Thứ Sáu, 29/11/2024
Kinh tế
Thứ Năm, 26/7/2012 14:43'(GMT+7)

Chung sức xây dựng nông thôn mới: Nhiều cách làm hay, hiệu quả ở Bình Định


Trong 4 xã điểm thực hiện XDNTM từ 2011 – 2015 của tỉnh Bình Định gồm xã Nhơn Lộc (thị xã An Nhơn), xã Bình Nghi (huyện Tây Sơn), xã Hoài Hương (huyện Hoài Nhơn) và xã Ân Thạnh (huyện Hoài Ân), ngoài kinh phí Trung ương, UBND tỉnh Bình Định đã hỗ trợ mỗi xã 400 triệu đồng phục vụ công tác phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân.

Ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Chánh văn phòng Ban chỉ đạo XDNTM tỉnh Bình Định cho biết: Tại xã Nhơn Lộc, số kinh phí được UBND tỉnh hỗ trợ trên đã được dùng mua 10 máy xay bột cho làng nghề sản xuất bánh tráng Trường Cửu; hỗ trợ chăn nuôi 7 con bò sinh sản, xã sẽ thu lại bê con để luân chuyển cho các hộ dân khác chăn nuôi sau khi bò sinh sản.

Tại xã Bình Nghi (huyện Tây Sơn), số kinh phí trên được sử dụng thực hiện mô hình lúa lai trên diện tích 5,3ha và 7 bò cái sinh sản. Đối với mô hình lúa lai (các giống CT16 và Syn6) cho năng suất 80,2 tạ/ha, mang lại lợi nhuận cao hơn 6,5 triệu đồng/ha/vụ so với trước đây. UBND xã Bình Nghi đang triển khai mô hình này ra 3 hợp tác xã trên địa bàn. Riêng với bò sinh sản, sau khi sinh ra bê con 6 tháng tuổi sẽ được dùng luân chuyển cho hộ khác chăn nuôi.

Xã Hoài Hương (huyện Hoài Nhơn) sử dụng 400 triệu đồng được hỗ trợ thực hiện mô hình sản xuất lúa giống 3,2ha cho 26 hộ trong vụ đông xuân 2011 – 2012 và hỗ trợ lợn nái cho các hộ nghèo và cận nghèo. Trong khi đó, xã Ân Thạnh (huyện Hoài Ân) dùng kinh phí hỗ trợ giống dừa xiêm lục cải tạo vườn tạp cho người dân đạt hiệu quả.

Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Nhơn, ông Phạm Trương cho biết: Toàn huyện có 15 xã thực hiện XDNTM, trong đó mục tiêu đến năm 2015 hoàn thành 4 xã. Nhờ việc vận động, giải thích cho người dân nắm rõ chính sách của nhà nước, người dân cùng góp sức xây dựng trên cơ sở “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân hưởng thụ” nên việc huy động sức dân diễn ra khá thuận lợi. Đến nay, trên địa bàn huyện Hoài Nhơn đã có 5 doanh nghiệp và hơn 300 hộ dân đóng góp 2,6 tỉ đồng, 6.000m2 đất, 50 cây dừa giống…

Ngoài các khoản kinh phí của Trung ương và tỉnh, UBND huyện Hoài Nhơn còn hỗ trợ 200 triệu đồng/km bê tông hóa giao thông nông thôn, 50% giá trị xây lắp mỗi km kênh mương được kiên cố hóa. Riêng với 4 xã điểm hoàn thành XDNTM vào năm 2015, huyện còn hỗ trợ mỗi năm 1,5 tỉ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng.

Mặc dù tỉnh Bình Định, tỉ lệ đất sản xuất và đất ở theo đầu người không cao, nhưng tại tất cả các địa phương, người dân đều nhiệt tình, đồng thuận đóng góp kinh phí, hiến đất, góp sức xây dựng NTM. Với hiệu quả của phong trào này, trong số 124 xã của tỉnh Bình Định đến nay đã có 7 xã đạt từ 10 trong số 19 tiêu chí trở lên về tiêu chuẩn NTM; 20 xã đạt từ 7 – 9 tiêu chí… BCĐ XDNTM tỉnh Bình Định đặt ra mục tiêu trong tháng 8/2012 sẽ hoàn thành lập quy hoạch NTM cho 64 xã, đến cuối năm sẽ hoàn thành việc quy hoạch cho toàn bộ 124 xã. Đến năm 2015, sẽ có 27 xã của tỉnh Bình Định hoàn thành công tác xây dựng NTM./.

Ly Kha - TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất