(TG)- Ngày 7/8, tại Hà Nội, phiên họp cuối cùng của Hội đồng Tiền lương Quốc gia đã kết thúc, khi các bên bỏ phiếu và đạt được đồng thuận mức tăng lương tối thiểu (LTT) vùng năm 2018 lên 6,5% so với LTT vùng năm 2017. Căn cứ vào mức đề xuất này, Hội đồng sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét và ban hành nghị định về tăng LTT vùng năm 2018 thời gian tới.
Với mức tăng 6,5%, tương đương với vùng I tăng 230.000 đồng, vùng II tăng 210.000 đồng, vùng III tăng 190.000 đồng và vùng IV tăng 180.000 đồng. Trước đó, cũng tại cuộc họp, Hội đồng Tiền lương Quốc gia đã đưa ra hai phương án, đó là tăng trung bình 6,5% và 7% để bỏ phiếu. Kết quả có 6/14 thành viên Hội đồng chọn phương án tăng 7%, 8/14 thành viên chọn phương án tăng 6,5%.
Đối tượng áp dụng mức tăng này là NLĐ làm việc theo chế độ HĐLĐ theo quy định của Bộ luật Lao động. DN được thành lập và hoạt động theo Luật DN; HTX, liên hiệp HTX, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các tổ chức khác của Việt Nam có thuê mướn lao động theo HĐLĐ; cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế và cá nhân người nước ngoài tại Việt Nam có thuê mướn lao động theo HĐLĐ (trừ trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hòa XHCN Việt Nam là thành viên có quy định khác với quy định của Nghị định này); các DN, HTX, liên hiệp HTX, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cơ quan, tổ chức và cá nhân.
Nhận định về kết quả phiên họp, ông Mai Đức Chính- Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam cho rằng, Tổng LĐLĐ Việt Nam chưa thỏa mãn với mức tăng này. Bởi, theo khảo sát của Tổng LĐLĐ Việt Nam (tại 17 tỉnh, thành) cho thấy, hơn 51% NLĐ có thu nhập vừa đủ trang trải cuộc sống; hơn 20% phải chi tiêu tằn tiện, kham khổ; 12% thu nhập không đủ sống và chỉ có 16% NLĐ có thể có tích lũy. “Với mức tăng 6,5%, lộ trình tăng LTT đáp ứng mức sống tối thiểu có thể phải kéo dài đến sau năm 2020. Mức tăng này thể hiện sự chia sẻ rất lớn của NLĐ với DN”- ông Chính nói.
Còn ông Hoàng Quang Phòng- Phó Chủ tịch VCCI lại cho biết, mức tăng trên vẫn khiến nhiều DN lao đao. Trước đó, VCCI đề xuất mức tăng không quá 5%, với lý do vừa giúp tăng mức sống của NLĐ nhưng cũng phải đảm bảo cho DN phát triển. “Mức sống của NLĐ không chỉ có LTT, mà còn dựa vào các yếu tố khác nữa. Thực tế, LTT mới đáp ứng được 90% mức sống tối thiểu và chúng tôi mong muốn NLĐ phải phấn đấu hơn trong công việc để có thêm tiền thưởng về năng suất lao động, thưởng cải tiến kỹ thuật, chế độ phúc lợi xã hội khác mà chủ DN mang lại. Chỉ có sự cố gắng của hai bên, thì mức sống của NLĐ mới có thể tăng lên được”- ông Phòng chia sẻ.
Theo ông Doãn Mậu Diệp- Chủ tịch Hội đồng Tiền lương Quốc gia, hai bên đều có phương án tính toán về mức sống tối thiểu của mình. Song, với phương án tăng 6,5%, thì LTT đáp ứng từ 92- 96% mức sống tối thiểu. Tuy nhiên, sự chênh lệch giữa LTT và mức sống tối thiểu là vấn đề chung của các quốc gia. Ngay cả ở Mỹ, LTT vẫn chưa đáp ứng được mức sống tối thiểu.
Nhận định về mức tăng LTT vùng 2018, ông Phạm Minh Huân- nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cho rằng, việc xác định LTT đáp ứng mức sống tối thiểu là một mục tiêu, còn trong thực tế LTT là khái niệm chỉ được xác định trong một khoảng thời gian nhất định. Hiện nay mới chỉ có thể tính mức sống tối thiểu trong 5 năm, dựa trên điều kiện kinh tế- xã hội, khi hết thời gian này thì phải tiếp tục tính toán lại dựa trên mặt bằng xã hội của thời gian mới. Ngay cả khi mức LTT có đáp ứng được mức sống tối thiểu, thì cũng phải căn cứ vào nhiều điều kiện khác để tính tới đời sống của NLĐ có được nâng lên hay không. “LTT chỉ là một căn cứ, còn toàn bộ chính sách của DN đối với NLĐ do các “công cụ” khác như chế độ phúc lợi, phụ cấp thu hút, tiền thưởng… do DN đặt ra”- ông Huân nhấn mạnh./.
Vũ Thu