Bên lề buổi lễ khai trương khu trình diễn công nghệ 3G do Viettel và Qualcomm phối hợp tổ chức, ông Thiều Phương Nam, Tổng Giám đốc Qualcomm khu vực Đông Dương, nhận định kể cả khi Việt Nam có mạng 4G thì 3G vẫn sẽ tồn tại song song một thời gian rất dài nữa.
Trước đó, có ý kiến cho rằng các doanh nghiệp viễn thông nên tập trung nâng cao chất lượng mạng lưới 3G để phục vụ khách hàng thay vì việc quá mải mê vào công nghệ 4G.
Theo ông Nam, xu hướng trên thế giới cho thấy, việc chuẩn bị cho 4G không đồng nghĩa với việc ngừng đầu tư cho 3G và ngược lại. Hai nhiệm vụ này cần được các doanh nghiệp viễn thông di động tiến hành song song và thực tế một số mạng lớn trên thế giới khi mới triển khai 4G thì mạng 3G của họ đã đạt đến tốc độ 84 Mbps, tương đương 3,5G.
Còn tại Việt Nam, mới đây cả VinaPhone và Viettel đều công bố hoàn thành thử nghiệm và cung cấp dịch vụ data hỗ trợ tối đa 42 Mbps tại một số địa phương (gấp 6 lần tốc độ hiện tại). Việc phổ cập tốc độ này sẽ được triển khai trong năm 2015.
Số liệu của Bộ Thông tin và Truyền thông cũng cho thấy, hiện số thuê bao 3G tại Việt Nam đã vào khoảng 25% dân số. Và như thế, khi nhà mạng triển khai tốc độ mới được công bố trên thì 3G ở Việt Nam vẫn còn chậm so với một số mạng lớn trên thế giới.
Ông Nam cho rằng, “kể cả khi Việt Nam có 4G thì 3G và 4G sẽ vẫn tồn tại song song trong một thời gian rất dài nữa, giống như GSM 2G đã tồn tại 20 năm qua.”
Minh chứng cho câu nói này của ông Nam là ở thời điểm hiện tại, dịch vụ 2G vẫn phát triển. Chỉ tính riêng ở Viettel, trong 7 tháng đầu năm 2014 có thêm 9 triệu thuê bao data (gồm cả 2G và 3G mới).
Cũng theo lãnh đạo Qualcomm Đông Dương, về mặt công nghệ thì 4G được thiết kế để chạy những ứng dụng về data là chủ yếu, việc gọi điện trên nền 4G hiện chưa phổ cập. Như vậy, khi khách hàng dùng 4G để gọi điện thì điện thoại vẫn phải quay về 3G để thực hiện cuộc gọi. Và như vậy, hai công nghệ này không đối lập nhau về mặt chiến lược phát triển của doanh nghiệp.../.
(Vietnam+)