Thứ Hai, 30/9/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Sáu, 7/11/2008 19:31'(GMT+7)

Chất vấn tại kỳ họp thứ 4 QH khóa XII sẽ theo 4 nhóm vấn đề

Xin ông cho biết, phiên chất vấn các thành viên Chính phủ tại kỳ họp này sẽ được tiến hành như thế nào?

Tính đến thời điểm này, đã có 21 lãnh đạo các bộ, ngành và Thủ tướng Chính phủ nhận được câu hỏi chất vấn. Theo tôi được biết, trong nhóm nhận được nhiều câu hỏi chất vấn nhất có Bộ trưởng Bộ Tài nguyên-Môi trường, Bộ trưởng Bộ Công thương, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển Nông thôn. Tuy nhiên, với quỹ thời gian hơn 2 ngày dành cho chất vấn và trả lời chất vấn, Quốc hội dự kiến chỉ đưa ra 4 nhóm vấn đề nổi cộm nhất để Thủ tướng và lãnh đạo các bộ, ngành trả lời. Mỗi nhóm vấn đề sẽ liên quan đến nhiều bộ, ngành.

Ví dụ, việc thực hiện chính sách tài chính thắt chặt, chính sách tiền tệ thắt chặt nhưng linh hoạt là một nhóm vấn đề nhưng sẽ phải có Bộ trưởng Tài chính, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước tham gia. Hay vấn đề tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, ngoài 2 bộ trên, còn có Bộ Công thương và một số bộ, ngành khác. Vấn đề an sinh xã hội vừa liên quan đến Bộ Công thương (về biện pháp tháo gỡ những khó khăn trong sản xuất kinh doanh), Bộ Lao động -Thương binh-Xã hội, Tổng Liên đoàn lao động VN, Bộ Tài chính (chính sách về thuế khoá, về giá), Ngân hàng Nhà nước (phụ trách về vốn)...

Khi chất vấn theo nhóm vấn đề, Thủ tướng và lãnh đạo các bộ, ngành vừa phải báo cáo thêm, vừa phải trả lời chất vấn theo quy định của pháp luật và giải đáp tiếp các ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội.

Ông có thể cho biết những nhóm vấn đề mà Quốc hội dự kiến sẽ chất vấn các thành viên Chính phủ?

Theo phỏng đoán của tôi, trước hết vẫn là tập trung vào nhóm nội dung thực hiện các chính sách tài chính, tiền tệ. Nhóm thứ hai là vấn đề tháo gỡ khó khăn cho sản xuất. Nhóm vấn đề thứ ba liên quan đến việc bảo đảm an sinh xã hội. Nhóm thứ tư xoay quanh vấn đề thực thi quy định của pháp luật về mặt tư pháp, từ việc xử lý vi phạm pháp luật, lãng phí, tham nhũng… và cũng có thể có một nhóm vấn đề khác do Thủ tướng Chính phủ báo cáo thêm và trả lời xoay quanh việc chỉ đạo, điều hành chung, thực hiện cải cách hành chính.

Như vậy có nghĩa là phiên chất vấn tại kỳ họp này đã được cải tiến hơn, không phải là chất vấn từng Bộ trưởng mà chia theo vấn đề để các Bộ trưởng cùng tham gia trả lời, phải không thưa ông?

Tôi cho rằng cách chất vấn theo nhóm vấn đề sẽ khiến phiên chất vấn sôi động, thiết thực, tập trung hơn và cũng giải quyết vấn đề một cách thấu đáo hơn. Trong cùng một nhóm vấn đề, sẽ có nhiều Bộ trưởng cùng tham gia trả lời và người điều hành sẽ phải phân trách nhiệm trả lời cho từng người cụ thể. Đấy là điểm mới thứ nhất.

Điểm thứ hai, Bộ trưởng nào đăng đàn, thuộc mảng của mình, sẽ không đọc báo cáo mà chỉ nói lần trước hoặc lần gần đây nhất, Bộ trưởng đó đã phát biểu với tính chất một lời hứa về việc này, việc kia thì đến giờ đã làm được việc gì, việc gì chưa làm được, việc gì đã làm nhưng chưa xong và sắp tới phải làm gì... Sau đó, vị Bộ trưởng đó sẽ đi vào trả lời trực diện những vấn đề được chất vấn tại kỳ họp này.

Vậy khi các nhóm vấn đề đặt ra cho Bộ trưởng nhưng không thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng mà thuộc thẩm quyền của Thủ tướng thì Thủ tướng có sẵn sàng trả lời luôn trong phiên chất vấn không, thưa ông?

Lúc đó thì tuỳ khẩu khí và khả năng nắm bắt công việc của từng Bộ trưởng. Nếu vị Bộ trưởng đó trả lời được hết các vấn đề mà không cần phải Thủ tướng báo cáo, trả lời thêm thì thôi. Nếu không, Bộ trưởng đó có thể nói phần này thì xin để Thủ tướng trực tiếp báo cáo và trả lời Quốc hội.

Ông có lo ngại sẽ xảy ra trường hợp các bộ trưởng "đá" trách nhiệm cho nhau khi mỗi nhóm vấn đề sẽ có sự tham gia cùng lúc của nhiều Bộ trưởng?

Tất nhiên, khi Bộ trưởng nào đó không nhận thức đúng trách nhiệm của mình, lại "đẩy" trách nhiệm sang cho Bộ trưởng khác thì chắc chắn, người bị "đẩy" trách nhiệm cũng sẽ không đồng ý và các đại biểu Quốc hội đương nhiên cũng sẽ không đồng tình.

Xin cảm ơn ông!

(Hà Nội Mới điện tử)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất