Thứ Sáu, 27/9/2024
Đời sống
Chủ Nhật, 10/8/2014 21:34'(GMT+7)

Còn nhiều khó khăn về giáo dục và y tế tại 29 huyện miền núi giáp Tây Nguyên

Theo Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, trong thời gian vừa qua công tác giáo dục – đào tạo và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân tại 29 huyện miền núi giáp Tây Nguyên đã được quan tâm đầu tư và không ngừng được cải thiện. Mặc dù vậy, các địa phương này hiện vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn trong hai lĩnh vực giáo dục và y tế, cả về cơ sở vật chất, nguồn nhân lực lẫn chất lượng phục vụ. 

Tại 29 huyện miền núi của 7 tỉnh giáp Tây Nguyên (gồm Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Phước) được hưởng chính sách như Tây Nguyên, tỷ lệ huy động học sinh dân tộc thiểu số ở cấp học Trung học phổ thông còn thấp so với quy mô dân số. Học sinh dân tộc thiểu số chiếm 44,9% ở cấp tiểu học, 39% ở Trung học cơ sở và 21,5% ở Trung học phổ thông. Quy mô và chất lượng của nhiều trường Phổ thông Dân tộc nội trú cấp huyện chưa đáp ứng được nhu cầu đào tạo nguồn cán bộ dân tộc thiểu số tại chỗ; chất lượng giáo dục ở các cấp học vẫn còn rất thấp so với các địa phương khác trong tỉnh. 

Các huyện còn thiếu trường - lớp, phòng học tạm chiếm 25,5%, nhà ở cho học sinh bán trú, nhà công vụ cho giáo viên còn thiếu trầm trọng. Đồng thời, do chưa có chính sách thích hợp để thu hút giáo viên về công tác ở vùng cao nên đội ngũ giáo viên tại các huyện vừa thiếu về số lượng, vừa yếu về chất lượng. Hiện nay, tại một số huyện như Bù Đốp, Bù Đăng (Bình Phước), Sơn Hòa (Phú Yên)… đội ngũ cán bộ, giáo viên cơ bản đáp ứng yêu cầu giảng dạy; phần lớn các xã trong huyện đạt chuẩn phổ cập giáo dục Trung học cơ sở; trong lúc đó nhiều huyện miền núi của Quảng Nam, Quảng Ngãi cả chất lượng giáo viên cũng như cơ sở vật chất trường lớp đều khó khăn, còn nhiều phòng học tạm bợ và xuống cấp. Công tác dạy nghề cũng chưa được quan tâm đúng mức, chất lượng thấp; còn 7 huyện ở Quảng Ngãi và Bình Định chưa được đầu tư xây dựng trung tâm dạy nghề. 

Trên lĩnh vực y tế, theo đánh giá của Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho công tác khám chữa bệnh ở các xã thuộc 29 huyện còn thiếu, trong đó nhiều xã thiếu trầm trọng; năng lực quản lý và trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ y tế chưa đáp ứng được yêu cầu. Nhiều huyện có trên 80% số xã chưa đạt chuẩn quốc gia về y tế, trên 50% trạm y tế chưa có bác sĩ. Đáng chú ý như huyện Nam Trà My (Quảng Nam) chỉ có 1 bác sĩ chuyên khoa I và 8 bác sĩ (trong đó 5 người là cán bộ lãnh đạo); huyện Ba Tơ (Quảng Ngãi) chỉ có 35% xã có bác sĩ. 

Nhiều địa phương cũng chưa có những biện pháp hiệu quả để tuyên truyền, tác động làm chuyển biến tập quán chăm sóc sức khỏe của đồng bào dân tộc thiểu số ở các buôn làng, nhất là chăm sóc sức khỏe sinh sản. Ngoài ra, nhiều cô đỡ ở thôn, buôn được đào tạo nhưng chưa phát huy tác dụng do thiếu chế độ phụ cấp. Tình trạng sinh đẻ tại nhà, không đưa trẻ đi tiêm chủng vẫn còn phổ biến ở nhiều nơi. 

Hiện tại khu vực các huyện miền núi giáp Tây Nguyên có 58% số huyện và 74% số xã đã hoàn thành phổ cập Trung học cơ sở, 82% số xã đã được công nhận xóa mù chữ và phổ cập tiểu học đúng độ tuổi, 49/873 trường học đạt chuẩn quốc gia. Tại mỗi huyện đều có từ 1-2 trường Trung học phổ thông; 24/26 huyện đã có trung tâm giáo dục thường xuyên, 23/26 huyện có trường Phổ thông Dân tộc nội trú, trừ 3 huyện chưa có là Tiên Phước (Quảng Nam), Tây Trà (Quảng Ngãi) và Bù Đốp (Bình Phước). 

Từ năm 2009 đến nay, từ sự đầu tư của Trung ương và các tỉnh cùng nguồn hỗ trợ của cộng đồng xã hội, hầu hết bệnh viện tuyến huyện tại 29 huyện đều đã được xây dựng và nâng cấp, có trên 230 trạm y tế với tổng số 1.200 giường. Đội ngũ cán bộ y tế các cấp được tăng cường, y tế cộng đồng phủ kín gần hết số thôn, buôn. Trên 96% số xã có nữ hộ sinh hoặc y sĩ sản nhi; số nhân viên y tế thôn, buôn đã tăng lên; phần lớn các thôn, buôn đã có cô đỡ được đào tạo bồi dưỡng theo chương trình của Bộ Y tế và Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ (Thành phố Hồ Chí Minh)./. 

TTX
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất