Thứ Sáu, 27/9/2024
Kinh tế
Thứ Ba, 8/4/2014 21:52'(GMT+7)

Công bố Báo cáo thường niên doanh nghiệp Việt Nam 2013

Ngày 8-4, tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Ngân hàng thế giới (WB) tại Việt Nam tổ chức Lễ công bố Báo cáo thường niên doanh nghiệp (DN) Việt Nam 2013 với chủ đề “Phát triển doanh nghiệp và chất lượng tăng trưởng”. Đây là tài liệu quan trọng, giúp các doanh nghiệp và các nhà hoạch định chính sách hiểu rõ về tình hình phát triển của doanh nghiệp Việt Nam qua từng năm, trên cơ sở đó, xây dựng những hướng đi thích hợp phục vụ cho việc phát triển kinh doanh ở Việt Nam.

Theo Báo cáo cho biết, các yếu tố tác động trực tiếp đến tình hình sản xuất kinh doanh năm 2013 có xu thế cải thiện rõ rệt, đạt 17 điểm, trong khi chỉ số này của năm 2012 chỉ đạt – sáu điểm. Đó là, các yếu tố về tiếp cận thị trường công nghệ, điều kiện hạ tầng giao thông và yếu tố về cấp đất, giải phóng mặt bằng mở rộng sản xuất. Đặc biệt, yếu tố về tiện ích cơ sở hạ tầng được cải thiện hơn nhiều mức doanh nghiệp dự cảm. Tuy nhiên có một số yếu tố được doanh nghiệp dự cảm sẽ tốt lên trong năm 2013 nhưng thực tế vẫn chưa được cải thiện như nhu cầu thị trường trong nước và tiếp cận vốn vay.

Dự báo kinh tế của Việt Nam năm 2014, Báo cáo khẳng định Mục tiêu tổng quát là tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; tăng trưởng hợp lý và nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế trên cơ sở đẩy mạnh thực hiện ba đột phát chiến lược gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế. Bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội, cải thiện đời sống nhân dân. Sử dụng hợp lý và có hiệu quả cải cách hành chính và phòng, chống tham nhũng, lãng phí; cải thiện môi trường kinh doanh. Bảo đảm quốc phòng và an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Mở rộng và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế.

Các chỉ tiêu kinh tế chủ yếu là:

- Tổng sản phẩm trong nước GDP tăng khoảng 5,8%

- Kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 10%

- Tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu khoảng 6%

- Tốc độ tăng giá tiêu dùng CPI khoảng 7%

- Tổng số vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 30% GDP

- Tạo việc làm cho khoảng 1,6 triệu lao động

- Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%

- Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 52%.

Từ đó, báo cáo cũng đưa ra một số khuyến nghị. Đó là: cần thiết lập cơ cấu kinh tế ngành, vùng phù hợp, phục vụ mục tiêu hiệu quả kinh doanh và phát triển lợi thế cạnh tranh của từng địa phương và của quốc gia. Để làm được việc này, các trọng tâm về tái cơ cấu các tổ chức tín dụng mà Chính phủ đang theo đuổi phải được thực hiện đồng bộ và nhất quán, với các định hướng như: Tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu DN nhà nước, tái cơ cấu các tổ chức tín dụng. Bên cạnh đó, xây dựng các thể chế để khuyến khích và định hướng đầu tư theo tín hiệu của thị trường, bằng cách đa dạng hóa xuất khẩu, mở rộng thị trường nội địa, hình thành chuỗi cung ứng, tạo lập thị trường cạnh tranh…

Ngoài ra, cần tăng hàm lượng khoa học công nghệ và tỷ trọng giá trị nội địa trong sản phẩm thông qua đầu tư đổi mới công nghệ, chuyển giao kiến thức, thu hút FDI… Lựa chọn một số ngành có lợi thế cạnh tranh để ưu tiên phát triển, tập trung phát triển một số DN có hiệu quả kinh doanh, có quy mô từ cỡ trung bình trở lên.

Về phía DN, cần quan tâm và thường xuyên cập nhật các chính sách của Chính phủ để tận dụng sự hỗ trợ, tiếp tục thực hiện mạnh mẽ quá trình tái cấu trúc doanh nghiệp; Tăng cường năng lực hấp thụ vốn đầu tư bằng chiến lược kinh doanh, chú trọng việc cân đối dòng tiền, xây dựng, rà soát và có cơ chế giám sát chặt chẽ hệ thống các định mức chi phí trong quá trình sản xuất, kinh doanh; Tăng cường liên kết trong kinh doanh, đặc biệt là các DN có cùng ngành nghề, nâng cao năng lực tiếp cận và mở rộng thị trường…

Dự kiến cuối tháng 4 này, VCCI sẽ phối hợp với Văn phòng Chính phủ tổ chức diễn đàn đối thoại giữa Thủ tướng Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp tư nhân trong nước. “Diễn đàn phát triển doanh nghiệp và chất lượng tăng trưởng”, được tổ chức sáng nay là một bước chuẩn bị cho cuộc đối thoại sắp tới. Thông qua diễn đàn này, cộng đồng doanh nghiệp sẽ hiến kế, đề xuất với Chính phủ các giải pháp mới, mang tính khả thi, nhằm tạo điều kiện cho khu vực doanh nghiệp này phát triển năng động, hiệu quả hơn, đóng góp chung cho sự phát triển đất nước.

Nam Hải

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất