Công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em luôn được ngành y tế tập trung
thực hiện.
Ngành triển khai đồng bộ các biện pháp, tăng cường công tác
kiểm tra, giám sát (kể cả các phòng khám tư nhân), hỗ trợ chuyên môn cho
tuyến dưới nhằm hạn chế tai biến sản khoa; tổ chức các lớp đào tạo bổ
sung giảng viên tuyến tỉnh về Người đỡ đẻ có kỹ năng và chăm sóc sơ sinh
sớm thiết yếu, thẩm định tử vong mẹ, hồi sức cấp cứu sản khoa và sơ
sinh, triển khai đơn nguyên sơ sinh tuyến huyện, đào tạo cô đỡ thôn,
bản…
Đặc biệt, sau hơn 1 năm kể từ thời điểm Luật Hôn nhân và Gia đình có quy định về việc cho phép mang thai hộ có hiệu lực (1/1/2015), cả nước đã có 65 ca mang thai hộ thành công, trong đó tại Bệnh viện Phụ sản có 46 ca trên tổng số 60 hồ sơ được duyệt, Bệnh viện Từ Dũ có 19 ca trên tổng số 33 hồ sơ được duyệt. Ngày 22/1, bé gái đầu tiên của cả nước đã chào đời tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương, nhờ mang thai hộ với cân nặng 3,6 kg trong niềm hạnh phúc vô bờ bến của gia đình và các y bác sỹ Bệnh viện Phụ sản Trung ương.
Trong giai đoạn 2011-2015, độ bao phủ của hầu hết các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản thiết yếu đều được mở rộng ở cả tuyến huyện và tuyến xã, đặc biệt là các dịch vụ giúp giảm tử vong bà mẹ và trẻ sơ sinh như mổ đẻ, truyền máu, nuôi dưỡng và điều trị trẻ sơ sinh nhẹ cân, non tháng, xử trí tai biến sản khoa. Ngành đã đào tạo được 1.737 cô đỡ thôn, bản đóng góp đáng kể cải thiện sức khoẻ bà mẹ, trẻ em ở các vùng đồng bào dân tộc, vùng đặc biệt khó khăn.
Công tác giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi, nâng cao thể lực, tầm vóc con người Việt Nam được quan tâm chú trọng góp phần đưa tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em thể nhẹ cân đã giảm từ 17,5% vào năm 2010 xuống còn 14,1% năm 2015, thể thấp còi cũng giảm mạnh từ 29,3% vào năm 2010 xuống còn 24,0% năm 2015.
Việt Nam đạt được Mục tiêu Thiên niên kỷ về giảm tử vong bà mẹ xuống 58,3 trên 100.000 trẻ đẻ sống, giảm tử vong trẻ em dưới 1 tuổi xuống 14,73‰. Tỷ lệ phụ nữ đẻ được khám thai ít nhất 3 lần trong 3 thai kỳ đạt 90%, tỷ lệ phụ nữ đẻ do cán bộ y tế đã qua đào tạo đỡ đạt 98,2%, tỷ lệ bà mẹ và trẻ sơ sinh được chăm sóc tuần đầu sau sinh đạt 90%.
Trong năm 2016, ngành y tế tăng cường đầu tư, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em; rà soát, cập nhật, xây dựng bổ sung những chính sách, quy định, chương trình, tài liệu đào tạo liên quan đến công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản, đặc biệt ưu tiên cho công tác làm mẹ an toàn và triển khai thực hiện đơn nguyên sơ sinh và góc sơ sinh ở các tuyến.
Bộ tổ chức và hướng dẫn các địa phương triển khai mở rộng đào tạo nâng cao năng lực hồi sức cấp cứu sản khoa, sơ sinh cho các cơ sở cung cấp dịch vụ đỡ đẻ; đẩy mạnh và nâng cao chất lượng hoạt động thẩm định tử vong mẹ ở các tuyến. Bên cạnh đó thực hiện rà soát, củng cố và tăng cường đào tạo mạng lưới cô đỡ thôn bản tại vùng sâu, vùng xa, địa bàn khó khăn và còn tồn tại các tập quán lạc hậu trong sinh đẻ. Ngành tiếp tục tăng cường chỉ đạo kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện các giải pháp nhằm hạn chế tai biến sản khoa tại các cơ sở khám chữa bệnh sản phụ khoa và nhi khoa (kể cả cơ sở y tế tư nhân).../
Theo TTXVN