Thứ Bảy, 28/9/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Năm, 8/1/2009 16:1'(GMT+7)

Chính sách của Đảng, Nhà nước ta định hướng toàn diện nội dung của quyền con người

Sáng nay (8/1), Học viện Chính trị- Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo tổng kết Chỉ thị 12 của Ban Bí thư Trung ương VII về vấn đề quyền con người. Dự Hội thảo có nhiều chuyên gia của các viện  nghiên cứu về quyền con người.

Các báo cáo tham luận tại Hội thảo đều khẳng định, Chỉ thị 12/TW về “Vấn đề quyền con người và quan điểm, chủ trương của Đảng ta” đã bước đầu nêu lên một số quan điểm cơ bản về vấn đề nhân quyền và chủ trương của Đảng trong việc bảo vệ và đấu tranh trên lĩnh vực nhân quyền ở nước ta hiện nay. Các quan điểm được nêu trong Chỉ thị nhìn chung phù hợp với cách tiếp cận nhân quyền của các nước đang phát triển, giúp định hướng trong hoạt động chung của tất cả các cấp, các ngành, các địa phương, cả trong hoạt động đối nội và đối ngoại.

Theo TS Nguyễn Đức Thuỳ, Viện trưởng Viện nghiên cứu Quyền con người, Chỉ thị 12 xác định rõ một cách toàn diện các quan điểm, chủ trương và một hệ thống các giải pháp đảm bảo quyền con người ở nước ta và đấu tranh chống lại việc lợi dụng quyền con người của các thế lực thù địch.

Về thành tựu, phương hướng giáo dục quyền con người theo tinh thần Chỉ thị 12, nhiều đại biểu cho rằng, giáo dục quyền con người có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc bảo đảm thực hiện và bảo vệ quyền con người. Giáo dục quyền con người hướng tới sự tôn trọng công bằng, luật pháp, quyền con người và quyền tự do cơ bản của con người, không phân biệt đối xử vì bất cứ lý do nào từ phía các cơ quan công quyền.

TS Nguyễn Thị Bảo cho rằng, Việt Nam đang trong quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền, hội nhập và phát triển dưới sự lãnh đạo của Đảng, do đó giáo dục quyền con người lại càng có ý nghĩa to lớn hơn bao giờ hết. Bởi giáo dục quyền con người là chuyển tải những nội dung cơ bản về quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về quyền con người đến mọi công dân, đồng thời tuyên truyền các thành tựu cơ bản của Việt Nam đã đạt được về quyền con người nhằm làm cho bạn bề thế giới hiểu rõ hơn về Việt Nam, phản bác lại các luận điệu vu cáo, bôi nhọ chế độ trên cơ sở lợi dụng các vấn đề về dân chủ, nhân quyền của các thế lực thù địch.

Các đại biểu cũng kiến nghị, trong thời gian tới cần tăng cường công tác giáo dục về nhân quyền theo Chỉ thị 12. “Trong thời đại dân chủ hoá ngày nay, tất cả các cán bộ lãnh đạo phải có kiến thức cơ bản về nhân quyền”- TS Nguyễn Đức Thuỳ nhấn mạnh.

Tại Hội thảo, các đại biểu cũng cho rằng, phải coi việc giảng dạy và nghiên cứu quyền con người là một nhiệm vụ quan trọng, lâu dài và cấp bách của các cơ quan nghiên cứu khoa học và đào tạo; đồng thời có kế hoạch nghiên cứu cụ thể và có cơ chế phù hợp cho việc nghiên cứu về quyền con người./.

(VOVNews)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất