Quyết định đến, trở thành cán bộ tuyên giáo với tôi chỉ là sự tình cờ, xem như một sự lựa chọn có công việc mới, môi trường mới. Thậm chí, tôi còn chưa biết công tác tuyên giáo là gì nên không thể nói rằng mình đến với nghề tuyên giáo do yêu nghề. Lúc đó, khái niệm cán bộ làm công tác tuyên giáo trong tôi là hình ảnh cán bộ hay đi phổ biến chủ trương, nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Nhà nước...
1. Những ngày đầu bước chân vào ngành tuyên giáo, chúng tôi hay bị Thủ trưởng đơn vị bất ngờ kiểm tra bài trong các buổi họp với những câu hỏi như: "Đảng ta lãnh đạo bằng gì?”. Một số người bị gọi đứng dậy ấp úng, số khác cũng nói được đôi ba ý như: Đảng lãnh đạo bằng cương lĩnh, nghị quyết, đường lối; bằng công tác kiểm tra, giám sát, tổ chức cán bộ… Bạn nào trả lời được như thế cũng tạm ổn, được thủ trưởng chấp nhận. Thế nhưng, ngay sau đó là câu hỏi: Làm thế nào để các chỉ thị, nghị quyết đến được với cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân; để nó trở thành hiện thực sinh động trong thực tiễn..?
Dần dần, những buổi kiểm tra như vậy ít xuất hiện, nhưng cán bộ trẻ chúng tôi bắt đầu nhận thức được rằng, cán bộ tuyên giáo không chỉ có nói - viết, mà còn cần phải đảm nhiệm tốt vai trò tham mưu, đề xuất, góp ý trên rất nhiều lĩnh vực. Công tác tuyên giáo là một lĩnh vực cần có kiến thức đa ngành, đa lĩnh vực với nhiều mảng công việc khác nhau. Tuy nhiên, vì nhận thức ban đầu như thế, nên tôi cũng chỉ tập trung rèn luyện ở hai việc: Nói và viết.
Làm thế nào để viết tốt? Đây là câu hỏi mà tôi luôn trăn trở, vì việc viết lách vốn không phải là sở trường của bản thân nhưng lại trở thành một kỹ năng tối cần thiết cho công việc. Vì từng có một thời gian làm báo, nên đối với tôi việc viết lách không đến nỗi khó nhọc, nhưng khác với trước đây chỉ viết một mẩu tin ngắn hay một bài phản ánh; còn nay làm công tác tuyên giáo có nghĩa làm công tác tham mưu tổng hợp cho Đảng về những chủ trương, chính sách, đường lối, quan điểm trong công tác chính trị, tư tưởng, văn học nghệ thuật, khoa học - công nghệ… nên phạm vi hoạt động rất rộng. Vì thế, không chỉ được lãnh đạo giao cho tham gia chuẩn bị dự thảo các bài nói chuyện, bài phát biểu cho lãnh đạo, cán bộ trẻ chúng tôi còn được rèn rũa rất nhiều trong việc soạn thảo các văn bản, từ công văn, kế hoạch, quyết định, tờ trình, báo cáo…mà mỗi thể loại văn bản lại có một "phom" riêng, cách hành văn khác nhau cho nên, dù muốn dù không, chúng tôi cũng phải cố gắng hoàn thiện kỹ năng này. Bởi đơn giản một điều, cán bộ tuyên giáo phải nắm bắt được tình hình, làm tốt công tác dự báo, nếu không dự báo, không tham mưu, không đưa được các ý kiến, đề xuất góp ý mới mẻ vào văn bản là thua cuộc. Nói như Thủ trưởng của chúng tôi là tự mình thua cuộc trên sân nhà!
Mỗi khi chuẩn bị các văn bản, cán bộ trẻ chúng tôi luôn ý thức sâu sắc một điều. Chúng ta đang sống trong thời đại kỹ thuật số, trong một thế giới mà hình ảnh, video và âm nhạc đã thống trị gần như mọi khía cạnh của cuộc sống, nhưng những từ ngữ được viết ra vẫn có tác động hiệu quả, mạnh mẽ và sâu sắc đến hành vi của con người. Do đó, viết thế nào cho uyển chuyển, truyền tải thông điệp đến các đối tượng một cách hợp lý, khoa học luôn là đòi hỏi nghiêm khắc nhất với những người làm công tác tham mưu, công tác tư tưởng của Đảng.
Nhưng điều gì làm nên một bài viết tốt? Hoặc nói cách khác, điều gì, những gì làm nên một người viết tốt? Thực tế là, với một số người tuy công việc không liên quan nhiều lắm đến việc viết lách, nhưng rõ ràng, nếu có khả năng viết, bạn có thể cấu trúc lại những ý tưởng của mình mạch lạc hơn, có thể bày tỏ những suy nghĩ của mình một cách sâu sắc hơn mà cũng với những ý tưởng, suy nghĩ ấy nếu được trình bày qua hình thức lời nói sẽ không sâu sắc, ý nhị bằng.
Cùng với dòng chảy của thời gian, chúng tôi được va chạm, được rèn rũa với nghề nhiều hơn; không chỉ được các đồng nghiệp chỉ dạy mà các bậc cha chú cũng truyền đạt thêm cho nhiều kinh nghiệm quý báu, cách thức và phương pháp xử lý vấn đề sao cho uyển chuyển, phù hợp với lòng người để thuận tiện trong công việc.
Để viết cho sắc, cán bộ tuyên giáo ngoài kỹ thuật viết còn cần có kinh nghiệm, vốn kiến thức tương đối rộng, phông văn hóa đa dạng, đa ngành. Từ cách xây dựng đề cương bài viết đến việc lựa chọn chủ đề, viết cho đối tượng nào đã bộc lộ kỹ năng của người làm công tác tuyên giáo. Để làm tốt các việc đó, người làm công tác tư tưởng đầu tiên phải tích cực học hỏi, từ nghiên cứu, đề xuất, tham gia thẩm định, hướng dẫn đến kiểm tra việc thực hiện các đường lối, chủ trương của Đảng ở nhiều cấp… Một trong những yêu cầu của công việc là phải xây dựng báo cáo, tổng hợp tình hình, mà phạm vi tổng hợp rất rộng và rất lớn, viết phải đủ, phải ngắn gọn và phải chính xác.
Do vậy, làm cán bộ tuyên giáo là phải không ngừng rèn luyện, nâng cao khả năng tư duy tổng hợp, phân tích đánh giá, dự báo và kỹ năng đề xuất. Người làm công tác tuyên giáo còn phải nắm rõ chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước, phải am hiểu thực tiễn trên các lĩnh vực hoạt động thực tiễn của mình đồng thời nhạy bén với thông tin, biết phân tích, định hướng, sàng lọc. Có như vậy, mới đảm bảo yếu tố định hướng đúng và kiên định đường lối.
2. Vậy cán bộ tuyên giáo là gì? Ngoài những phẩm chất như bản lĩnh chính trị vững vàng, lập trường ổn định, đam mê nghề nghiệp, tôi trộm nghĩ: cán bộ tuyên giáo là “viết sắc, nói sâu, định hướng đúng, kiên định và linh hoạt”. Cán bộ tuyên giáo phải nói cái người ta cần nghe, cần biết vì bây giờ thông tin báo chí nhanh nhạy, mạng xã hội lan truyền quảng bá thông tin tốt - xấu cực kỳ nhanh chóng, thêm vào đó trình độ dân trí được nâng cao, nên việc kiểm tra thông tin rất dễ dàng, cán bộ nói không đúng định hướng, không sắc sảo, sẽ bị người nghe phản ứng tức thì. Có viết sắc, nói sâu mới đảm bảo “Viết sao cho lọt tai người/ để người cùng khóc cùng cười với ta”.
Bên cạnh kỹ năng soạn thảo, chuẩn bị văn bản và tham mưu, góp ý đề xuất vào các báo cáo, các chuyên đề, đề tài khoa học, cán bộ tuyên giáo trẻ còn phải trau dồi kỹ năng nói. Làm nghề nên chúng tôi cũng biết, có những người viết rất tốt, nhưng khả năng trình bày trước đám đông đôi khi hạn chế bởi họ không “lợi khẩu”, không hoạt ngôn, nên việc trình bày các ý tưởng, các ý kiến trước nhiều người là khá khó khăn.
Để chuẩn bị các bài nói chuyện tốt, kinh nghiệm đi trước của các bậc đàn anh là phải xác định chủ đề, xác định đối tượng người nghe để xây dựng đề cương; tiếp đó là xây dựng đề cương, soạn bài nói chuyện một cách cụ thể, khoa học. Đối với các buổi nói chuyện về tình hình thời sự, thì phải cập nhật thông tin mới gì liên quan đến chủ đề thời sự; đối với các buổi giảng nghị quyết chuyên đề phải triển khai các ý trọng tâm, từ đó mở rộng triển khai các ý cơ bản… Sau khi nắm vững các bước chuẩn bị cơ bản cho một buổi giảng nghị quyết, thông báo tình hình thời sự đến các đối tượng khác nhau như cán bộ hưu trí, sinh viên, cán bộ cấp xã phường, quận huyện… chúng tôi bắt đầu mạnh dạn tham gia công tác tuyên truyền miệng.
Nhớ lại những lần đầu chập chững đứng lớp trước các bạn sinh viên hay buổi đầu đi thông tin thời sự đến các các bác hưu trí, phải nói là rất hồi hộp và căng thẳng. Nói không hay sẽ bị “mất điểm’, sẽ bị chê cán bộ tuyên giáo mà nói không thuyết phục, trôi chảy. Nhưng nếu như ‘phiêu” quá trong bài giảng, cung cấp những thông tin, những ý kiến tranh luận còn trái chiều, chưa thực sự thích hợp để công bố mà ‘nhỡ miệng”, có khi chưa về đến cơ quan đã nhận được các ý kiến phản hồi của các bậc lão thành, các ý kiến đánh giá của lãnh đạo cấp trên.
Đối với tôi, điều tuyệt vời nhất của công tác tuyên giáo không phải nhờ công việc, nhờ yêu nghề mà cán bộ trẻ hoàn thiện kỹ năng viết và nói. Mà đó là, nhờ môi trường tuyên giáo, khi đã trở thành cán bộ làm công tác tư tưởng của Đảng, có nghĩa là trong từng cách cư xử, nói năng của mình, mình cũng cần trở nên mô phạm, mực thước hơn. Mực thước trong lời ăn, tiếng nói, trong tác phong sinh hoạt hằng ngày, vì giờ mình là đối tượng để “quan trên trông xuống, người ta trông vào”. Việc điều chỉnh tác phong sinh hoạt cùng với lời ăn tiếng nói đã giúp cho các cán bộ trẻ chung tôi trở nên chững chạc hơn. Đấy cũng là cái hay mà công tác tuyên giáo đem lại.
3. Cuộc sống luôn vận động, là dòng chảy không ngừng, những năm gần đây đời sống kinh tế - xã hội của đất nước ngày càng đi lên, có nhiều khởi sắc. So với bạn bè cùng trang lứa, những người sau khi tốt nghiệp đại học đi vào các lĩnh vực kinh doanh, buôn bán, dạy học… nhiều người có cuộc sống vật chất đầy đủ và phong phú hơn. Đôi khi gặp gỡ, nhìn bạn bè đủ đầy cũng có chút gì đó chạnh lòng, bởi cán bộ tuyên giáo ngoài chữ nghĩa, ngoài văn bản giấy tờ cũng chẳng có gì nhiều nhặn ngoài đồng lương cơ bản, trong khi nhu cầu đời sống thì có qua nhiều cái để ước ao, để thiết tha…
Tuyên giáo là một nghề, đã là nghề thì phải yêu nghề, say mê với nghề. Chúng tôi luôn được dạy bảo rằng: là cán bộ tuyên giáo phải thể hiện tính tiên phong, gương mẫu, giữa nói và làm phải đi đôi với nhau, thường xuyên tự học, tự rèn luyện để từng bước trưởng thành. Để làm tròn trách nhiệm người tuyên giáo đòi hỏi phải có sự trung thành tuyệt đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, luôn nêu cao tư tưởng độc lập tự chủ, tích cực học tập rèn luyện bản thân, nhất là tư tưởng lý luận, năng lực hoạt động thực tiễn, phẩm chất đạo đức cách mạng. Có nói thế nào, cũng luôn phải đảm bảo đúng với nghị quyết, đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Mới đó, thấm thoát cũng chục năm có lẻ, chút suy tư, vấn vương về nghề tuyên giáo cũng là mong nhận được sự động viên, chia sẻ góp ý của các đồng nghiệp./.
Phạm Quý Trọng