõ ràng Bộ nào phải chịu trách nhiệm: đối với những loại sản phẩm hàng hoá dịch vụ thực phẩm, kể cả trái cây đang tràn ngập thị trường của chúng ta thì ai là người kiểm soát chất lượng của nó, trong khi hàng hoá của chúng ta xuất ra nước ngoài như Thanh Long, cá, tôm thì phải đầy đủ các tiêu chí, các loại hàng rào kỹ thuật mới được xuất… Thế thì tại sao  hàng nước ngoài không bị đối xử như vậy, đó là điều mà tôi còn rất băn khoăn?.

Hay vấn đề của Vedan. Thủ tướng có nói rằng một mặt phải xử lý nghiêm khắc, nhưng vẫn phải “đảm bảo cho nó hoạt động”, thế nghĩa là sao?. Thực tế chất thải của Vedan không phải một tháng, hai tháng có thể giải quyết được, vì nếu làm được họ đã làm rồi, rất khó, phải mất hàng năm, và có thể là không bao giờ nếu họ tính toán không có lãi về kinh tế. Trong trường hợp họ không xử lý được, ta vẫn phải cho họ chạy, thì nghĩa là chúng ta chấp nhận hy sinh môi trường chứ còn gì nữa? Đình chỉ tạm thời, đâu phải đóng cửa cả nhà máy, mà chỉ là những phân xưởng những nhà máy làm ô nhiễm môi trường thôi, còn những nhà máy khác của họ vẫn có thể tiếp tục hoạt động. Tôi cho rằng, vẫn phải đóng cửa ít nhất một vài phân xưởng gây ô nhiễm môi trường là cần thiết và đúng luật môi trường. Còn nếu cứ để hoạt động, sẽ còn gây ô nhiễm tiếp, tất nhiên chúng ta phải hy sinh vấn đề môi trường, và chúng ta thấy rằng là không phải lúc nào chúng ta đạt được 2 mục tiêu đảm bảo môi trường và lợi ích kinh tế, xã hội./.

TT- theo Minh Hoà- Thanh Hà (VOV)
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất