Thứ Bảy, 23/11/2024
Xã hội
Thứ Bảy, 16/3/2019 9:10'(GMT+7)

Chung quanh đề xuất hạn chế sử dụng xe máy tại nội đô Hà Nội

(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

Phương án thành phố Hà Nội cấm xe máy hoạt động trên một trong hai tuyến đường Lê Văn Lương hoặc Nguyễn Trãi, nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường, đang được dư luận quan tâm.

Bên cạnh những ý kiến ủng hộ chủ trương hạn chế phương tiện giao thông cá nhân, nhiều người dân, chuyên gia bày tỏ sự băn khoăn, lo lắng và đề nghị các cơ quan chức năng cần nghiên cứu kỹ lưỡng, thận trọng để bảo đảm việc đi lại của người dân, cũng như sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

CÒN NHIỀU BĂN KHOĂN, LO LẮNG

Mặc dù gia đình có xe ôtô, xe máy, nhưng hằng ngày, anh Vũ Hữu Ngọc ở phường La Khê (quận Hà Đông, Hà Nội) vẫn chọn xe buýt nhanh (BRT) để đi từ nhà đến chỗ làm việc.

“Công ty tôi làm việc nằm trên phố Kim Mã, cho nên việc đi lại khá thuận lợi. Đi xe BRT đến bến Kim Mã, tôi đi bộ gần 1 km là đến. Nếu hệ thống giao thông công cộng thuận tiện, đúng giờ, tôi cho rằng người dân sẽ tự chuyển từ sử dụng phương tiện cá nhân sang phương tiện công cộng. Thử hỏi, việc đi xe BRT hoặc tàu điện ngồi máy lạnh, đi lại an toàn, chuẩn giờ với việc ngồi trên xe máy phơi mặt ra nắng, bụi, nguy hiểm mà chi phí rẻ hơn hoặc bằng, hoặc đắt hơn một chút, người dân sẽ chọn phương tiện nào?”, anh Ngọc nói và cho rằng, cần đầu tư mạnh hơn nữa cho vận tải hành khách công cộng, để người dân tiếp cận dịch vụ này dễ dàng hơn.

Trong khi đó, nhiều người khác, nhất là những người hằng ngày phải đi qua trục đường này thì rất lo lắng trước phương án nêu trên.

Ông Nguyễn Thanh Nam, ở phường Thanh Xuân Bắc (quận Thanh Xuân) bày tỏ: “Nhà ở gần đường Nguyễn Trãi, nhưng tôi làm ở phố Bạch Mai. Nếu không cho xe máy hoạt động trên tuyến đường Nguyễn Trãi thì tôi sẽ đi lại thế nào. Hiện năng lực của hệ thống xe buýt Hà Nội mới đáp ứng 14,5% nhu cầu đi lại của người dân. Tôi đề nghị thành phố cần phải nghiên cứu thận trọng việc này, trước khi triển khai”.

Sinh viên Nguyễn Nhật Anh (Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học quốc gia Hà Nội) cho biết: “Hiện nay, em đến trường bằng xe máy, sau giờ học, em còn đi làm thêm. Nếu cấm xe máy lưu thông trên đoạn Nguyễn Trãi - Hà Đông, em sẽ đi tàu điện trên cao đến trường, nhưng sau giờ học, em sẽ di chuyển tới chỗ làm thế nào. Việc này cản trở rất nhiều đến việc đi lại và học tập của em”.

Đây là hai luồng ý kiến trước thông tin Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội đề xuất thực hiện việc cấm xe máy trước năm 2030 trên một trong hai tuyến đường Lê Văn Lương hoặc Nguyễn Trãi.

Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện cho biết, thành phố đã giao cho Sở phối hợp Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải (Bộ GTVT) nghiên cứu xây dựng đề án phân vùng hạn chế, tiến tới dừng hoạt động của xe máy vào năm 2030. Đây là một trong những nội dung cụ thể hóa việc thực hiện Nghị quyết 04/2017/NQ-HĐND của HĐND thành phố Hà Nội về “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường giai đoạn 2017-2020 và tầm nhìn đến năm 2030”.

Đề án phải bảo đảm giải quyết các vấn đề liên quan như: Phát triển vận tải hành khách công cộng; phân vùng cấm hoặc được hoạt động đối với xe máy; thứ tự thực hiện hạn chế, cấm tại từng địa phương, từng tuyến đường phố cụ thể… Sau khi xây dựng xong đề án, cơ quan chức năng sẽ đưa ra lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân.

Giám đốc Vũ Văn Viện cho biết: “Việc thực hiện hạn chế xe máy theo lộ trình. Những tuyến đường, khu vực nào đủ điều kiện về cơ sở hạ tầng, phương tiện vận tải hành khách công cộng đã đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân thì cơ quan chức năng mới tiến hành hạn chế hoạt động của xe máy”.

Dự kiến có thể một trong hai tuyến đường Lê Văn Lương hoặc đường Nguyễn Trãi sẽ được thí điểm hạn chế xe máy đầu tiên trong nội thành Hà Nội. Tại các tuyến này, người dân có thể sử dụng các tuyến xe buýt thường hoặc tuyến xe buýt nhanh số 01 (BRT) từ Kim Mã đi Yên Nghĩa và ngược lại, tuyến đường sắt đô thị số 2A (Cát Linh - Hà Đông), sẽ đi vào hoạt động từ tháng 4 năm nay.

Ngoài ra, Đề án cũng nghiên cứu, đề xuất sẽ dừng việc đăng ký xe máy mới, hạn chế việc sử dụng xe ôtô cá nhân, thông qua các biện pháp kinh tế như tăng phí dịch vụ đỗ xe tại khu vực trung tâm thành phố; xây dựng đề án thu phí vào một số khu vực có khả năng gây ùn tắc và ô nhiễm môi trường... để người dân thay đổi thói quen, từ đó lựa chọn sử dụng loại phương tiện hợp lý nhất.

ĐẨY NHANH TIẾN ĐỘ XÂY DỰNG MẠNG LƯỚI VẬN TẢI HÀNH KHÁCH CÔNG CỘNG

Ủng hộ chủ trương hạn chế sử dụng phương tiện giao thông cá nhân, khuyến khích sử dụng phương tiện giao thông công cộng của thành phố Hà Nội, tuy nhiên, một số chuyên gia bày tỏ sự băn khoăn về việc triển khai thế nào cho hiệu quả, khả thi.

Giám đốc Trung tâm quản lý và Điều hành giao thông đô thị Hà Nội Nguyễn Hoàng Hải cho rằng, việc thực hiện thí điểm cấm xe máy trên một trong hai tuyến đường Lê Văn Lương hoặc Nguyễn Trãi là cần thiết, trước khi triển khai đại trà trong khu vực nội thành, tránh tình trạng các phương tiện gia tăng đến mức không thể kiểm soát được nữa mới tiến hành.

Tiến sĩ Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội phân tích, có nhiều nguyên nhân dẫn đến ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường ở Hà Nội. Trước hết là do lượng phương tiện tăng quá nhanh, không tương xứng với phát triển về kết cấu hạ tầng và hệ thống giao thông công cộng; trình độ quản lý cũng như ý thức người tham gia giao thông chưa thật tốt. Bên cạnh đó, việc quản lý dân cư chưa đạt yêu cầu. Rất nhiều chung cư, nhà cao tầng tiếp tục mọc lên trong khu vực nội đô, kéo theo nhiều cư dân vào sinh sống, trong khi việc di dời các trường đại học, bệnh viện, trụ sở các bộ, ngành… ra khỏi khu vực trung tâm thành phố còn quá chậm.

“Để giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường, Hà Nội phải giải quyết đồng bộ các vấn đề, chứ không chỉ tập trung vào hạn chế phương tiện giao thông. Cần phân chia khu vực để hạn chế xe máy, chứ không nên làm theo tuyến đường. Đồng thời tăng khả năng vận hành, kết nối của hệ thống vận tải công cộng; xây dựng thêm các bến, bãi trông giữ phương tiện giao thông cá nhân tại các bến xe buýt, bến tàu điện. Có như vậy mới tạo được sự đồng thuận trong xã hội khi cấm xe máy”, Tiến sĩ Đào Ngọc Nghiêm nói.

Trước những lo ngại về khả năng đáp ứng của hệ thống giao thông công cộng của thành phố khi người dân không được sử dụng xe máy trong nội đô, Giám đốc Nguyễn Hoàng Hải cho biết, hiện tuyến buýt nhanh vẫn chưa khai thác hết công suất, còn dư lượng phương tiện chưa được đưa vào sử dụng. Sắp tới, tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đi vào hoạt động, tần suất từ 6 đến 7 phút/chuyến, thời gian di chuyển từ ga đầu đến ga cuối chỉ mất 22 phút/lượt, mỗi chuyến tàu có thể vận chuyển khoảng 1.000 người, sẽ rất thuận tiện. Cùng với đó, hơn 40 tuyến xe buýt sẽ được điều chỉnh lộ trình để tăng tính kết nối với đường sắt đô thị, tạo thuận lợi cho việc đi lại của người dân.

Thành phố sẽ quyết liệt hơn trong việc cải thiện mạng lưới, chất lượng phục vụ của xe buýt, bảo đảm đúng giờ, thuận tiện, nhanh chóng và thân thiện; quan tâm đầu tư các bãi gửi xe tại những điểm trung chuyển. Trong năm 2019, xe buýt nhỏ cũng được đưa vào sử dụng nhiều hơn, để người dân có thể tiếp cận dễ dàng. Ông Hải tin tưởng, khi hạn chế phương tiện cá nhân, mật độ giao thông sẽ thông thoáng hơn, xe buýt sẽ bảo đảm đón trả khách đúng giờ.

Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện khẳng định, tới thời điểm triển khai hạn chế xe máy (dự kiến là năm 2027, 2028), hệ thống vận tải hành khách công cộng của TP Hà Nội sẽ đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân với chín tuyến đường sắt đô thị và hàng trăm tuyến xe buýt. Lúc đó 80% khu vực dân cư tại trung tâm thành phố có thể tiếp cận hệ thống vận tải hành khách công cộng, phạm vi dưới 500 m. Khoảng 20% còn lại là ở trong các ngõ, xóm, người dân có thể sử dụng phương tiện phù hợp như xe đạp, ta-xi hoặc đi bộ.

Như vậy, Hà Nội còn khoảng 10 năm nữa để phát triển các loại hình vận tải hành khách công cộng và tuyên truyền, vận động người dân từ bỏ thói quen đi xe cá nhân, chuyển sang sử dụng phương tiện công cộng. Những việc này cần nguồn vốn và sự nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị của thành phố trong quá trình triển khai thực hiện.

Rất nhiều khó khăn, phức tạp, nhưng nếu thành phố không quyết tâm làm, thì tình trạng ùn tắc, quá tải giao thông ở Hà Nội sẽ không bao giờ giải quyết được./.

Việt Anh-Quốc Toản (nhandan.com.vn)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất