Vui mừng và tự hào khi về thăm lại ngôi trường đã từng theo học trong
suốt những năm tháng sinh viên tập kết ra Bắc, Chủ tịch nước Nguyễn
Xuân Phúc xúc động khi nhắc lại bề dày truyền thống lịch sử 66 năm của Đại học Kinh tế Quốc dân.
Năm 1956, trường Đại học Kinh tế Quốc dân với tên gọi ban đầu là Trường
Kinh tế - Tài chính được thành lập. Trải qua 66 năm xây dựng và phát
triển, với sự nỗ lực, chủ động, sáng tạo của thầy, trò các thế hệ, Đại
học Kinh tế Quốc dân đã đạt được nhiều thành tựu to lớn trên các lĩnh
vực hoạt động.
Chủ tịch nước nêu rõ trong lĩnh vực đào tạo, Đại học Kinh tế Quốc dân
đã góp phần to lớn vào việc đáp ứng nhu cầu xã hội về đội ngũ cán bộ
kinh tế và quản trị kinh doanh trong từng giai đoạn của đất nước. Nhiều
cựu sinh viên của trường đã và đang giữ những cương vị chủ chốt trong
các cơ quan Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị-xã hội, các doanh
nghiệp, các tập đoàn kinh tế quốc gia.
Trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học và tư vấn, Đại học Kinh tế Quốc
dân được đánh giá là một trong những đơn vị có đóng góp tích cực cho
Đảng, Nhà nước trong việc xây dựng các quan điểm, chủ trương, chiến
lược, cơ chế chính sách kinh tế trong các giai đoạn phát triển đất nước.
Trường cũng là một địa chỉ tin cậy tư vấn cho các địa phương, doanh nghiệp trong lĩnh vực kinh tế và quản trị kinh doanh.
Trong lĩnh vực hợp tác quốc tế, Đại học Kinh tế Quốc dân đã phát huy
tinh thần tích cực, chủ động trong mở rộng quan hệ hợp tác với các
trường đại học của nhiều nước và tổ chức quốc tế có uy tín nâng cao chất
lượng đào tạo. Trong quản trị, Trường đã có nhiều đổi mới công tác quản
lý điều hành, đạt được kết quả tích cực bước đầu trong thực hiện thí
điểm tự chủ đại học. Trường cũng luôn chăm lo cho cán bộ, nhân viên,
sinh viên tạo sự gắn kết trong tập thể.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước biểu dương, chúc mừng
những thành tựu của trường trong sự nghiệp giáo dục, xây dựng và bảo vệ
Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Chủ tịch nước khẳng định các trường đại học có vai trò, trách nhiệm
to lớn trong việc hiện thực hóa "khát vọng phát triển đất nước phồn
vinh, hạnh phúc".
Trong những năm qua, thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8,
khóa XI về "Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu
cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường
định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế", giáo dục đại học của
nước ta đã đạt được nhiều thành tựu, đóng góp tích cực vào công cuộc
phát triển đất nước.
Chủ tịch nước đề nghị cần chuyển mạnh giáo dục đại học từ lấy truyền
đạt kiến thức sang giáo dục rèn luyện kỹ năng, phương pháp tư duy và tự
học, tự tìm tòi bổ sung kiến thức, rèn luyện phẩm chất đạo đức, bản lĩnh
nghề nghiệp, trách nhiệm xã hội.
Trong quá trình đào tạo, sinh viên đóng vai trò trung tâm, chủ động;
giáo viên đóng vai trò hướng dẫn, định hướng sinh viên cách thu nhận
kiến thức và cách vận dụng kiến thức vào giải quyết các vấn đề thực
tiễn.
Chủ tịch nước lưu ý khi thực hiện điều này không chỉ liên quan đến
đổi mới phương pháp giảng dạy và học tập mà đòi hỏi phải đổi mới căn bản
mục tiêu, nội dung chương trình đào tạo, giáo trình, học liệu, nâng cao
năng lực đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục.
Chủ tịch nước yêu cầu các cơ sở giáo dục đại học coi đây là nhiệm vụ
quan trọng hàng đầu cần tập trung giải quyết để nâng cao chất lượng
nguồn nhân lực.
"Đại học Kinh tế Quốc dân muốn thành công phải có môi trường cởi mở,
dung nạp tri thức mới, sáng tạo trong bài giảng, trong quản lý giáo dục
và trong xây dựng văn hóa, trong đó lấy người học làm trung tâm, để từ
đó Trường sẽ phát triển không ngừng", Chủ tịch nước nói.
Chủ tịch nước đề nghị trong bối cảnh kinh tế vĩ mô, tỷ giá, lãi suất,
trái phiếu doanh nghiệp, xăng dầu, tài chính y tế, quản lý tài sản công
đang đặt ra rất nhiều bài toán lớn như hiện nay, các nhà nghiên cứu,
chuyên gia của đại học đầu ngành như Đại học Kinh tế Quốc dân cần có sự
tham gia tích cực, hiệu quả hơn nữa vào xây dựng chính sách của đất
nước.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chụp ảnh lưu niệm cùng các đại biểu. (Ảnh: TTXVN)
Đề cập đến vấn đề tự chủ đại học, Chủ tịch nước cho rằng đây là một
vấn đề rất lớn đã triển khai nhiều năm, bước đầu có những kết quả. Chủ
tịch nước khẳng định những đơn vị tự chủ đại học công lập không có nghĩa
là tự lo, tự bươn chải mà Nhà nước sẽ có những cơ chế hỗ trợ cần thiết.
Đặc biệt, đổi mới cơ chế tự chủ của trường đại học công không chỉ là
tự chủ về học phí, mà cũng cần làm rõ cơ chế quản lý tài chính, nhân sự
tương ứng với các mục tiêu cần đạt được trong một trường đại học công tự
chủ.
"Đổi mới như thế nào, hỗ trợ thế nào để không học sinh nào bị bỏ lại
phía sau, không thanh niên nào, dù ở nông thôn hay thành thị, đồng bằng
hay miền núi, hải đảo vì hàng rào học phí mà phải từ bỏ ước mơ ngồi trên
ghế giảng đường đại học", Chủ tịch nước lưu ý
Trong năm tới, bối cảnh phát triển mới của đất nước đặt ra cho Đại
học Kinh tế Quốc dân những yêu cầu mới phức tạp hơn. Chủ tịch nước yêu
cầu Nhà trường phải có những đột phá vượt bậc chứ không phải những giải
pháp chung chung mang tính tiệm tiến.
Do đó, Chủ tịch nước đặt câu hỏi cho các thế hệ thầy và trò nhà
trường phải trả lời là: Khâu nào được xác định là khâu đột phá, cần bảo
đảm các điều kiện gì để thực hiện khâu đột phá ấy?
Chủ tịch nước nhấn mạnh Đại học Kinh tế Quốc dân được xác định là
trường đại học trọng điểm quốc gia, trường đầu ngành trong khối các
trường đại học kinh tế, quản lý và quản trị kinh doanh, vì thế trường
phải tiên phong trong đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả các lĩnh
vực đào tạo, nghiên cứu khoa học, tư vấn kinh tế, quản trị kinh doanh,
hợp tác quốc tế và quản trị nhà trường.
Với vị trí trường đầu ngành, Đại học Kinh tế Quốc dân cần phải trở
thành tấm gương đi tiên phong trong khối các trường đại học kinh tế,
quản lý và quản trị kinh doanh, đồng thời duy trì và thiết lập mối quan
hệ bền chặt với các trường đại học trong khối vì sự phát triển chúng của
cả ngành đại học.
Chủ tịch nước lưu ý trong chiến lược phát triển, phải xây dựng và
chuyển đổi mô hình tổ chức thành đại học với 3 cấp. Đây là hướng đi phù
hợp với yêu cầu xây dựng cơ sở giáo dục đại học 3 ngành được quy định
trong Luật Giáo dục đại học.
Để thực hiện có hiệu qủa phương hướng chiến lược này, Chủ tịch nước
đề nghị cần chú trọng, củng cố, phát triển và nâng tầm hiện đại các
ngành, lĩnh vực vốn dĩ là truyền thống, thế mạnh của trường.
Đồng thời, trường từng bước mở rộng sang các lĩnh vực và ngành đào
tạo mới, liên ngành, xuyên ngành; phát triển mạnh ngành công nghệ thông
tin, tập trung định hướng chuyển đổi số, ứng dụng dữ liệu lớn, trí tuệ
nhân tạo trong quản lý kinh tế và kinh doanh.
Trong quá trình chuyển đổi mô hình đào tạo, cần đặc biệt chú ý làm
tốt các tư tưởng, chủ động giải quyết các vấn đề phát sinh, giữ vững
được sự đoàn kết nhất trí trong tập thể sư phạm nhà trường, vì mục tiêu
phát triển có hiệu quả và bền vững.
Chủ tịch nước mong sinh viên luôn phát huy truyền thống hiếu học của dân tộc, không ngừng rèn luyện phẩm chất đạo đức, trách nhiệm với
xã hội, tích cực học tập, tiếp thu tinh hoa tri thức của nhân loại, rèn
luyện kỹ năng, nuôi dưỡng khát vọng cống hiến và khởi nghiệp.
Nhân dịp này, Chủ tịch nước đã trao Huân chương Lao động hạng Ba cho 2
tập thể và một cá nhân có thành tích xuất sắc trong các hoạt động của
trường./.
TTXVN