Châu Âu vừa công bố kế hoạch lớn đưa tàu thăm dò không người lái PLATO lên
vũ trụ nhằm mục đích góp phần so sánh cấu trúc Hệ Mặt Trời với các hệ
hành tinh khác, mở ra một hướng đi mới trong ngành thiên văn học.
Vượt qua bốn đối thủ nặng ký (EChO, LOFT, MarcoPolo-R và STE-Quest),
PLATO đã được Ủy ban chương trình khoa học của Cơ quan Vũ trụ châu Âu
(ESA) lựa chọn tại cuộc đọ sức trong khuôn khổ chương trình ''Sáng kiến
tầm nhìn vũ trụ 2015-2025'' của cơ quan này.
ESA cho biết dự án triển khai PLATO dự kiến kéo dài sáu năm, bắt đầu từ năm 2024 với ngân sách 600 triệu euro (821 triệu USD).
PLATO sẽ được tên lửa đẩy Soyuz đưa lên điểm L2, cách Trái Đất 1,5 triệu
km và là nơi tàu thăm dò này có thể quan sát vũ trụ quanh năm mà không
chịu bất kỳ cản trở nào từ Mặt Trời, Trái Đất hay Mặt Trăng.
Với 34 kính viễn vọng và máy quay loại nhỏ, PLATO chọn lọc trong hàng
nghìn hành tinh trong các hệ ngôi sao để tìm ra những hành tinh kích cỡ
Trái Đất hoặc các ''Siêu Trái Đất'' quay quanh các ngôi sao trong khu
vực được coi là có thể tồn tại sự sống, nơi nước tồn tại dưới dạng lỏng.
PLATO sẽ thực hiện sứ mệnh của mình cùng với tàu thăm dò 2006-2012 CoRot của Pháp, được phóng lên vũ trụ vào năm 2017.
Theo Giám đốc khoa học và thăm dò vũ trụ của ESA Alvaro Gimenez, các
phát hiện của PLATO sẽ giúp xác định cấu trúc Hệ Mặt Trời trong bối cảnh
của các hệ hành tinh khác.
Tổng cộng đã có 775 hành tinh ngoài Hệ Mặt Trời được xác nhận kể từ khi
phát hiện hành tinh đầu tiên năm 1995, chưa kể gần 3.500 hành tinh khác
do kính viễn vọng Kepler xác định nhưng chưa được xác nhận.
Cho đến nay, các nhà thiên văn học mới chỉ xác định được những hành tinh
không thể tồn tại sự sống gồm khí, hoặc các hành tinh gồm toàn đá gần
Mặt Trời tới mức bầu khí quyển của chúng bị hơi nóng đốt cháy./.
(TTXVN)