Chủ Nhật, 29/9/2024
Môi trường
Thứ Năm, 29/10/2009 15:36'(GMT+7)

Chống biến đổi khí hậu: Cùng nhau hành động

 

Cuối tuần qua, khoảng 5.200 hoạt động đã được tổ chức tại hơn 180 nước trên thế giới hưởng ứng lời kêu gọi chống tình trạng biến đổi khí hậu, thúc đẩy các cuộc đàm phán để đạt được thoả thuận thay thế cho Nghị định thư Kyoto tại Hội nghị thượng đỉnh Liên Hợp Quốc về chống biến đổi khí hậu diễn ra từ 7-18/12 tới ở Copenhagen (Đan Mạch). Nhưng cho đến nay, thoả thuận mới này vẫn đang là vấn đề bàn cãi do những toan tính về lợi ích.

Các cuộc diễu hành, hoạt động xã hội diễn ra cuối tuần qua từ châu Á tới châu Mỹ, châu Âu và Trung Đông là một cuộc tổng động viên toàn cầu nhằm lên tiếng cảnh báo về những hậu quả ngày càng nặng nề của tình trạng thay đổi khí hậu do chính con người gây ra và cũng nhằm góp thêm tiếng nói kêu gọi đạt được một thoả thuận mới thay thế Nghị định thư Kyoto về giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính sẽ hết hạn vào năm 2012.

Con số 350 được biểu trưng dưới nhiều hình thức để chỉ tỉ lệ phần triệu tối đa lượng khí CO2 mà bầu khí quyển có thể chịu được để tránh hiện tượng hiệu ứng nhà kính (hiện mức CO2 trong khí quyển là 383 phần triệu). Điều này cho thấy thế giới đều ý thức rất rõ những hậu quả từ sự tác động của con người đối với môi trường, đặc biệt trong việc tiêu thụ năng lượng và tài nguyên thiên nhiên quá mức. Tuy nhiên, thực tế cho thấy không dễ gì có lời giải cho bài toán cân đối giữa bảo vệ môi trường và duy trì phát triển, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang còn trong giai đoạn phục hồi bấp bênh như hiện nay.

Theo Uỷ ban liên Chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC), để tránh thảm họa cho loài người, từ nay đến 2100, vấn đề cấp bách là kiềm chế không để cho nhiệt độ trái đất tăng quá 20C. Để đạt mục tiêu này, từ nay đến 2050, thế giới phải giảm 60% lượng khí thải CO2 so với lượng khí thải năm 1990. Chính bởi vậy, trong thoả thuận khung về chống biến đổi khí hậu do Australia soạn thảo để đưa ra Hội nghị tại Copenhagen sắp tới có đề xuất yêu cầu các nước công nghiệp phát triển (chiếm tới 80% lượng khí thải hiện nay) phải đề ra mục tiêu cắt giảm mạnh khí thải, trao đổi hạn ngạch khí thải hoặc sản xuất năng lượng tái sinh. Đối với các nước đang phát triển, các biện pháp mềm dẻo hơn, nhưng phải có tính ràng buộc về pháp lý, bao gồm đề ra mục tiêu sử dụng năng lượng đối với các ngành công nghiệp, các chương trình thúc đẩy hiệu quả sử dụng năng lượng, hoặc hạn chế phá rừng.

Thế nhưng, bản dự thảo này đang vấp phải trở ngại từ phía các nước phát triển, lẫn các nước đang phát triển. Các nước đang phát triển lo ngại thoả thuận này có thể dẫn đến việc các nước giàu và nghèo phải hành động như nhau trong lĩnh vực cắt giảm khí thải. Thậm chí, Ấn Độ và Indonesia còn yêu cầu không giám sát các biện pháp cắt giảm khí thải dựa trên cơ sở tự nguyện đối với các nước đang phát triển như qui định trong Nghị định thư Kyoto, mà chỉ giám sát các biện pháp được các nước giàu tài trợ toàn bộ hoặc một phần. Còn các nước giàu, ngoài những nỗ lực trong nước, còn được yêu cầu phải tài trợ cho các nước nghèo phát triển các dự án “sạch”,  cũng không nhất trí được với kế hoạch tài trợ.

Theo thẩm định của Uỷ ban châu Âu, từ nay đến 2020, các nước nghèo nhất cần khoảng 100 tỷ USD để có thể tiến hành cuộc đấu tranh chống biến đổi khí hậu ngay từ năm 2010. Do đó, các nước công nghiệp phát triển như: EU, Mỹ, Canada, Nhật Bản, Nauy, Thuỵ Sĩ sẽ phải tài trợ từ 22 đến 50 tỷ USD mỗi năm. Tuy nhiên, trong cuộc họp ngày 20/10 tại Luxembourg, các Bộ trưởng tài chính EU chỉ nêu ra con số từ 2 đến 15 tỷ USD, tức là rất thấp so với mức 35 tỷ mà Green Peace và các tổ chức bảo vệ môi trường yêu cầu đối với châu Âu.

Cho đến thời điểm này, nhiều hội nghị do LHQ chủ trì đã diễn ra vẫn chưa giải quyết được các vấn đề chủ chốt như: chỉ tiêu giảm khí thải của các nước công nghiệp phát triển cũng như quy định về nguồn tài chính, kỹ thuật mà các nước công nghiệp phát triển hỗ trợ các nước đang phát triển cắt giảm khí thải và đối phó với tác động của biến đổi khí hậu. Thời gian không còn nhiều để các nước bàn thảo trước khi diễn ra Hội nghị LHQ về biến đổi khí hậu toàn cầu ở Copenhagen, Đan Mạch. Để ngăn chặn biến đổi khí hậu, rất cần sự nỗ lực, hợp tác và cả sự hy sinh lợi ích của các nước, đặc biệt là các nước phát triển, bởi nói như Thủ tướng Anh Gordon Brown tại Hội nghị nhóm 10 nước có lượng khí thải lớn nhất thế giới: “Nếu không hành động lần này, sau này có hối tiếc cũng không kịp”./.

Báo TNVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất