Chúng ra sức khua chiêng gióng trống hòng tống khứ cái “bóng ma chủ nghĩa cộng sản đã từng ám ảnh châu Âu” và không ngừng khuấy động các cuộc bạo loạn về chính trị nhằm xuất khẩu phản cách mạng dưới những ngôn từ lừa mị: “cách mạng đường phố”, “cách mạng nhung”, “cách mạng màu sắc” – “màu hoa hồng”, “màu da cam”, “màu hoa tuy-líp”, “màu Jeans”… Thế nhưng, cũng chính trong thời điểm ấy, tại khu vực Tây bán cầu đã xuất hiện một “làn sóng đỏ” - thông qua bầu cử dân chủ, các thủ lĩnh của phong trào cánh tả đã nắm chính quyền tại 9 quốc gia từng được mệnh danh là “sân sau” của Mỹ: Brazil, Bolivia, Chile, Venezuela, Argentina, Panama, Paraguay, Nicaragua, Ecuador.
Châu Mỹ Latinh vốn là một “tân đại lục” nổi tiếng của cộng đồng 560 triệu cư dân, là “miền đất hứa” có những nguồn lợi thiên nhiên vô cùng phong phú. Theo tính toán của các chuyên gia kinh tế, vùng đất Mỹ Latinh có thể bảo đảm cho 1 tỷ người trên trái đất hưởng thụ mức sống cao. Ấy thế mà hàng trăm triệu dân Trung và Nam Mỹ đã phải sống triền miên trong cảnh đói nghèo. Ở Argentina, số địa chủ chỉ với tỷ lệ 1,2% dân số nhưng lại chiếm hơn một nửa ruộng đất canh tác trong cả nước.
Tại Mexico, giữa lúc 2 triệu nông dân không có ruộng, thì gần 2.500 chủ đại điền trang chiếm hữu từ 10.000 đến 300.000ha điền địa mỗi người. Chỉ tính trong 2 thập niên (1980-1999), số người nghèo đói ở Mỹ Latinh đã tăng thêm 100 triệu. Tổng số nợ nước ngoài trong khu vực đã vượt lên mức kỷ lục với 850 tỷ USD và số người thất nghiệp đã gia tăng đến hơn 200 triệu. Có thể nói nạn đói nghèo, thất nghiệp, nợ nước ngoài, tham nhũng và khủng hoảng xã hội là những căn bệnh kinh niên của miền đất hứa này.
Giương cao ngọn cờ đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội, kiên quyết thoát khỏi vòng kiềm tỏa của cái gọi là “chủ nghĩa tự do mới” do Mỹ áp đặt, những lãnh tụ có uy tín của phong trào cánh tả như Daniel Ortega (Nicaragua), Lula da Silva (Brazil), Hugo Chavez (Venezuela), Evo Morales (Bolivia), Rafael Correa (Ecuador)…, đã và đang tìm tòi xây dựng những mô hình mới thích ứng với sự nghiệp đấu tranh “giành chính quyền trong thế kỷ 21”, nhằm mục tiêu tiến tới “xây dựng nền dân chủ toàn diện”, “xây dựng chủ nghĩa xã hội kiểu mới”, “xây dựng chủ nghĩa xã hội Simon Bolivar”, “xây dựng chủ nghĩa xã hội thế kỷ 21”…
Cao trào đấu tranh hướng tới “chủ nghĩa xã hội thế kỷ 21” của nhân dân lục địa châu Mỹ Latinh hiện nay là nhằm giải quyết vấn đề dân tộc, dân quyền, dân sinh, dân chủ và tiến bộ xã hội. Phong trào cánh tả đang lên tại lục địa châu Mỹ Latinh, chính là sự hợp lưu của các dòng chảy được khơi nguồn từ Đảng Lao động Brazil, Đảng Xã hội Chile, Mặt trận giải phóng dân tộc Sandino, Đảng Phong trào nền cộng hòa thứ năm của Venezuela, Đảng Phong trào tiến lên chủ nghĩa xã hội của ông Evo Morales ở Bolivia… Nguồn lực và sức mạnh của những dòng chảy ấy, đã được khơi dậy từ trong tình cảm cách mạng và ý chí quật khởi của các tầng lớp nhân dân.
Được sự ủng hộ mạnh mẽ của quảng đại quần chúng thông qua lá phiếu bầu cử tổng thống, những nhân vật nổi tiếng của phong trào cánh tả đã đàng hoàng bước lên vũ đài chính trị. Với sự đóng góp đắc lực kể cả nhân lực, vật lực và tài lực của quần chúng, các chính phủ của phong trào cánh tả đã tiến hành được những cải cách về thể chế, quốc hữu hóa những ngành kinh tế trụ cột (như ngành dầu khí), giải quyết những vấn đề quan trọng như: xóa đói giảm nghèo, xóa nạn mù chữ, xây dựng thêm trường học, cải thiện dịch vụ y tế…
Một nhân tố khác góp phần quyết định sự thắng lợi của các lực lượng cánh tả ở lục địa châu Mỹ Latinh, đó là sự ủng hộ của phong trào cộng sản và công nhân trong khu vực. Ở Venezuela, Đảng Cộng sản kiên định ủng hộ các phong trào đấu tranh của các lực lượng cánh tả suốt 10 năm qua. Trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2006, Đảng Cộng sản đã góp gần nửa triệu phiếu bầu cho Tổng thống Hugo Chavez. Quốc hội và Chính phủ Venezuela hiện nay có một bộ trưởng và 6 nghị sĩ là đảng viên Cộng sản…
Theo dõi những cuộc bầu cử ở lục địa châu Mỹ Latinh trong thời gian qua, chúng ta có thể thấy rõ các lực lượng đối lập chiếm khoảng 40% tỷ lệ phiếu bầu. Điều quan trọng là, sau khi giành được chính quyền bằng con đường nghị trường, các thế lực cách mạng phải tổ chức thực thi quyền lực trong hành lang pháp lý, điều kiện thể chế chính trị và cơ sở kinh tế-xã hội của chế độ tư bản chủ nghĩa. Cuộc đấu tranh để giải quyết vấn đề “ai thắng ai” sẽ diễn ra phức tạp trong nhiều lĩnh vực hoạt động. Những vấn đề dân tộc, dân quyền, dân sinh, dân chủ và khủng hoảng kinh tế-xã hội đã tồn đọng qua nhiều năm tháng, các tầng lớp nhân dân khao khát mong đợi sớm được giải quyết, sẽ tạo thành áp lực lớn đối với các chính phủ đang cầm quyền. Đó là những khó khăn, thách thức không nhỏ.
Nhằm thực hiện thắng lợi Cương lĩnh xây dựng “Chủ nghĩa xã hội thế kỷ 21”, các nhà lãnh đạo cánh tả ở châu Mỹ Latinh đã đề ra nhiều quyết sách quan trọng.
- Thành lập một chính đảng tiền phong “rộng lớn nhất, dân chủ nhất và cách mạng nhất” để lãnh đạo đất nước. Sự ra đời của Đảng Xã hội chủ nghĩa Thống nhất Venezuela hai năm trước đây, do Tổng thống Hugo Chavez làm Chủ tịch, là một sự kiện lịch sử có ý nghĩa lớn lao.
Đảng tự xác định là chính đảng xã hội chủ nghĩa, chống chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa đế quốc, vì lợi ích của giai cấp lao động và của dân tộc, lấy tư tưởng Các Mác, Ph. Ăngghen, V.I. Lênin, X. Bôliva làm kim chỉ nam hoạt động. Đảng cũng tự khẳng định nhiệm vụ của mình là “rèn luyện đạo đức cách mạng, phê bình và tự phê bình, áp dụng nguyên tắc tập trung dân chủ, chống nguy cơ quan liêu, xa rời thực tiễn và độc đoán, chuyên quyền”…
- Tiến hành sửa đổi hiến pháp và thực hiện các biện pháp hiến định phù hợp để cải tạo bộ máy Nhà nước tư sản, nhằm tạo ra hàng loạt các chính sách vĩ mô về quản lý Nhà nước đối với nền kinh tế như: đẩy mạnh việc quốc hữu hóa các ngành dầu khí, điện lực, viễn thông… Ưu tiên dành vốn đầu tư cho các chương trình xã hội, chống đói nghèo.
- Đặc biệt quan tâm đến vấn đề xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng, biến quân đội thành công cụ chính trị và quân sự của Đảng để bảo vệ và phát triển thành quả cách mạng.
- Củng cố sự đoàn kết và mở rộng mối quan hệ hợp tác và liên kết giữa những chính phủ cánh tả với các nước trong khu vực lục địa châu Mỹ Latinh và vùng biển Caribe – đặc biệt là với Cuba, tạo thành sức mạnh tổng hợp giành lại chủ quyền về kinh tế.
Cùng với sự toàn thắng của cách mạng Cuba, những thắng lợi vang dội của phong trào cánh tả ở lục địa châu Mỹ Latinh trong thời gian qua đã đập tan “thuyết định mệnh địa lý” vẫn đầu độc nhân dân châu Mỹ Latinh. Nó còn là một bằng chứng sinh động xác minh rằng sự sụp đổ của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu không có nghĩa là sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội với tư cách là một học thuyết cách mạng và khoa học. Nó cũng khẳng định tính đúng đắn và sức sống vĩ đại của học thuyết Mác./.
(Theo: SGGP)