Theo thông tin mà Bộ Nội vụ đưa ra tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2015 của ngành mới đây, cả nước có 0,46% công chức không hoàn thành nhiệm vụ. Tuy nhiên, phát biểu tại hội nghị trên, Thủ tướng Chính phủ cho rằng:“Nếu quả thực chất lượng cán bộ đúng như con số này thì đáng mừng, nhưng rõ ràng nhân dân chưa hài lòng… Do vậy, chúng ta phải sửa đổi, để kết quả đánh giá cán bộ một cách chính xác nhất”.
Nhìn vào thực trạng đội ngũ cán bộ công chức (CBCC), viên chức từ góc độ người dân, chúng ta có thể thấy, nhiều người dân chưa thật hài lòng với một bộ phận không nhỏ CBCC, viên chức, do thiếu văn hóa nơi công sở, có những biểu hiện gây phiền hà, nhũng nhiễu dân trong giải quyết công việc và thủ tục hành chính. Người dân cũng chưa hài lòng với những cán bộ lời nói không đi đôi với việc làm, đặc biệt là những cán bộ tha hóa, biến chất, tham ô, tham nhũng…, bị các cơ quan chức năng, báo chí và người dân phát hiện trong thời gian qua, làm giảm lòng tin của nhân dân đối với đội ngũ CBCC, cũng như bộ máy chính quyền.
Dưới góc độ của cơ quan quản lý Nhà nước, một cán bộ lãnh đạo Bộ Nội vụ cũng thẳng thắn thừa nhận: Công tác đánh giá, phân loại CBCC, viên chức thời gian qua còn nhiều bất cập, chưa phản ánh đúng mức độ hoàn thành nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị; chưa phân định rõ, đánh giá đúng người làm việc tốt, tận tụy, trách nhiệm với người lười biếng, hạn chế về năng lực. Người đứng đầu ở nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị chưa thực hiện hết thẩm quyền và trách nhiệm của mình trong đánh giá, phân loại công chức, viên chức. Bên cạnh đó, bộ máy quản lý hành chính Nhà nước ở một số ngành, lĩnh vực chưa thực sự tinh gọn; việc phân cấp đã được thực hiện, nhưng chưa đồng đều, thiếu sự kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm; việc xác định vị trí việc làm còn lúng túng, vướng mắc.
Để giảm tỷ lệ công chức không hoàn thành nhiệm vụ và tăng “chỉ số lòng tin” của nhân dân đối với đội ngũ CBCC, thiết nghĩ, trước hết, cần tiếp tục cải cách chế độ công vụ, công chức, nhất là theo vị trí việc làm; các cơ quan, đơn vị cần đổi mới việc đánh giá, phân loại CBCC, viên chức đúng với năng lực của cán bộ; đề cao tự phê bình và phê bình, phát huy dân chủ trong đánh giá cán bộ, tránh tình trạng đánh giá chung chung, nể nang, không chỉ rõ khuyết điểm, hạn chế.
Các cơ quan, đơn vị cần đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức, viên chức; ứng dụng công nghệ thông tin trong thi tuyển, thi nâng ngạch công chức, bảo đảm khách quan, trung thực, chọn được cán bộ đủ năng lực, trình độ, phẩm chất đạo đức cho vị trí cần tuyển dụng. Các cơ quan chức năng cần tiếp tục nghiên cứu cải cách thủ tục hành chính, rà soát, loại bỏ những thủ tục gây khó khăn, phiền hà cho nhân dân, vừa góp phần tinh giản bộ máy, vừa ngăn ngừa, hạn chế tiêu cực và nâng cao sự hài lòng của người dân về nền hành chính công, để cán bộ công chức, viên chức thực sự là “công bộc” của dân./.
Duy Thành (QĐND)