Thứ Bảy, 23/11/2024
Môi trường
Thứ Bảy, 3/3/2018 14:8'(GMT+7)

Cộng đồng doanh nghiệp là những nhân tố tiên quyết trong việc nỗ lực giảm tiêu thụ sừng tê giác tại Việt Nam ​

Quảng cảnh Hội nghị (ảnh DP)

Quảng cảnh Hội nghị (ảnh DP)

Sáng ngày 2/3/2018 tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Cơ quan Phát triển Pháp (AfD), Mạng lưới giám sát buôn bán động, thực vật hoang dã – TRAFFIC và Tổ chức WWF - Việt Nam đã tổ chức Hội nghị Tổng kết Dự án “Các tổ chức đối tác và khu vực tư nhân tham gia giảm tiêu thụ sừng tê giác tại Việt Nam”. Hơn 40 đại diện đến từ các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức đối tác tham gia thực hiện Dự án và các cá nhân, tổ chức có nhiều đóng góp trong quá trình triển khai Dự án đã tham gia sự kiện.

Dự án “Các tổ chức đối tác và khu vực tư nhân tham gia giảm tiêu thụ sừng tê giác tại Việt Nam” được thực hiện trên cơ sở phối hợp và cộng tác với các tổ chức như: Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam (VECOM), Hiệp hội Vận tải Ô tô Việt Nam (VATA), Trung tâm Phụ nữ và Phát triển (CWD) nhằm giảm thiểu nhu cầu sử dụng sừng tê giác tại Việt Nam. Thông qua cơ chế phối hợp này, hơn 20.000 đại diện các doanh nghiệp thành viên của các tổ chức nêu trên đã được tiếp cận và trang bị những kiến thức và kỹ năng cần thiết trong việc  lồng ghép các nội dung về bảo vệ thiên nhiên hoang dã trong chính sách trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Điều này được cụ thể hóa trong một phiên thảo luận của hội thảo khi lãnh đạo nhiều doanh nghiệp tham gia Dự án chia sẻ lý do và những thành công trong việc xây dựng và áp dụng một chính sách trách nhiệm xã hội có bao gồm các nội dung về bảo vệ thiên nhiên hoang dã. Trong một phiên thảo luận khác, đại diện các các tổ chức đối tác khẳng định và nhấn mạnh ý nghĩa và vai trò của các hoạt động vận động xã hội nhằm đấu tranh chống lại tội phạm về động, thực vật hoang dã.

Bà Lê Thị Thu Thủy, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa – VCCI cho biết: “Bằng việc áp dụng chính sách trách nhiệm xã hội gắn kết với các nội dung về bảo vệ thiên nhiên hoang dã, doanh nghiệp đã khẳng định một chiến lược kinh doanh hợp pháp và có trách nhiệm. VCCI hỗ trợ, cung cấp thông tin và hoàn thiện kỹ năng để doanh nhân luôn hướng tới thực hiện các hoạt động kinh doanh có trách nhiệm chính là để giảm thiểu mọi rủi ro nhằm đem lại những lợi ích trực tiếp cho doanh nghiệp”.

Bà Sarah Ferguson, Trưởng Đại diện tổ chức TRAFFIC tại Việt Nam cho biết: Các tổ chức đối tác và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam là những nhân tố tiên quyết trong việc dẫn dắt và lan tỏa những tác động tích cực của các hoạt động bảo vệ động, thực vật hoang dã. Những nỗ lực này tạo động lực và góp phần khuyến khích những cá nhân, tổ chức khác trong xã hội cùng tham gia đấu tranh chống lại hình thức tội phạm này. Điều này không chỉ đem lại cho bản thân các doanh nghiệp những lợi ích về danh tiếng và uy tín mà còn là hành động cần thiết nhằm bảo tồn các giống loài hoang dã.

Trong 3 năm triển khai Dự án, đã có 600 cá nhân tham gia trong các hoạt động của Dự án ký cam kết bảo vệ động, thực vật hoang dã. 32 doanh nghiệp đã tuyên bố bảo vệ động, thực vật hoang dã và áp dụng những chính sách kinh doanh có trách nhiệm đối với các vấn đề về môi trường trong đó có bảo vệ thiên nhiên hoang dã. Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp như:  Hà Thị Thu Thanh, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Deloitte Việt Nam, ông Lưu Hải Minh, Chủ tịch Công ty Cổ phần Công nghệ mới Nhật Hải,... là những lãnh đạo tiêu biểu đã tham gia vào các hoạt động của Dự án tại Tuần lễ Khởi nghiệp APEC và trong Ngày Tê giác Thế giới.

Trong khuôn khổ Dự án, các hoạt động phối hợp với Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam tập trung hướng dẫn và khuyến khích các doanh nghiệp thương mại điện tử tích cực ngăn chặn và giảm thiểu các hoạt động buôn bán động, thực vật hoang dã trong đó có sừng tê giác qua mạng. Trong khi đó, Hiệp hội Vận tải Ô tô Việt Nam góp phần không nhỏ trong việc nâng cao và thúc đẩy trách nhiệm xã hội đấu tranh chống lại tội phạm động, thực vật hoang dã trong ngành vận tải ô tô thông qua nhiều hoạt động đào tạo được tổ chức tại Hà Nội, Hải Phòng và việc truyền tải các thông điệp thay đổi hành vi tới doanh nghiệp, khách hàng doanh nghiệp và cộng đồng trên các phương tiện chuyên chở hành khách, hàng hóa của doanh nghiệp và tại các bến xe. 

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đóng vai trò tiên phong và định hướng trong việc tổ chức nhiều hoạt động truyền thông thay đổi hành vi của Dự án cũng như thiết lập và thúc đẩy mạng lưới hơn 40 giảng viên – những cá nhân nòng cốt trong việc truyền tải và đào tạo doanh nghiệp hướng tới những chính sách trách nhiệm xã hội doanh nghiệp thể hiện thái độ không khoan nhượng đối với buôn bán động, thực vật hoang dã./.

Duy Phong

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất