Trong những năm gần đây, nhiều người cho rằng: Tình nghĩa thầy trò không được như xưa! Có đúng vậy không? Vì sao vậy?
Dân tộc ta tự ngàn xưa rất tự hào với truyền thống “Tôn sư, trọng đạo”. Trọng đạo học và tôn vinh người thầy là một trong 3 mối quan hệ cơ bản: Vua tôi, thầy trò, cha con.
Không chỉ thầy dạy chữ, mà thầy dạy nghề cũng được tôn trọng, quý mến hết lòng. Một năm có 3 ngày Tết đầu năm, thì đã có một ngày tết thầy.
Tết thầy không chỉ có những học trò đang học, mà cả những bậc tóc bạc răng long cũng tìm đến thầy xưa để thăm hỏi tri ân. Những tình cảm ấy hết sức trong sáng, cứ tự nhiên như lẽ sống thường ngày mà ở bất cứ nơi nào trên đất nước ta cũng đều như vậy.
Thế nhưng trong những năm gần đây, nhiều người cho rằng:
Tình nghĩa thầy trò không được như xưa! Nhiều vụ việc, nhiều biểu hiện học trò thiếu tôn trọng thầy giáo xảy ra khá thường xuyên, thậm chí có trường hợp học trò hành hung thầy giáo.
Đấy là một thực tế đang đặt ra câu hỏi đối với cả ba phía: Gia đình, nhà trường và xã hội.
Phải chăng quan hệ thầy trò giờ đây được xây dựng trên quan hệ “thuận mua vừa bán”? Phải chăng “kinh tế thị trường” đang làm biến dạng quan hệ truyền thống tốt đẹp ngàn đời để lại? Những chuyện “xin điểm”, “mua điểm” diễn ra khá phổ biến từ cấp tiểu học đến đại học, dẫu đã “dấy lên phong trào” nói không với tiêu cực, nhưng sự chuyển biến còn chưa tạo được niềm tin trong xã hội.
Từ tiền đến tình, xã hội đã hết sức bất bình trước sự kiện thầy giáo “gạ tình”, thậm chí đối với cả những học trò còn tuổi ấu thơ… Học thêm dù với cam kết tự nguyện của cha mẹ học sinh thì vẫn là căn bệnh kinh niên “sợ thầy mà học”! Ngày 20/11 biết bao cha mẹ cùng hàng đoàn học sinh tiếp nối nhau đến nhà thầy, nhưng đâu chỉ với những bông hoa. "Tình nghĩa" đã được cân đo với độ dày mỏng, nặng nhẹ của những chiếc phong bì đã không còn chuyện lạ!….
Dựa trên những điều mắt thấy tai nghe, nhiều người kết luận: Tình nghĩa thầy trò bây giờ không được như xưa!
Nhưng nếu nhìn lên những vùng cao biên giới, hình ảnh người thầy, người cô vượt thác, băng rừng cõng từng con chữ đến với trẻ em các dân tộc thật đẹp biết bao!.Và đây nữa, trên đường phố, trong trại mồ côi, dưới xóm chài kham khổ đang sáng lên những gương mặt thầy cô tình nguyện tự bỏ tiền túi ra, mua sách bút cho những đứa trẻ lang thang cơ nhỡ đến với lớp tình thương. Có thể còn rất nhiều, nhiều gương các thầy giáo cô giáo phụ đạo, bồi dưỡng hàng năm, hàng chục năm cho học sinh mình mà không đòi hỏi thù lao…
Ngay cả trong đội ngũ đông đảo giáo viên phổ thông, đại học cũng không ít tấm gương đã để lại trong lòng học trò mình những ký ức sáng mãi; bởi như một học sinh nhân dịp ngày 20/11 năm trước đã lý giải:
Vì cô không chỉ là một người thầy tận tụy, cô còn là một người mẹ yêu thương, một người bạn để tâm tình.
Vì cô không chỉ truyền đạt kiến thức, ngôn ngữ, cô còn dạy cách làm người, cách sống, cách yêu.
Vì cô không chỉ là “người lái đò”, cô còn dẫn bước vào đời và luôn dõi theo từng bước đi của con.
Vì tất cả những điều tốt đẹp cô dành cho con, con chỉ biết nói rằng: Con yêu cô và sẽ sống tốt như cô.
Vậy thì có phải bây giờ TÌNH NGHĨA THẦY TRÒ đã không còn được như xưa?
VietNamNet