Thứ Hai, 30/9/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Năm, 6/11/2008 20:28'(GMT+7)

Chỉ tiêu tăng trưởng GDP năm 2009 là 6,5%

Trước khi thông qua Nghị quyết, Quốc hội đã nghe Uỷ viên Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Uỷ ban kinh tế của Quốc hội Hà Văn Hiền đọc Báo cáo giải trình tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội về dự thảo Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2009; Uỷ viên Đoàn thư ký kỳ họp, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Phúc đọc dự thảo Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2009.

Theo Nghị quyết đã được thông qua, mục tiêu tổng quát của năm 2009 là tiếp tục kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tốc độ tăng trưởng hợp lý, bền vững, chủ động ngăn ngừa suy giảm, bảo đảm an sinh xã hội; đẩy mạnh hợp tác và hội nhập kinh tế quốc tế một cách chủ động và hiệu quả; giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội; tạo điều kiện thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2006 - 2010.

Quốc hội nhất trí thông qua một số chỉ tiêu chủ yếu, đáng chú ý là: Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 6,5%; Chỉ số giá tiêu dùng tăng dưới 15%; Tạo việc làm cho khoảng 1,7 triệu lao động, trong đó đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài 9 vạn người; Giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 12%; Cung cấp nước hợp vệ sinh cho 79% dân số nông thôn; Tỷ lệ dân số đô thị được cấp nước sạch: 85%; Xử lý cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng: 65%...

Quốc hội nhấn mạnh 10 nhiệm vụ chính mà Chính phủ cần tập trung chỉ đạo, điều hành thực hiện, trong đó có việc:

Theo dõi chặt chẽ, nâng cao chất lượng phân tích và dự báo tình hình trong nước và quốc tế, đặc biệt là những biến động về tình hình kinh tế, tài chính thế giới, chủ động xây dựng các phương án ứng phó, hạn chế tác động bất lợi của khủng hoảng từ bên ngoài đến hệ thống tài chính, ngân hàng và toàn bộ nền kinh tế.

Tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt để kiềm chế lạm phát nhưng linh hoạt trong điều hành lãi suất và tỷ giá, chủ động kiểm soát mức tăng tổng phương tiện thanh toán, dư nợ tín dụng và cơ cấu tín dụng phù hợp để tạo điều kiện phát triển sản xuất, kinh doanh. Tăng khả năng thanh khoản của hệ thống ngân hàng thương mại và bảo đảm an toàn hệ thống tài chính quốc gia. Rà soát các văn bản pháp quy có liên quan về lĩnh vực tài chính, tiền tệ, ngân hàng để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp. Các tổ chức tín dụng điều hành lãi suất cho vay theo lãi suất cơ bản của Ngân hàng Nhà nước và được phép cho vay theo lãi suất thỏa thuận đối với các dự án có hiệu quả.

Kiểm soát chặt chẽ và nâng cao hiệu quả chi tiêu công ngay từ việc duyệt kế hoạch đầu tư năm 2009, triệt để tiết kiệm chi; công khai danh sách các công trình dự án trọng điểm sử dụng vốn đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước, trái phiếu Chính phủ, trong đó tập trung vốn cho các công trình dự án giao thông, thuỷ lợi, điện và công trình phục vụ an sinh xã hội cần hoàn thành trong năm 2009 và quý I năm 2010. Có kế hoạch cụ thể, phát hành phù hợp với khả năng giải ngân nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, bảo đảm hiệu quả sử dụng vốn.

Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận vốn, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp xuất khẩu, doanh nghiệp ở các làng nghề, các doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng phục vụ trực tiếp đời sống nhân dân, tạo nhiều việc làm, tăng thu nhập cho người lao động; ưu tiên các giải pháp đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, thuỷ hải sản tạo điều kiện thuận lợi để nông dân có tích lũy thực sự từ sản xuất nông nghiệp. Giao Chính phủ xây dựng phương án cụ thể hỗ trợ các doanh nghiệp thông qua các chính sách tài chính, thuế phù hợp với những cam kết gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO). Nghiên cứu thành lập quỹ hỗ trợ doanh nghiệp và hệ thống ngân hàng để đối phó với khủng hoảng tài chính.

Đánh giá toàn diện hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt là các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước, báo cáo Quốc hội tại kỳ họp cuối năm 2009; hoàn thiện khung pháp luật để chấn chỉnh, tăng cường quản lý hoạt động của các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước, nhất là hoạt động đầu tư bằng nguồn vốn nhà nước. Cần khẳng định vị trí chủ đạo của doanh nghiệp nhà nước trong nền kinh tế quốc dân để có các chính sách, biện pháp quản lý phù hợp.

Kiểm soát chặt chẽ nhập khẩu đặc biệt là nhập khẩu hàng tiêu dùng không thiết yếu; giảm tối đa nhập siêu; phát triển, mở rộng và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, chú trọng thị trường truyền thống và thị trường mới có nhiều tiềm năng, khuyến khích sản xuất và đa dạng hoá mặt hàng xuất khẩu, đặc biệt là mặt hàng có giá trị gia tăng cao, hạn chế xuất khẩu một số loại tài nguyên, khoáng sản.

Coi trọng thị trường trong nước, đẩy mạnh công tác kiểm soát giá cả, chống đầu cơ, buôn lậu, nâng giá, kiếm lời bất chính. Thực hiện chính sách giá theo cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước theo lộ trình gắn với mục tiêu kiềm chế lạm phát; đồng thời, có sự hỗ trợ hợp lý, trực tiếp cho người nghèo, người có thu nhập thấp bị ảnh hưởng nhiều khi Nhà nước điều chỉnh tăng giá.

Hoàn thiện cơ chế, củng cố bộ máy tổ chức, tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, điều tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm, chất thải tại các bệnh viện, bảo đảm sức khỏe cộng đồng. Hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về bảo vệ môi trường, sửa đổi, bổ sung Bộ luật hình sự để xử lý nghiêm tội phạm về môi trường, nâng mức xử phạt hành chính và bồi thường thiệt hại để khắc phục hậu quả gây ra, tăng tính răn đe, giáo dục, phòng ngừa.

Tạo chuyển biến rõ nét trong công tác đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, trước hết là trong các lĩnh vực quản lý đất đai, đầu tư xây dựng cơ bản, quản lý vốn, tài sản của Nhà nước. Xử lý kịp thời, nghiêm minh các vụ, việc vi phạm. Đề cao trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu ở các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương trong đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.


HNM
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất