Có 10 nội dung đánh giá và điều tra thống kê gồm thông tin chung về dân
số; tình trạng di cư; trình độ học vấn và trình độ chuyên môn kỹ thuật;
tình trạng khuyết tật; tình trạng hôn nhân; tỷ lệ sinh-chết và phát
triển dân số; tình hình đăng ký khai sinh của trẻ em; tình hình lao động
việc làm; thực trạng nhà ở; điều kiện sinh hoạt cơ bản của hộ dân cư.
Chiều 13/3, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng ban Chỉ đạo Tổng điều tra dân số và nhà ở Trung ương chủ trì hội nghị trực tuyến của Ban Chỉ đạo nhằm rà soát, chuẩn bị sẵn sàng ra quân tổng điều tra dân số và nhà ở từ 0 giờ ngày 1/4/2019.
Hội nghị được tổ chức tới 775 điểm cầu với khoảng 36.000 đại biểu tham dự.
ĐIỀU TRA THỐNG KÊ 10 NỘI DUNG CHÍNH
Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, đây là một trong những cuộc tổng điều tra thống kê lớn nhất của quốc gia và là lần thứ 5 tiến hành điều tra dân số và nhà ở kể từ khi thành lập nước đến nay.
Cuộc tổng điều tra gần đây nhất được thực hiện vào 1/4/2009, cách đây 10 năm.
Phó Thủ tướng cho biết, mục đích cuộc tổng điều tra dân số và nhà ở nhằm thu thập thông tin cơ bản về dân số và nhà ở trên toàn quốc để phục vụ công tác nghiên cứu, phân tích quá trình phát triển dân số và nhà ở; đáp ứng nhu cầu thông tin để đánh giá kết quả thực hiện các kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2011-2020; đồng thời là cơ sở quan trọng để xây dựng và hoạch định chiến lược phát triển kinh tế-xã hội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, có 3 mốc cơ bản là xây dựng Kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021-2025, Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội đến năm 2030 (mốc kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng) và tầm nhìn đến năm 2045 (mốc 100 năm thành lập nước). Số liệu thống kê lần này có ý nghĩa rất quan trọng.
Cuộc tổng điều tra dân số và nhà ở phục vụ cho công tác giám sát thực hiện Nghị quyết Trung ương khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới; giám sát các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc mà Chính phủ đã cam kết; cung cấp thông tin phục vụ xây dựng cơ sở dữ liệu tổng hợp của quốc gia về dân số trong giai đoạn hiện nay.
Có 10 nội dung đánh giá và điều tra thống kê gồm thông tin chung về dân số; tình trạng di cư; trình độ học vấn và trình độ chuyên môn kỹ thuật; tình trạng khuyết tật; tình trạng hôn nhân; tỷ lệ sinh-chết và phát triển dân số; tình hình đăng ký khai sinh của trẻ em; tình hình lao động việc làm; thực trạng nhà ở; điều kiện sinh hoạt cơ bản của hộ dân cư.
Quy mô điều tra tiến hành trên phạm vi 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và 3 bộ có tính đặc thù quan trọng gồm quốc phòng, công an và ngoại giao, bao gồm cả những người đang công tác ở trong nước và các cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài. Trên cơ sở đó, phạm vi điều tra còn bao quát 712 quận, huyện và 11.165 xã, phường, thị trấn.
AN TOÀN, TIẾT KIỆM, HIỆU QUẢ
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị các cơ quan trung ương, địa phương làm rõ công tác tuyển chọn, tập huấn nghiệp vụ và sử dụng công nghệ thông tin cho điều tra thống kê, tổ trưởng điều tra và giám sát viên các cấp; rà soát lại công tác chuẩn bị hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ tổng điều tra.
Phó Thủ tướng cho rằng, đặc điểm cuộc tổng điều tra lần này khác với 10 năm trước, bởi trình độ kinh tế, xã hội và trình độ công nghệ thông tin đã phát triển hơn, không thể sao chép cách làm từ năm 2009.
Đây là lần đầu tiên cuộc tổng điều tra dân số và nhà ở ứng dụng triệt để và gia tăng lớn nhất quy mô về sử dụng công nghệ thông tin, từ khâu thu thập phiếu điều tra, sử dụng các thiết bị đến quá trình tổng hợp dữ liệu, phân tích đánh giá số liệu, lưu trữ báo cáo sơ bộ và báo cáo tổng thể.
Công nghệ thông tin trợ giúp đắc lực nhưng cũng có tính rủi ro cao trong quá trình tổng hợp, lưu trữ và truyền số liệu, rủi ro mang tính hệ thống nên không thể chủ quan. Các tỉnh, thành phố, ban chỉ đạo các cấp cần hết sức chú ý.
Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh đến công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia tổng điều tra, công tác chỉ đạo phân công nhiệm vụ và phối hợp giữa các ban, ngành để thu thập thông tin, chuẩn bị điều tra ở địa bàn, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho cuộc tổng điều tra, cả về thu thập, lưu trữ và truyền số liệu trong hệ thống bằng công nghệ thông tin, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, biên giới và những nơi có rủi ro, bất ổn về trật tự xã hội, trật tự an toàn.
Theo Phó Thủ tướng, việc tổng điều tra không chỉ đơn thuần là chỉ tiêu về mặt số lượng mà quan trọng là phân tích đánh giá chất lượng cơ cấu, chất lượng dân cư và thực trạng chất lượng nhà ở; con số thống kê phải tin cậy, chính xác, tạo cơ sở cho việc hoạch định chính sách kinh tế-xã hội. Vì vậy, đòi hỏi phải có sự phân công, phối hợp giữa các ban, ngành khi thu thập thông tin tại địa bàn.
“Giai đoạn tới, không chỉ Trung ương mà cả các tỉnh, thành phố đã chuẩn bị đại hội Đảng các cấp, nếu không có số liệu tin cậy về nhà ở và dân số, cả về số lượng và chất lượng thì việc hoạch định xây dựng văn kiện đại hội bị tác động nhiều. Đây là việc quan trọng, phải huy động cả hệ thống chính trị và có sự lãnh đạo sát sao từ cấp ủy và chính quyền địa phương các cấp và Ban Chỉ đạo Trung ương”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Quán triệt yêu cầu chính xác, trung thực, khách quan, cung cấp đầy đủ số liệu số lượng, chất lượng dân số và nhà ở, Phó Thủ tướng nêu rõ, trong điều kiện ngân sách hạn hẹp, Chính phủ vẫn dành 1.100 tỷ đồng để thực hiện cuộc tổng điều tra, do vậy, tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 phải đảm bảo yêu cầu nhanh gọn, an toàn tuyệt đối, tiết kiệm, hiệu quả, có chất lượng cao, chậm nhất 26/4, các cơ quan phải có báo cáo tổng thể để báo cáo Thủ tướng, Chính phủ kết quả sơ bộ.
Thông tin tại hội nghị, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Lê Thanh Liêm cho biết: Qua kết quả sơ bộ giai đoạn 1, Thành phố lập bảng kê được 19.445 địa bàn (17.454 địa bàn bình thường và 1.991 địa bàn đặc thù) với tổng số 2.469.302 hộ địa bàn bình thường, 86.146 nhân khẩu địa bàn đặc thù và dân số của thành phố đến thời điểm 23/1/2019 là 8.859.688 người. Để chuẩn bị cho giai đoạn 2, Thành phố đã và đang tiến hành công tác tập huấn nghiệp vụ và sử dụng máy tính bảng và điện thoại thông minh để chuẩn bị cho tổng điều tra dân số và nhà ở.
Ông Lê Thanh Liêm cho rằng, cuộc tổng điều tra ưu tiên tuyển chọn điều tra viên thống kê có kinh nghiệm điều tra, đồng thời phải nhanh nhạy trong tiếp cận và sử dụng công nghệ, tuy nhiên, với Thành phố Hồ Chí Minh, việc huy động hơn 10.000 điều tra viên thống kê, hội tụ đủ các điều kiện là rất khó. Để tuyển đủ lực lượng điều tra viên thống kê, Thành phố phải huy động tất cả các nguồn lực có thể tham gia trong hệ thống chính trị và cả lực lượng thuê ngoài như sinh viên trên địa bàn. Ưu điểm của các sinh viên, đoàn thanh niên... là nhanh nhạy, sử dụng tốt các thiết bị di động thông minh, tuy nhiên chưa có nhiều kinh nghiệm trong điều tra thống kê, không am hiểu địa bàn điều tra và khó tiếp xúc hộ để thu thập thông tin.
Lực lượng tổ trưởng cũng là một vấn đề khó khăn cho Thành phố do quy định tối đa 3 tổ trưởng/phường, xã, thị trấn. Trong công tác phân chia địa bàn, các phường, xã, thị trấn tại thành phố có từ 150 địa bàn trở lên như phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức; xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh... gây khó cho việc thực hiện giám sát, hỗ trợ điều tra viên thống kê tại địa bàn.
Tại Hà Nội, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Nguyễn Doãn Toản cho biết từ ngày 1/12/2018 đến 20/1/2019, Hà Nội đã tiến hành lập bảng kê hộ với tổng số 17.820 địa bàn (trong đó có 16.093 địa bàn bình thường và 1.727 địa bàn đặc thù), với 2,2 triệu hộ và 7,9 triệu người. Địa bàn điều tra bằng công nghệ phiếu điện tử đạt 100%. Hộ tự đăng ký cung cấp thông tin trên internet là 13.228 hộ, chiếm 0,6%, đứng thứ 2 toàn quốc, sau Thành phố Hồ Chí Minh. Toàn Thành phố đã tuyển chọn trên 10.000 điều tra viên và tổ trưởng.
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Giang Hà Thị Minh Hạnh cho biết dân số của tỉnh hiện có trên 85,2 vạn người, trong đó có trên 87% là đồng bào dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, Hà Giang vẫn khuyến khích đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức sử dụng hình thức tự khai, còn lại là sử dụng phiếu tra điện tử./.
(TTXVN)