Ứng dụng chữ ký số sẽ mang lại nhiều lợi ích về mặt kinh tế và thời gian nhưng khi triển khai trong khối cơ quan Đảng và nhà nước, các vấn đề về bảo đảm an toàn thông tin và trách nhiệm pháp lý đối với văn bản lưu thông trong môi trưởng ảo, cũng khiến nhiều cơ quan đang còn e ngại.
Vấn đề này đã được rất nhiều đại biểu đến từ các cơ quan Đảng và nhà nước thắc mắc tại Hội thảo “Hiện trạng và kế hoạch thúc đẩy triển khai ứng dụng chữ ký số” do Cục Cơ yếu Chính Phủ và Bộ Thông tin và truyền thông, tổ chức vào sáng qua (22/10) tại Hà Nội.
Theo ông Đặng Đình Khả, Giám đốc Trung tâm chứng thực số Quốc gia, Bộ TT-TT, hiện nay rất nhiều bộ, ban ngành đã triển khai các dịch vụ công trực tuyến có sử dụng chữ ký số chẳng hạn như thuế điện tử, đăng ký doanh nghiệp trực tuyến,… Bên cạnh đó, các quy định mới cũng hỗ trợ rất nhiều cho lĩnh vực ứng dụng chữ ký số nhiều tiềm năng này. Hiện nay, Bộ TT-TT đã cấp 5 giấy phép cho 5 doanh nghiệp cung cấp chữ ký số ở Việt Nam.
Các doanh nghiệp đã bắt đầu xem xét và sẵn sàng đầu tư vào lĩnh vực này và đang tạo ra một ngành công nghiệp non trẻ với nhiều cơ hội lớn cho các nhà cung cấp. Tuy nhiên, điều này cũng tạo nên một sức ép về vấn đề lưu trữ thông tin chứng thực cũng như giải trình chứng từ, đặc biệt trong các cơ quan thuế.
Bên cạnh đó, các đại biểu trong cơ quan nhà nước còn quan ngại đến vấn đề bảo mật văn bản lưu thông trong môi trường điện tử. Nhiều đại biểu băn khoăn liệu các thiết bị sử dụng cho cơ sở hạ tầng triển khai chữ ký số được nhập về từ nước ngoài, có thực sự đảm bảo về mặt an ninh hay không. Tuy nhiên, vấn đề này đã được ông Nguyễn Đăng Đào, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Kỹ thuật Nghiệp vụ Mật mã - Ban Cơ yếu Chính phủ khẳng định, toàn bộ chứng thư số và chữ ký số do Cục Cơ yếu cấp phép đều được cơ quan này xây dựng nên vấn đề an ninh, an toàn luôn được đặt nên hàng đầu.
Bên cạnh đó, vấn đề trách nhiệm đối với văn bản mật cũng được Tiến sĩ Phùng Văn Ổn, Trung tâm tin học văn phòng Chính phủ đề cập tới. Ông kiến nghị rằng, liệu có cần phải có thêm những quy định rõ về trách nhiệm của những người nhận văn bản. Chẳng hạn như, đối với văn bản mật sẽ được gửi đi với một số người định danh cụ thể, số lượng cụ thể nhưng ai dám đảm bảo rằng một ai đó không sao chép và gửi tiếp cho nhiều người. Vậy trách nhiệm của những người nhận văn bản mật sẽ như thế nào vì môi trường điện tử sao chép và phát tán quá dễ dàng.
Trong khi đó, ông Vũ Duy Lợi, Giám đốc Trung tâm CNTT, Văn phòng Trung ương Đảng, lại cho rằng, chữ ký số là tập hợp nhiều ký tự nên khi áp dụng trên một văn bản khổ A4 thì các ký tự này chiếm tới 1 nửa trang A4. Vì vậy, chúng chưa thực sự tiện dụng. Đồng quan điểm với ông Ổn, ông Lợi cũng cho rằng, cần có những quy định về quản lý, sử dụng chứng thư số trong các cơ quan Đảng và nhà nước.
Hà Bùi - VnMedia