Giới chức Liên minh châu Âu (EU) cho biết chính phủ các nước thành viên
liên minh đang chia rẽ xung quanh kế hoạch đánh thuế doanh thu đối với
các tập đoàn công nghệ số lớn hoạt động tại châu Âu.
Theo đề xuất do Ủy ban châu Âu (EC) công bố hồi tháng Ba vừa qua, các
nước EU sẽ áp mức thuế doanh thu 3% đối với các tập đoàn công nghệ số bị
cáo buộc trốn thuế bằng cách chuyển lợi nhuận sang các nước khác trong
khối có mức thuế thấp hơn.
Đề xuất của EC cần nhận được sự ủng hộ của tất cả 28 nước thành viên trong khối, song đã vấp phải sự phản đối của nhiều nước.
Phát biểu với báo giới bên lề cuộc họp các bộ trưởng tài chính EU ngày
6/11 tại Brussels (Bỉ), Bộ trưởng Tài chính Đan Mạch Kristian Jensen cho
rằng rất khó để đạt được nhất trí trong vấn đề thuế công nghệ số bởi
còn nhiều vấn đề về kỹ thuật chưa được giải quyết.
Bộ trưởng Jensen nêu rõ đề xuất thuế của EU tác động chủ yếu tới các
"đại gia" công nghệ của Mỹ, do đó sẽ châm ngòi cho các biện pháp đáp trả
của nền kinh tế số một thế giới.
Ông nhấn mạnh đây không phải là ý tưởng tốt cho châu Âu.
Quan điểm của Bộ trưởng Tài chính Đan Mạch tương tự ý kiến của các nhà
ngoại giao các nước EU như Đức, Thụy Điển, Ireland và Malta đưa ra tại
cuộc họp hồi tuần trước.
EC tìm cách đưa ra một hệ thống nhằm đảm bảo các công ty công nghệ nộp
thuế đầy đủ, trong bối cảnh Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD)
cũng đang nghiên cứu vấn đề này nhằm tìm kiếm một cách tiếp cận đa
diện.
Pháp, vốn lâu nay ủng hộ đề xuất đánh thuế của EU, cùng ngày 6/11 cho
rằng cần có thêm thời gian để thực thi hệ thống thuế mới để OECD có thể
hoàn tất các đánh giá.
Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire kêu gọi EU thông qua một văn bản hướng dẫn về thuế công nghệ vào cuối năm nay.
Các nước EU đang thảo luận 2 phương án do EC đề xuất.
Phương án thứ nhất là đơn phương đánh thuế doanh thu của các công ty nói
trên trước khi đạt được một thỏa thuận ở cấp độ toàn cầu. Tuy nhiên,
phương án này không nhận được sự ủng hộ của nhiều nước.
Phương án còn lại là điều chỉnh các quy định thuế để áp các mức thuế dựa
trên "sự hiện diện số hóa" của công ty ở nước sở tại. Phương án này sẽ
mất nhiều thời gian để thực thi hơn./.
(TTXVN)