Thứ Bảy, 23/11/2024
Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống
Thứ Tư, 10/4/2019 8:54'(GMT+7)

Cơ cấu cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn tại Việt Nam: Thực trạng và những vấn đề đặt ra

Cán bộ cơ sở giải quyết thủ tục hành chính cho người dân

Cán bộ cơ sở giải quyết thủ tục hành chính cho người dân

Thực trạng về cơ cấu đội ngũ cán bộ cơ sở hiện nay

Hiện nay, cán bộ, công chức cơ sở nước ta có số lượng khá lớn trong tổng số cán bộ của hệ thống chính trị, đóng vai trò nòng cốt trong bộ máy nhà nước. Đây là đội ngũ cán bộ trực tiếp triển khai thực hiện các đường lối, chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với nhân dân, đồng thời tổ chức tuyên truyền, vận động và tổ chức thực hiện đường lối, chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước tại cơ sở. Đội ngũ này có vai trò quan trọng mang ý nghĩa quyết định đối với chất lượng và hiệu quả các chủ trương, đường lối, chính sách được triển khai, là yếu tố góp phần quan trọng vào những thành công trong sự nghiệp đổi mới, đồng thời góp phần vào đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước.

Theo thống kê, đến cuối năm 2015, nước ta có khoảng 11.200 đơn vị hành chính cấp xã, trong đó bao gồm gần 1.600 phường, gần 600 thị trấn và hơn 9.000 xã, với trên 230.000 cán bộ, công chức. Ngoài ra, còn khoảng 320.000 cán bộ không chuyên trách cơ sở. Về tỉ lệ cán bộ, công chức, có 49,6% trong tổng số là cán bộ và 50,4% là công chức. Trong toàn bộ đội ngũ cán bộ, công chức cơ sở toàn quốc, tỉ lệ cán bộ, công chức là đảng viên khá cao, ước tính chiếm tỷ lệ 85%. Các tỉnh, thành phố có tỉ lệ cán bộ là đảng viên tương đối cao, chiếm từ 90% đến 95% gồm: Kon Tum, Hải Phòng, Quảng Bình, Hải Dương, An Giang, Hưng Yên, Thái Bình, Bến Tre, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Bắc Ninh, Cà Mau, Trà Vinh, Nam Định. Bên cạnh những tỉnh, thành phố có số lượng đảng viên cao, một số tỉnh, thành phố có tỉ lệ cán bộ là đảng viên được xem là thấp hơn so với trung bình chung toàn quốc, chỉ từ 70% đến 80% bao gồm (sắp xếp theo thứ tự từ thấp đến cao): Lào Cai, Thành phố Hồ Chí Minh, Cao Bằng, Lai Châu, Bình Thuận, Bình Phước, Ninh Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu.

Liên quan đến cơ cấu cán bộ phân theo thành phần dân tộc, kết quả cho thấy có 20,5% cán bộ cơ sở là người dân tộc thiểu số. Sự phân bố giữa các tỉnh không đồng đều do đặc thù địa phương. Một số tỉnh, do đặc thù địa bàn tập trung nhiều người dân tộc thiểu số nên tỉ lệ cán bộ là người dân tộc thiểu số chiếm khá cao. Một số tỉnh, thành phố có hơn 80% cán bộ cơ sở là người dân tộc thiểu số, như Hoà Bình, Lai Châu, Điện Biên, Hà Giang, Sơn La, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Cao Bằng. Trong đó, các tỉnh Lạng Sơn, Bắc Kạn, Cao Bằng có tỉ lệ cán bộ cơ sở là người dân tộc thiểu số chiếm trên 90%. 

Về đặc điểm tôn giáo, số cán bộ cơ sở là người theo một tôn giáo cụ thể không cao, chiếm khoảng 2,9%. Về cơ bản, đa số tỉnh, thành phố có tỉ lệ cán bộ cơ sở có theo tôn giáo chiếm dưới 3%. Một số địa phương có tỉ lệ cán bộ có theo tôn giáo ở mức cao hơn do đặc thù địa phương có đông người dân theo đạo. 

Như vậy, đội ngũ cán bộ cơ sở chiếm một lực lượng rất đông đảo, đang trực tiếp làm việc với nhân dân, đem chính sách, quan điểm, đường lối của Đảng và Nhà nước triển khai tại địa bàn cơ sở. Do vậy, trình độ, chất lượng, năng lực của đội ngũ cán bộ cần phải đạt chuẩn và đáp ứng nhu cầu thực tiễn đặt ra, đặc biệt trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước cũng như trên ngưỡng cửa của cuộc cách mạng công nghệ lần thứ tư hiện nay.

