“Chống mọi biểu hiện tiêu cực, quan hệ thân hữu, lợi ích nhóm, doanh
nghiệp sân sau, thao túng chính sách để trục lợi”, đây là ý kiến của Ủy
viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình
tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp, sáng 17/5.
Theo Phó Thủ tướng Thường trực, từ sau khi chúng ta tổ chức Hội nghị Thủ
tướng Chính phủ với doanh nghiệp (DN) năm 2016, đến nay chúng ta đã ban
hành 3 Nghị quyết quan trọng là Nghị quyết số 19/NQ-CP, Nghị quyết số
35/NQ-CP và Nghị quyết số 01/NQ-CP để DN và doanh nhân Việt Nam phát
triển ngày càng hùng mạnh.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, trong thời gian
tới, chúng ta tiếp tục hoàn thiện thể chế, môi trường kinh doanh để DN,
doanh nhân phát triển. Các cơ chế, chính sách phải phù hợp với thị
trường, thông lệ và chuẩn mực quốc tế. Theo đó, vai trò của Nhà nước là
tạo ra sân chơi, cuộc chơi bình đẳng, vai trò của Chính phủ là kiến tạo,
xác lập môi trường cạnh tranh bình đẳng để khu vực kinh tế tư nhân phát
triển. Huy động mọi nguồn lực trí tuệ của người dân để phát triển kinh
tế.
Thứ hai, tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ
máy, cải cách thủ tục hành chính, cắt bỏ các thủ tục rườm ra, giảm thời
gian và chi phí cho DN, nâng cao năng lực thi hành công vụ. Đặc biệt,
mỗi cán bộ thi hành công vụ phải lắng nghe tiếng nói của DN, kiên quyết
đấu tranh đẩy lùi tình trạng nhũng nhiễu, vòi phong bì, loại bỏ chi phí
ngoài luồng và xử lý nghiêm minh các vi phạm.
Thứ ba, nâng cao năng lực của bộ máy tư
pháp trong việc bảo vệ quyền sở hữu của công dân, quyền tự do kinh doanh
của DN và doanh nhân, nâng cao năng lực của các cơ quan tư pháp trong
việc giải quyết các vụ việc hình sự, các tranh chấp đúng pháp luật, kiện
toàn tổ chức và hoạt động của các định chế bổ trợ tư pháp như trọng
tài, luật sư, luật gia… để họ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp và chính
đáng của DN.
Thứ tư, thực hiện tốt vai trò của Chính
phủ liêm chính, thực hiện công khai minh bạch các chủ trương, chính
sách, kế hoạch, tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát, chống
mọi biểu hiện tiêu cực, quan hệ thân hữu, lợi ích nhóm, DN sân sau,
thao túng chính sách để trục lợi, xây dựng văn hoá doanh nhân và đạo đức
DN.
Phó Thủ tướng cũng đề nghị DN cần có tầm
nhìn xa, làm ăn bài bản, mạnh dạn đầu tư, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ
thuật, qua đó mới có cơ hội trụ vững và phát triển trong điều kiện cạnh
tranh gay gắt như hiện nay.
Đồng thời, nắm vững các quy tắc, luật
lệ, nhất là những quy định cam kết thương mại quốc tế mà Việt Nam đã ký
kết, từ đó nâng cao năng lực sản xuất, tìm kiếm chỗ đứng trong việc liên
kết, sản xuất kinh doanh, cung cấp dịch vụ theo chuỗi giá trị thị
trường. Kinh tế tư nhân và kinh tế Nhà nước cần vươn lên tham gia vào
các chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu.
Phó Thủ tướng đề nghị phát huy vai trò
trách nhiệm của các hội nghề nghiệp hơn nữa để tạo nên sức mạnh của DN
và doanh nhân thông qua việc tích cực tham gia nghiên cứu phản biện
chính sách, thể chế, tạo thuận lợi cho DN.
"Hiện nay chúng ta có hàng trăm hội nghề nghiệp nhưng mức độ liên kết
còn yếu, chưa có tiếng nói mạnh mẽ để phản biện chính sách, nâng cao đạo
đức hành nghề, nhất là cùng Chính phủ và các bộ, ngành trong việc hoàn
thiện môi trường, thể chế, xoá bỏ rào cản với các DN. Chúng ta cần phải
tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động, tổ chức của các tổ
chức, hội nghề nghiệp trong thời gian tới" - Phó Thủ tướng phát biểu./.
Theo chinhphu.vn