(TG) - Việc
chuyển giao và hỗ trợ kỹ thuật thành công, nếu được duy trì thường
xuyên và bền vững giữa các bệnh viện hạt nhân và bệnh viện vệ tinh mang lại hiệu quả kinh tế cho cả bệnh viện và
người dân ở các địa phương, đặc biệt góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân do Đảng, Nhà nước giao cho ngành Y tế.
Sáng
19-11, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) phối hợp với Sở Y tế tỉnh
Thái Bình tổ chức Hội nghị “Đánh giá kết quả thực hiện Đề án Bệnh viện
vệ tinh và hỗ trợ kỹ thuật chuyên môn giữa Bệnh viện Nhi Trung ương và
Bệnh viện Nhi Thái Bình”.
Sau 3 năm (2013-2016) được giao nhiệm vụ là bệnh viện hạt nhân, chuyển giao kỹ thuật chuyên ngành Nhi cho bệnh viện vệ tinh là Bệnh viện Nhi Thái Bình, Bệnh viện Nhi Trung ương đã đào tạo, chuyển giao kỹ thuật các chuyên ngành Cấp cứu, hồi sức Nhi; Hồi sức sơ sinh; Ngoại nhi, chấn thương chỉnh hình; Nội nhi tổng quát; Chẩn đoán hình ảnh; Giải phẫu bệnh; Xét nghiệm huyết học; Xét nghiệm vi sinh; Xét nghiệm sinh hóa. Nhiều lớp tập huấn với các chuyên đề đã được tổ chức như: Nhi cơ bản; Truyền nhiễm; Sốc nhiễm khuẩn; Sốc phản vệ; Sốt xuất huyết; Tim mạch.
Nhờ đó, hiện nay Bệnh viện Nhi Thái Bình đã có thể tiếp nhận và thực hiện độc lập được một số kỹ thuật mới như hồi sức và sơ sinh, phẫu thuật tiêu hóa, phẫu thuật tiết niệu, phẫu thuật gan mật... góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh tại bệnh viện, giảm tỷ lệ bệnh nhân chuyển lên tuyến trên.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Cao Hưng Thái, Phó cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh nhận định, thông qua hoạt động đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, cải tạo cơ sở vật chất, nâng cấp trang thiết bị y tế giúp cho cán bộ bệnh viện nâng cao trình độ chuyên môn, ứng dụng nhiều dịch vụ kỹ thuật mới vào việc sàng lọc, chẩn đoán, điều trị bệnh thuộc chuyên khoa Nhi đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh ngày càng cao của nhân dân. Người bệnh được tiếp cận với dịch vụ y tế kỹ thuật cao ngay tại địa phương, một số bệnh nhân nặng được cấp cứu kịp thời giúp giảm tỷ lệ tử vong, giảm chuyển tuyến, giảm chi phí cho người bệnh, giảm quá tải cho bệnh viện tuyến trên.
Việc chuyển giao và hỗ trợ kỹ thuật giữa bệnh viện hạt nhân và bệnh viện vệ tinh được thực hiện theo tinh thần của Quyết đinh số 92/QĐ-TTg ngày 9-1-2013 của Thủ tướng Chính Phủ phê duyệt Đề án Giảm quá Đề án Giảm quá tải bệnh viện giai đoạn 2013-2020, ngày 11-3-2013, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ký ban hành Quyết định 774/QĐ-BYT phê duyệt Đề án Bệnh viện Vệ tinh giai đoạn 2013-2020.
Mục tiêu là nhằm nâng cao năng lực về khám bệnh, chữa bệnh cho các bệnh viện vệ tinh thông qua các hoạt động đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, cải tạo cơ sở vật chất, nâng cấp trang thiết bị y tế, giúp người dân được khám bệnh, chữa bệnh chất lượng cao tại các bệnh viện vệ tinh, không phải lên tuyến trên, hiện nay, tập trung ưu tiên 5 chuyên khoa: ung bướu, ngoại chấn thương, tim mạch, sản nhi.
Theo số liệu của Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế, sau 3 năm thực hiện Đề án (2013-2016), tỷ lệ chuyển người bệnh lên tuyến trên so với các năm trước đã có xu hướng giảm, đặc biệt rõ rệt ở những bệnh viện và chuyên khoa trong Đề án bệnh viện vệ tinh.
Từ những kết quả đạt được nói trên, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Y tế nhân rộng mô hình bệnh viện vệ tinh ra tất cả các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; đến tháng 12 năm 2016, tất cả các tỉnh, thành phố phải thực hiện bệnh viện vệ tinh. Việc đẩy mạnh thực hiện bệnh viện vệ tinh, chuyển giao kỹ thuật sẽ không phân biệt bệnh viện nhà nước và bệnh viện tư nhân. Đây được coi là một trong những giải pháp căn bản để đào tạo đội ngũ cán bộ y tế chất lượng cao cho tuyến dưới, đồng thời phát huy hết hiệu quả, hiêu suất của các bệnh viện hiện có.
Bộ Y tế cho biết sẽ tiếp tục lựa chọn, bổ sung các bệnh viện tuyến trung ương, bệnh viện tuyến cuối có trình độ chuyên môn giỏi, kỹ thuật cao thuộc TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành phố khác có đủ năng lực làm bệnh viện hạt nhân. Bộ Y tế đã nghiên cứu, bổ sung vào Đề án Bệnh viện Vệ tinh giai đoạn 2016-2020 các chuyên khoa quá tải trầm trọng như Nội tiết, Thần kinh, Hồi sức cấp cứu chống độc.
Việc chuyển giao và hỗ trợ kỹ thuật thành công, nếu được duy trì thường xuyên và bền vững giữa các bệnh viện hạt nhân và bệnh viện vệ tinh mang lại hiệu quả kinh tế cho cả bệnh viện và
người dân ở các địa phương, đặc biệt góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân do Đảng, Nhà nước giao cho ngành Y tế.
Dương Ngọc