Một số vấn đề đặt ra về cơ cấu đội ngũ cán bộ cơ sở

Về trình độ học vấn, nếu tính mặt bằng chung toàn quốc, trình độ học vấn của cán bộ cơ sở không phải là thấp. Tuy nhiên còn tồn tại thực trạng không đồng đều giữa các địa phương, giữa các thành phố lớn và các tỉnh vùng sâu, vùng xa. Kết quả thống kê của Bộ Nội vụ cho thấy, trên bình diện cả nước có 88% cán bộ cơ sở có trình độ từ trung học phổ thông trở lên. Đối với trình độ từ đại học trở lên, có hơn 38% cán bộ cơ sở đạt được trình độ này. Trình độ học vấn của cán bộ cơ sở tại các thành phố lớn thường đồng đều và cao hơn so với các tỉnh vùng sâu, vùng xa. Đà Nẵng là một thành phố đáng chú ý với 100% cán bộ cơ sở có trình độ từ trung học phổ thông trở lên, tiếp đến là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh cũng gần đạt được ngưỡng này. Ngược lại, tỉ lệ cán bộ chưa đạt trình độ trung học phổ thông tập trung cao nhất ở Điện Biên (51,98%), Lai Châu (46,12%).

Về số lượng cán bộ có trình độ từ đại học trở lên, các thành phố lớn là nơi có tỉ lệ cán bộ cấp xã đạt trình độ từ đại học trở lên cao nhất như, Hà Nội (69%), Bình Dương (66%), Đà Nẵng (66%), Thành phố Hồ Chí Minh (65,8%). Các địa phương có tỉ lệ cán bộ cơ sở có trình độ từ đại học trở lên thấp nhất chủ yếu tập trung ở những tỉnh vùng sâu, vùng xa, như Điện Biên (11,4%), Hòa Bình (16,4%), Đắc Lắc (18,7%). Ngoài ra, tỉnh Vĩnh Phúc là tỉnh khá gần với Hà Nội, tuy nhiên cũng thuộc nhóm các địa phương có tỉ lệ cán bộ có trình độ đại học trở lên dưới 20%. Trình độ học vấn không phải là yếu tố duy nhất hay yếu tố mang tính quyết định, nhưng không phủ nhận việc có được trình độ học vấn cao sẽ giúp cán bộ có được sự hiểu biết toàn diện và có khả năng phân tích, nhìn nhận vấn đề đa chiều cạnh hơn, đồng thời có thể vận dụng tốt hơn trong quá trình quản lý, điều hành và làm việc trực tiếp với người dân địa phương, tạo được uy tín trong đội ngũ cán bộ cũng như tại địa phương.

Trình độ lý luận và quản lý nhà nước: Thống kê của Bộ Nội vụ vào tháng 12- 2015 cho thấy, hơn 50% cán bộ có trình độ trung cấp chính trị và đây cũng là trình độ lý luận phổ biến nhất của cán bộ cơ sở. Trình độ cao cấp hoặc cử nhân chính trị chiếm tỉ lệ không đáng kể (4%). Ngoài ra, có 20% cán bộ đạt trình độ sơ cấp và 22% cán bộ chưa qua đào tạo/chưa có các xác nhận về các trình độ lý luận chính trị.

Về trình độ quản lý, tính chung cả nước chỉ có 17% cán bộ cơ sở đã qua đào tạo và được cấp chứng chỉ chuyên viên/chuyên viên chính hoặc tương đương, trong đó trình độ chuyên viên chính là rất thấp (dưới 0,5%) còn lại là chuyên viên hoặc tương đương. Điều này cũng đồng nghĩa với việc một tỉ lệ đáng kể, hơn 80% cán bộ, công chức cơ sở chưa qua đào tạo chuyên viên/ chuyên viên chính. 

Có một thực tế là, tỉ lệ trung bình được đào tạo chuyên viên/chuyên viên chính hoặc tương đương ở đội ngũ cán bộ sơ sở là rất thấp, nhưng lại không đồng đều giữa các tỉnh/thành phố khác nhau, trong khi vai trò, nhiệm vụ cần thực hiện của cán bộ, công chức không có sự phân biệt lớn giữa các địa phương. Các tỉnh có số cán bộ được trang bị kiến thức quản lý nhà nước (chuyên viên/chuyên viên chính) thấp và thấp nhất trong số 63 tỉnh/thành phố bao gồm: Bắc Kạn (0%), Gia Lai (0,09%), Tiền Giang (0,18%), Hải Phòng (0,5%). Bên cạnh đó, một số tỉnh, thành phố có tới trên 50% cán bộ xã đã được trang bị kiến thức quản lý nhà nước (chuyên viên/chuyên viên chính), nhóm các địa phương có tỉ lệ cao nhất bao gồm: Quảng Ninh (75%), Nam Định (68,36%), Đà Nẵng (60,2%), Thái Nguyên (60%), Phú Yên (52,9%), Hà Nội (52,4%), Bà Rịa - Vũng Tàu (51%).

Cơ cấu tuổi và giới tính của đội ngũ cán bộ: Phân tích cơ cấu đội ngũ cán bộ, công chức cơ sở theo đặc điểm giới tính, cho thấy khá rõ thực trạng mất cân bằng về giới tính. Trên bình diện chung toàn quốc, trong hơn 230.000 cán bộ, công chức cơ sở trên toàn quốc thì tỉ lệ cán bộ là nữ chỉ chiếm khoảng gần 26% trong tổng số cán bộ. Như vậy 3/4 cán bộ công chức cơ sở là nam giới. Thực tế tại 63 tỉnh, thành phố trên toàn quốc, tỉ lệ cán bộ, công chức nữ cấp cơ sở đều thấp hơn đáng kể so với nam giới. Tuy nhiên, ở một số địa phương, tỉ lệ cán bộ nữ cấp cơ sở rất thấp. Những tỉnh, thành phố có tỉ lệ cán bộ nữ chiếm dưới 1/5 tổng số cán bộ là: Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Nam Định, Sơn La, Thái Bình, Hưng Yên, Cà Mau, Hậu Giang, Hải Dương, Hà Nam, Hòa Bình. Cá biệt tỉnh Bến Tre, cán bộ là nữ chỉ chiếm tỉ lệ gần 3%.

Về cơ cấu tuổi: Cơ cấu tuổi của cán bộ, công chức địa phương nếu đạt được sự cân bằng giữa các khoảng tuổi thì đó là một trong những yếu tố tích cực hướng tới vận hành bộ máy chính quyền cơ sở đạt được hiệu quả cao và có tính bền vững. Phân tích tổng hợp hơn 230.000 cán bộ, công chức cơ sở trên toàn quốc, kết quả cho thấy cấu trúc độ tuổi tương đối hợp lý và lý tưởng để phát triển đội ngũ cán bộ kế cận. Độ tuổi trung niên và sung sức nhất (30 tuổi - 40 tuổi) cũng chính là độ tuổi có tỉ lệ cán bộ cao nhất: chiếm 35%; độ tuổi từ 41 - 50 chiếm 27%; độ tuổi cao nhất - từ 50 tuổi trở lên chỉ chiếm 19% và ngang bằng với tỉ lệ cán bộ ở độ tuổi dưới 30 tuổi.

Mặc dù cơ cấu độ tuổi cán bộ trung bình toàn quốc là lý tưởng, nhưng vẫn tồn tại sự mất cân bằng, hay nói cách khác là “già hóa” cán bộ ở một số địa phương. Một số tỉnh, thành phố có trên 25% cán bộ, công chức có độ tuổi từ 50 tuổi trở lên: Hòa Bình, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Nghệ An, Bắc Kạn, Tiền Giang, Thái Bình, Thái Nguyên, Bắc Ninh, Hải Dương, Hà Nam, Vĩnh Phúc. Mức độ “già hóa” có lẽ ở mức đáng báo động nhất là tỉnh Vĩnh Phúc, với ước tính 64% tổng số cán bộ sơ sở có độ tuổi trên 50 tuổi. Ngoài ra, Vĩnh Phúc cũng là tỉnh có tỉ lệ cán bộ trẻ dưới 30 tuổi rất thấp (6,4%), còn lại đa phần là ở độ tuổi tương đối cao (41 tuổi - 50 tuổi). Điều này đồng nghĩa với thực trạng nếu như tỉnh Vĩnh Phúc không có chiến lược bổ sung đội ngũ cán bộ kịp thời sẽ dễ tạo ra lỗ hổng về đội ngũ cán bộ cơ sở trong thời gian nhất định.

Như vậy, về số lượng, đội ngũ cán bộ cơ sở của 63 tỉnh, thành trên toàn quốc chiếm một lực lượng đông đảo và đáng kể trong bộ máy chính quyền. Bên cạnh đó, họ đã đạt được những tiêu chí nhất định về chất lượng nguồn lực, bao gồm trình độ học vấn, trình độ lý luận chính trị, quản lý nhà nước. Tuy nhiên cũng tồn tại thực trạng chênh lệch về cả 3 tiêu chí nói trên trong đội ngũ cán bộ cấp cơ sở, đặc biệt là trình độ học vấn, lý luận chính trị và quản lý nhà nước còn nhiều hạn chế ở vùng sâu, vùng xa hay ở một số tỉnh có số lượng cán bộ cao tuổi chiếm một tỉ lệ đáng kể. Bên cạnh tình trạng mất cân bằng về giới tính nói chung trong đội ngũ cán bộ, trong đó mất cân bằng đáng chú ý ở một số địa phương thì cũng còn nhiều tỉnh, thành phố rơi vào tình trạng mất cân bằng về cơ cấu tuổi của đội ngũ cán bộ cơ sở: đội ngũ cán bộ thuộc nhóm tuổi cao còn chiếm tỉ trọng lớn, dễ dẫn đến mất cân bằng và thiếu hụt đội ngũ cán bộ kế cận trong tương lai.

Một số đề xuất 

Nhằm bảo đảm duy trì đội ngũ cán bộ, công chức cơ sở đủ về số lượng và từng bước nâng cao chất lượng, thu hẹp sự mất cân bằng về giới tính và độ tuổi tại một số địa phương, mỗi một tỉnh, thành phố cần dựa trên điểm mạnh, hạn chế của đội ngũ cán bộ địa phương để xây dựng chiến lược phát triển đội ngũ cán bộ, công chức cơ sở trong vòng 15 năm - 20 năm tới, trong đó chú trọng một số nội dung sau:

Thứ nhất, cần có chiến lược đào tạo và đào tạo lại trình độ cho đội ngũ cán bộ, công chức hiện tại tại các tỉnh, thành phố còn hạn chế về trình độ học vấn, trình độ lý luận chính trị, quản lý nhà nước. Các địa phương cần xác định rõ mục tiêu, phương pháp thực hiện phù hợp; những tiêu chuẩn chuẩn hóa đối với từng vị trí, chức năng, nhiệm vụ của cán bộ tại địa phương; những nguồn lực hỗ trợ cần thiết để thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ cơ sở. Bên cạnh nguồn lực tại chỗ thì các tỉnh có đặc thù đội ngũ cán bộ hạn chế về trình độ học vấn, lý luận chính trị, quản lý nhà nước rất cần có sự hỗ trợ của Trung ương, cả về chủ trương và nguồn lực nhằm đạt được hiệu quả nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tiến tới nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc tại cấp cơ sở.

Thứ hai, đối với công tác tuyển dụng cán bộ cơ sở tại các tỉnh, thành phố, cần tính đến và cân nhắc, xem xét đặc thù cơ cấu tuổi của đội ngũ cán bộ hiện tại nhằm xây dựng kế hoạch bổ sung lực lượng đội ngũ cán bộ tương lai trong 10 năm - 20 năm tiếp theo. Đối với các tỉnh, thành phố có trên 30% cán bộ, công chức từ 50 tuổi trở lên cần nhanh chóng lên phương án bổ sung công tác cán bộ trong giai đoạn trước mắt, tránh tình trạng tạo ra nhiều lỗ hổng về cán bộ hoặc tuyển dụng ồ ạt không bảo đảm chất lượng.

Thứ ba, chú trọng đến yếu tố cân bằng giới trong công tác cán bộ, đồng thời dần xoá bỏ định kiến giới trong công tác tuyển dụng, bố trí cán bộ. Cần có chính sách ưu tiên tuyển dụng nữ giới vào các vị trí cán bộ cơ sở tại các tỉnh, thành phố đang mất cân đối lớn về nam và nữ trong đội ngũ cán bộ.

Thứ tư, chú trọng đến chất lượng đội ngũ cán bộ mới tuyển dụng vào vị trí cán bộ cơ sở, đồng thời có kế hoạch đào tạo nguồn cán bộ bảo đảm ở tất cả các phương diện: trình độ, năng lực chuyên môn, trình độ lý luận, quản lý nhà nước, kinh nghiệm điều hành, quản lý, giải quyết, triển khai các công việc tại cơ sở./.

Nguyễn Hồng Sơn(*), Đặng Thị Ánh Tuyết(**), Dương Thị Thu Hương(***)

(*) Chánh văn phòng Hội đồng Lý luận Trung ương, (**) Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, (***) Học viện Báo chí Tuyên truyền

Nguồn: Tạp chí Cộng sản

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất