(TCTG) - Có một thực tế không thể phủ nhận là mức độ cơ giới hóa nông nghiệp của nước ta rất thấp, trang bị động lực bình quân mới đạt 0,57 mã lực/ha đất canh tác, trong đó máy tự chế không qua đăng kiểm chiếm tới 10%". Điều này khiến chi phí sản xuất nông nghiệp bị đẩy lên cao, năng suất lao động thấp, chất lượng sản phẩm không ổn định, độ bền kém...
Thời gian qua, trong điều kiện kinh tế nước ta có những bước phát triển mạnh mẽ thì nền nông nghiệp vẫn chưa thực sự “bắt kịp” với xu thế chung. Để “thoát khỏi” nền nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ, bên cạnh việc chuyển đổi cơ cấu sản xuất, hình thành các vùng chuyên canh lớn thì việc thực hiện cơ giới hoá cũng rất cấp thiết, trong đó không thể không nói đến vai trò của doanh nghiệp.
Hiện nay cả nước có khoảng hơn 115.000 trang trại, hơn 7.000 hợp tác xã nông, lâm nghiệp, thuỷ sản. Trong khoảng 2.000 làng nghề có hơn 1,5 triệu hộ nông dân sản xuất ngành nghề, 40% sản phẩm từ ngành nghề của nông dân được xuất khẩu trên thị trường 100 nước. Có thể nói, nông nghiệp nước ta có bước phát triển khá toàn diện, lực lượng sản xuất phát triển nhanh trên nhiều mặt. Sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp duy trì được mức độ tăng trưởng hàng năm khoảng 3,7%, giá trị tổng sản lượng tăng bình quân 5,2%/năm. Cơ cấu sản xuất, lao động nông, lâm, thuỷ sản có bước chuyển dịch tích cực theo hướng tăng năng suất, chất lượng và tăng tỷ trọng hàng hoá, tăng hiệu quả kinh tế gắn với nhu cầu thị trường.
Tuy nhiên, theo ông Đoàn Xuân Hòa, Phó cục trưởng Cục Chế biến nông - lâm sản và Nghề muối (Bộ NN và PTNT) thì có một thực tế không thể phủ nhận là mức độ cơ giới hóa nông nghiệp của nước ta rất thấp, trang bị động lực bình quân mới đạt 0,57 mã lực/ha đất canh tác, trong đó máy tự chế không qua đăng kiểm chiếm tới 10%". Điều này khiến chi phí sản xuất nông nghiệp bị đẩy lên cao, năng suất lao động thấp, chất lượng sản phẩm không ổn định, độ bền kém; trang thiết bị, công nghệ đa phần lạc hậu, thô sơ... Bên cạnh đó, mặc dù cả nước hiện có khoảng 1.300 doanh nghiệp, cơ sở chuyên sản xuất, kinh doanh các loại máy kéo, máy nông nghiệp và thiết bị cơ khí phục vụ nông nghiệp; 1.218 cơ sở chuyên sửa chữa, bảo dưỡng bảo hành máy móc, thiết bị cơ khí, nhưng nhìn chung vẫn chưa thể đáp ứng được nhu cầu. Cụ thể: người nuôi tôm mỗi năm cần khoảng 70.000 máy nổ các loại có động cơ 6 - 10 mã lực, trong khi năng lực sản xuất của các doanh nghiệp trong nước chỉ đạt khoảng 25.000 máy. Trong số 45.000 máy phải nhập thì đa phần của Trung Quốc hoặc máy đã qua sử dụng của Nhật Bản, Hàn Quốc... Do thiếu máy móc hỗ trợ nên sự thiệt hại do thất thoát trong và theo thu hoạch nông sản lên đến hàng trăm tỷ đồng/năm. Ngoài ra, nguồn vốn của doanh nghiệp đầu tư phát triển thiếu, chưa có chiến lược thị trường thực sự hiệu quả, trình độ quản trị doanh nghiệp thấp… cũng là một nguyên nhân quan trọng dẫn đến thực trạng trên.
Một nguyên nhân nữa khiến việc cơ giới hóa còn diễn ra chậm là do quá trình đưa máy vào đồng ruộng còn gặp trở ngại từ chính người nông dân. Anh Nguyễn Đức Toàn - Phòng Thị trường - Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM) cho biết: Trình độ áp dụng khoa học công nghệ của bà con còn yếu, nhỏ lẻ, phân tán; tâm lý ngại tiếp cận cái mới khiến máy nông nghiệp khó tiêu thụ. Và mặc dù, chúng tôi thường xuyên mang các loại máy nông nghiệp đi giới thiệu tại các địa phương nhưng phần lớn bà con chỉ tới xem mà không mua…
Trước tình hình đó, một số doanh nghiệp đã phối kết hợp với các địa phương bán máy nông nghiệp cho nông dân với giá mua ưu đãi, thậm chí có tỉnh còn hỗ trợ lãi suất cho bà con nông dân. Thực tế đến nay, một số tỉnh triển khai tốt hình thức này như Nghệ An, Hà Tĩnh, Bắc Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Tiền Giang... Điển hình như VEAM, ngay từ năm 2005 đã phối hợp với Hội Nông dân 36 tỉnh, thành phố triển khai chương trình hỗ trợ nông dân vay vốn mua máy nông nghiệp trả chậm. Tại tỉnh Nghệ An, các hộ nông dân trên địa bàn tỉnh được vay vốn tại Ngân hàng NN và PTNT theo quy chế cho vay hiện hành để mua máy cơ khí phục vụ sản xuất nông nghiệp với mức vay bằng 70 – 80% giá trị máy, thời hạn trả tối đa là 36 tháng và được hỗ trợ 100% lãi suất. Bên cạnh đó, VEAM còn tổ chức nhiều lớp tập huấn sử dụng, bảo dưỡng máy móc cho người nông dân, để họ có thể sử dụng với hiệu quả cao nhất.
Còn về các biện pháp để thúc đẩy việc cơ giới hóa nông nghiệp, theo nhiều chuyên gia kinh tế, về phía doanh nghiệp, cần chủ động đưa ra các sản phẩm có mẫu mã, giá cả phù hợp với thị trường. Tăng cường năng lực sản xuất, đáp ứng nhu cầu, không để việc sản phẩm ngoại nhập lấn át. Còn khách quan, Nhà nước cần có chính sách cho doanh nghiệp vừa và nhỏ vay vốn, đầu tư chế tạo máy nông nghiệp, chế tạo và cung cấp phụ tùng phù hợp với yêu cầu của người sử dụng. Nên thành lập tập đoàn sản xuất máy nông nghiệp (Nhà nước đóng vai trò chi phối) để tập trung nguồn lực đang phân tán của các ngành (công nghiệp, nông nghiệp và phát triển nông thôn) nhằm đủ điều kiện sản xuất máy móc, máy động lực và các nguồn năng lực khác phục vụ nông nghiệp và nông thôn.
Nhật Minh-Quỳnh Chi