Thứ Sáu, 29/11/2024
Diễn đàn
Thứ Bảy, 17/10/2009 22:33'(GMT+7)

Chuyện những người yêu biển đảo Việt Nam

Bé Nguyễn Thuỳ Dương- năm nay 4 tuổi là một nhân vật đặc biệt có mặt tại Lễ trao giải cuộc thi tìm hiểu về Biển, đảo Việt Nam năm 2009 do Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức vào đầu tháng này. Bố của bé Thuỳ Dương là Bác sĩ Quân Y ở Viện 103 và khi bé Thuỳ Dương chào đời thì anh đang nhận nhiệm vụ ở đảo Thuyền Chài trên Quần đảo Trường Sa. Câu chuyện về sự ra đời của bé Thuỳ Dương đã được mẹ của bé- Trung úy Nguyễn Chung Thủy ở Cục cứu hộ, cứu nạn Bộ Quốc phòng kể lại trong bài thi tham dự cuộc thi: "Vào một ngày đầu năm 2005, tôi chuyển dạ sinh con gái đầu lòng cũng là lúc chồng tôi rời đất liền từ cảng Cam Ranh ra đảo Thuyền Chài làm nghĩa vụ người lính đảo. Chồng tôi lên đường với lời chúc vợ ở nhà mẹ tròn con vuông. Khi người hộ lý vế cháu lại cho tôi vào hỏi "Bố cháu đâu mà không đón con". Lúc đó, tôi bắt gặp ánh mắt dò xét và thương hại. Nhưng họ đâu có biết rằng tôi đang rất hạnh phúc vì lần đầu tiên làm mẹ và điều quan trọng nhất là hai mẹ con tôi đều khỏe mạnh để chồng tôi yên tâm hoàn thành nhiệm vụ của người lính đảo bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam thân yêu". Bài viết của chị Nguyễn Chung Thủy đã được Ban Giám khảo trao giải Khuyến khích. Nhìn bé Thuỳ Dương ríu rít trò chuyện trong vòng tay bố và mẹ, ai cũng cảm thấy niềm hạnh phúc mà họ đang có thật tròn đầy.

Niềm vui của gia đình bé Nguyễn Thùy Dương

Với Lê Thị Vân Anh, hiện đang học lớp 9 trường PTTH Quảng Hòa, Quảng Xương, Thanh Hóa và em được Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng trao giải. Chặng đường hơn 300 km từ Thanh Hoá tới Quảng Ninh dường như quá sức đối với cô bé 14 tuổi gầy yếu như Vân Anh. Dù có mẹ giúp sức, nhưng em vẫn bị lả đi vì say xe ô-tô. Dù thế, em vẫn rất vui vì được tham gia vào cuộc thi bổ ích này: "Thông qua cuộc thi này em tăng thêm vốn hiểu biết về biển, đảo VN và yêu quí biển, đảo VN hơn".

Người cao tuổi nhất có mặt tại lễ trao giải là ông Nguyễn Xuân Cầu, ở khu Chùa Hạ, thị trấn Hương Canh (huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc). Năm nay 78 tuổi, về Quảng Ninh nhận giải Khuyến khích của cuộc thi lần này với ông Cầu là chuyến đi khá đặc biệt, bởi ông được về lại nơi ông từng công tác vài chục năm liền: "Khi chúng tôi công tác ở đó được Bác Hồ ra thăm biển đảo vài lần và giao nhiệm vụ trực tiếp cho đơn vị. Bác nói là "trước kia ta chỉ có rừng và đêm, nay ta đã có ngày, có biển, có trời. Biển nước ta giàu và rộng, dài và đẹp, Vị trí biển rất quan trọng. Các chú phải làm nhiệm vụ bảo vệ lấy biển"

Bài dự thi của bác Nguyễn Xuân Cầu

Trong bài thi của mình, ông Cầu đã kể lại những kỷ niệm gắn bó sâu đậm với biển, đảo Quảng Ninh. Tình yêu với biển đảo của ông cũng đã được truyền cho các con. Các con trai, gái và dâu rể của ông nhiều người cũng ở trong lực lượng bộ đội biên phòng, gắn bó với biển, đảo.

Còn với ông Nguyễn Xuân Tuynh hiện đang sống ở thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, chặng đường đi nhận giải từ thành phố biển tươi đẹp quê hương ông đến Quảng Ninh khá đặc biệt. Bởi ông đi đúng vào dịp cơn bão số 9 (tên gọi quốc tế là Ketsana) ập vào tàn phá các tỉnh Miền Trung và Tây Nguyên nước ta. Bão làm sập cầu, tắc đường ở Quảng Ngãi. Con tàu cùng hàng trăm hành khách như ông Tuynh đã bị nằm lại ở đó 3 ngày, 3 đêm, không điện, không nước. Cuối cùng, ngành đường sắt đã khắc phục bằng cách là tăng bo và cuối cùng con tàu SE4 lại ra đến HN kịp để ông Tuynh nhận giải thưởng Khuyến khích của cuộc thi. Ông Xuân Tuynh cho biết về bài viết dự giải của ông: Tôi viết bài bút ký Người con của đảo viết về một tấm gương của một anh bộ đội, gốc Hà Nội, sau đó theo gia đình sống ở đó và tình nguyện đi ra đảo Bích Đầm- Nha Trang,ở với dân, giúp dân xây dựng trường học, giúp dân khai thác các ngành nghề để thay đổi cuộc sống. 10 năm liên tục sống và chiến đấu ở đảo được nhân dân ở đó tin yêu gọi là người con của đảo.

Bà Trần Thị Hạnh cán bộ văn hóa nghỉ hưu, ở phường Hòa Bình, TP Biên Hòa, Đồng Nai năm nay 54 tuổi đến Quảng Ninh nhận giải cùng hai chị gái. Trong bài viết dự thi, bà Hạnh đã viết những hiểu biết và những kỷ niệm của bà về đảo Phú Quốc- hòn đảo bà đã ra đó thực tập 2 tháng thời sinh viên và tham gia xây dựng nhà sách đầu tiên ở đó.

Là một trong ba người đoạt giải Nhất của cuộc thi, Thượng úy Nông Thị Thu Hiền, dân tộc Tày, hiện công tác tại Phòng kỹ thuật nghiệp vụ 2, Công an tỉnh Thái Nguyên đã gây ấn tượng với Ban giám khảo với một bài thi dày gần 200. Ngoài phần bài viết tay, cô sĩ quan thuộc thế hệ 8x này còn có nhiều bài viết phụ đề ảnh, giới thiệu về những danh lam, thắng cảnh biển đảo nổi tiếng của VN, khai thác từ nhiều nguồn khác nhau: Em có một suy nghĩ rất đơn giản là biển của VN chúng ta rất giàu và đẹp, trong đó có chứa đựng  nguồn tài nguyên phong phú và đa dạng. Đến với cuộc thi này, em mong muốn đem những kiến thức của mình để nói về tiềm năng biển, đảo, giới thiệu những cảnh quan và nét giàu đẹp của biển VN đến với các bạn bè trên thế giới- Thu Hiền nói.

Bài viết của Trung tá Nguyễn Thị Tâm Bắc ở Cục Dân quân tự vệ (Bộ Tổng tham mưu Bộ Quốc phòng) cũng được trao giải Nhất của cuộc thi dày hơn 300 trang. Ngoài bài viết có cái tên lấy lại tên bài hát "Đất nước nơi bờ sóng" dưới 2.000 từ theo đúng qui định của Ban tổ chức, bài viết dự thi của chị còn có 4 phụ lục, tập hợp những văn bản cơ sở pháp lý về biển đảo VN; giới thiệu về hệ thống biển đảo Việt Nam; tiềm năng của biển đảo VN; sưu tầm 200 bức ảnh và 100 ca khúc hát về biển, đảo VN: Cuộc thi này đã rất thu hút tôi cũng như các đồng nghiệp ở nơi tôi công tác. Đây cũng là cơ hội để tôi tự sưu tầm những nguồn tư liệu cơ bản, nạp vào kho tư liệu riêng cho bản thân, phục vụ cho công tác biên tập của mình.

150.000 lượt người tham dự thi trắc nghiệm về biển, đảo Việt Nam trong 17 tuần, tính trung bình mỗi tuần có gần 1 vạn người tham dự. Gần 125.000 bài tham gia dự thi cuộc thi này theo hình thức thi viết. Đó là những con số ấn tượng của cuộc thi được triển khai trong 5 tháng. Nhưng ấn tượng sâu sắc hơn, đó là các bài dự thi được thực hiện rất công phu, nghiêm túc; là tấm lòng thiết tha yêu mến biển, đảo quê hương và những việc làm thiết thực của rất nhiều người để làm giàu đẹp thêm biển, đảo Việt Nam./.

- Mai Hồng
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất