Chủ Nhật, 29/9/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Thứ Tư, 15/7/2009 17:51'(GMT+7)

Công tác kiểm tra góp phần nâng cao chất lượng hiệu quả công tác tư tưởng

Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá X đã ra Nghị tuyết số 16-NQ/TW "về công tác tư tưởng, lý luận và báo chí trước yêu cầu mới" đã đánh giá, nhận định về tình hình tư tưởng và công tác tư tưởng, lí luận và báo chí thời gian qua; trong đó, đánh giá về công tác tư tưởng đã góp phần xây dựng Đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng, khẳng định và bảo vệ đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, giữ gìn củng cố sự đoàn kết, thống nhất trong đảng và sự đồng thuận trong xã hội . . . ; việc đấu tranh chống lại các luận điệu tuyên truyền, xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị vu cáo Đảng, Nhà nước ta bước đầu được đẩy mạnh, có nhiều cố gắng tìm tòi, đổi mới nội dung và phương thức hoạt động. Các sinh hoạt văn hoá, văn học nghệ thuật phát triển đa dạng. Tuy nhiên, Nghị quyết cũng đã đánh giá nhiều yếu kém, khuyết điểm của công tác tư tưởng như: công tác tư tưởng còn thiếu sắc bén, thiếu sức thuyết phục, chưa sát thực tiễn và chưa linh hoạt; chưa làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng và đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, tư tưởng cơ hội, những quan điểm mơ hồ, sai trái; thiếu quan tâm giáo dục lý tưởng, đạo đức, lối sống.

Chất lượng sinh hoạt tư tưởng trong tổ chức đảng thấp, thiếu tính chiến đấu . . .Nội dung, phương pháp công tác tư tưởng chậm đổi mới, công tác tư tưởng trở nên tạc hậu so với yêu cầu của thực tiễn trong tình hình mới. Nguyên nhân của những yếu kém, khuyết điểm trong công tác tư tưởng mà Nghị quyết đánh giá là tư duy của đảng trên lĩnh vực tư tưởng, lý luận và báo chí còn chậm đổi mới. Sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với công tác tư tưởng, lý luận chưa đúng tầm trong điều kiện Đảng cầm quyền. Một số cấp ủy chưa thật sự quan tâm và coi trọng công tác tư tưởng. . . ; chưa gắn chặt chẽ với công tác tổ chức, cán bộ và kiểm tra của Đảng. Đội ngũ cán bộ và công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ còn nhiều hạn chế, yếu kém. Công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu về tư tưởng, lý luận và báo chí chưa kịp theo sự phát triển của tình hình.

Từ những đánh giá trên cho thấy, muốn làm tốt công tác tư tưởng trong thời kỳ mới thì một trong những giải pháp quan trọng và cần hết sức quan tâm và cấp bách là công tác kiểm tra công tác tư tưởng . Công tác kiểm tra là một trong những nhiệm vụ quan trọng của công tác tư tửơng, là hoạt động của cấp ủy và cơ quan tuyên giáo các cấp hướng vào thúc đẩy thực hiện có hiệu quả nghị quyết, quyết định, chỉ thị của Đảng, nhằm góp phần bổ sung, hoàn thiện Cương lĩnh, Điều lệ Đảng, đường lối, chính sách của Đảng.

Việc kiểm tra nắm tình hình thực tiễn, phát hiện những khuynh hướng tư tưởng và tâm trạng xã hội có ý nghĩa rất quan trọng. Kết quả kiểm tra là "thước đo, đánh giá tính đúng đắn, tính khả thi và của những bất cập của một nghị quyết, một quyết định, hay một chỉ thị, thông qua đó để hoàn thiện, bổ sung, hình thành lường lối, chính sách mới cho phù hợp với thực tiễn; kiểm tra không chỉ nhằm phát hiện các sai sót mà còn nhằm mục đích phát hiện các mặt tốt, các kinh nghiệm hay, tìm ra các nguyên nhân cần giải quyết để thúc đẩy việc triển khai có chất lượng và hiệu quả các nghị quyết, chị thị, quyết định của đảng, cấp ủy.

Thực tế, trong những năm qua, cấp ủy, chính quyền các cấp thường xuyên coi trọng và tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác tư tưởng, góp phần tạo sự chuyển biến về nhận thức lý luận chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Công tác kiểm tra ở các cấp ủy Đảng và Ban Tuyên giáo các cấp đã chú trọng thực hiện nhiệm vụ kiểm tra các hoạt động tư tưởng văn hoá. Một số nơi làm tốt việc kiểm tra tình hình tư tưởng; nội dung tuyên truyền miệng; chất lượng, số lượng hệ thống báo cáo viên; nội dung tuyên truyền của các cơ quan thông tin đại chúng; các hoạt động báo chí, xuất bản, văn hoá, văn nghệ; nội dung, chất lượng giảng dạy chính trị của hệ thống trường Chính trị tỉnh, các Trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện, thị. Tuy nhiên, công tác kiểm tra vẫn chưa thật sự được quan tâm đúng mức. Không ít cấp ủy buông lỏng khâu kiểm tra, thường chỉ chú trọng việc lãnh đạo, ban hành nghị quyết, quyết định, ít quan tâm khâu kiểm tra xem xét tình hình thực hiện các nghị quyết, quyết định. Trong khi đó, không ít cơ quan Tuyên giáo các cấp buông lỏng chức năng kiểm tra công tác tư tưởng.

Hiện nay đất nước ta đang đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, tích cực và chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, đòi hỏi công tác tư tưởng của Đảng cần có sự đổi mới cho phù hợp cả về nội dung, phương thức; trong đó, việc tăng cường kiểm tra công tác tư tưởng và khắc phục những hạn chế, yếu kém, bất cập của nó và điều quan trọng, góp phần đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng về lĩnh vực tư tưởng. Để thực hiện tốt theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá X) về công tác tư tưởng, lý luận và báo chí trước yêu cầu mới, đòi hỏi việc tăng cường, nâng cao chất lượng hiệu quả kiểm tra công tác tư tưởng là yêu cầu cần thiết. Thời gian đến cần chú trọng một số giải pháp sau:

1/ Tăng cường vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy đảng trong việc thực hiện chức năng kiếm tra công tác tư tưởng, công tác tư tưởng là nhiệm vụ của toàn đảng, trong đó cấp uỷ và đồng chí Bí thư trực tiếp lãnh đạo và kiểm tra công tác tư tưởng, theo phương châm "có lãnh đạo, có kiểm tra"; tăng cường và nâng cao chất lượng kiểm tra công tác tư tưởng cũng là nâng cao chất lượng lãnh đạo của cấp ủy; kiểm tra công tác tư tưởng cần phải trở thành nhiệm vụ thường xuyên và là trách nhiệm của cấp ủy. Cấp ủy cần phải nâng cao tính chủ động trong công tác kiểm tra, thể hiện ở chỗ: khi ban hành Nghị quyết, chỉ thị, chương trình hành động và hướng dẫn thực hiện, phải cụ thể hoá công việc kiểm tra thực hiện chỉ thị, nghị quyết. . . ; tránh tư tưởng khoán trắng công tác kiểm tra cho tuyên giáo.

2/ Tăng cường thực hiện chức năng kiểm tra của Ban Tuyên giáo các cấp, để thực hiện có hiệu quả công tác kiểm tra công tác tư tưởng, Ban Tuyên giáo Trung ương cần có văn bản thống nhất chung trong toàn ngành về hoạt động, phương thức kiểm tra công tác tư tưởng; có văn bản chỉ đạo Ban Tuyên giáo các cấp thực hiện chức năng tham mưu, giúp cấp uỷ triển khai công tác kiểm tra, cả về nội dung, kế hoạch và phương pháp kiểm tra; tổ chức tập huấn nghiệp vụ kiểm tra cho Ban Tuyên giáo các cấp.

3/ Vận dụng, kết hợp linh hoạt các hình thức kiểm tra như kiểm tra thường xuyên, đột xuất, định kỳ.

4/ Đổi mới phương pháp nội dung kiểm tra cho phù hợp với đối tượng, đổi mới nội dung kiểm tra theo hướng chú trọng cả kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ mang tính lâu dài, thường xuyên và trước mắt của cấp ủy và Ban Tuyên giáo. Đối với nhiệm vụ mang tính thường xuyên, lâu dài của công tác tư tưởng, nội dung kiểm tra cần hướng vào kiểm tra chức năng lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy về công tác tư tưởng; chức năng tham mưu, chỉ đạo của Ban Tuyên giáo; chức năng kiểm tra của cả cấp ủy và Ban Tuyên giáo. Đối với nhiệm vụ trước mắt của công tác tư tưởng, cần kiểm tra việc thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, quyết định của Trung ương, Tỉnh ủy và cấp ủy địa phương mang tính bức xúc, được dư luận xã hội quan tâm nhất.

5/ Nâng cao chất lượng các chỉ thị, nghị quyết, hướng dẫn triển khai công tác tư tưởng của các cấp ủy, của Ban Tuyên giáo các cấp. Coi đó là cơ sở để công tác kiểm tra đi đúng hướng, tiến hành thuận lợi./.

Nguyền Minh Nhựt, Bình Thuận

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất