Thứ Bảy, 28/9/2024
Tuyên giáo các cấp
Chủ Nhật, 1/4/2012 8:46'(GMT+7)

Công tác Lịch sử Đảng Quảng Nam 15 năm - những kết quả nổi bật

 Ngày 01-01-1997, tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng được tách thành hai đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương, ngày 02-4-1999, Tiểu ban Lịch sử Đảng (nay là Phòng lịch sử Đảng) trực thuộc Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Quảng Nam được thành lập. Mặc dù trong điều kiện gặp rất nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, cán bộ chuyên trách còn hạn chế về chuyên môn, nghiệp vụ, song được sự quan tâm của các cấp uỷ Đảng, chính quyền các ngành, đoàn thể, công tác Lịch sử Đảng ở Quảng Nam sau 15 năm chia tách tỉnh đã đạt được một số thành tựu nổi bật.

Bộ máy tổ chức, cán bộ làm công tác nghiên cứu, biên soạn và xuất bản lịch sử Đảng các cấp dần dần được kiện toàn, trình độ chuyên môn từng bước được nâng cao. Đội ngũ cộng tác viên được xây dựng rộng khắp, gồm những nhà nghiên cứu, giáo viên, các đồng chí lão thành cách mạng,…

Công tác sưu tầm tư liệu được quan tâm đúng mức. Những năm qua, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Nam đã tổ chức nhiều đợt sưu tầm tư liệu ở Trung tâm lưu trữ Quốc gia Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng… Qua đó, đã phô tô, sao chụp hàng ngàn trang tư liệu, hàng trăm ảnh tư liệu quý liên quan đến Lịch sử Quảng Nam. Bên cạnh đó, cũng đãá sưu tầm được hàng trăm hồi ký của các đồng chí lão thành cách mạng; nhiều tư liệu thành văn, ảnh tư liệu ở các cơ quan, đơn vị, các cá nhân trong và ngoài tỉnh; hệ thống và đóng tập Báo Quảng Nam, Báo Nhân dân từ năm 1997 đến nay. Từ đó tư liệu được lưu trữ bảo quản và đưa vào khai thác, phát huy tốt giá trị.

Trong công tác biên soạn, xuất bản, đã biên soạn, xuất bản nhiều ấn phẩm lớn, có ý nghĩa như: “Những ngày giữ lửa”, “Bác Hồ với Đất Quảng”, “Phong trào đấu tranh của tù yêu nước ở Nhà lao Hội An 1908-1945”; “Lịch sử đấu tranh cách mạng ở Nhà lao Hội An 1947 – 1975”; “Lịch sử Đảng bộ Quảng Nam - Đà Nẵng 1930-1975”, “Biên niên sự kiện - Lịch sử Đảng bộ Quảng Nam 1975-2005”, “Kỷ yếu Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Nam 1930 – 2010”, “Quảng Nam 45 năm vì sự nghiệp giải phóng dân tộc”, “50 năm nghĩa tình Thanh Hóa - Quảng Nam 1960-2010”, “Quảng Nam- Những tấm gương cộng sản” (3 tập), “Võ Chí Công - Người con ưu tú của quê hương Quảng Nam - Đà Nẵng”, “Trần Tống - Người cộng sản mẫu mực”,... Các công trình xuất bản đảm bảo chất lượng nội dung và hình thức, được dư luận đánh giá cao.

Các cơ quan, ban, ngành cũng đã biên soạn và xuất bản nhiều cuốn Lịch sử truyền thống ngành. Công tác Lịch sử ở Quảng Nam được quan tâm đặc biệt, thể hiện qua việc Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Thông tri số 11- TT/TU ngày 27-9-2002 (nay là Chỉ thị số 54-CT/TU, của Ban Thường vụ Tỉnh ủy ngày 20-5-2009) về việc “Tiếp tục đẩy mạnh sưu tầm, hệ thống và sử dụng tư liệu quý về đề tài chiến tranh cách mạng”. Qua 10 năm thực hiện, đã sưu tầm, hệ thống được hơn 600 danh mục tư liệu, 100 bộ hồ sơ với hàng ngàn trang tư liệu và hàng trăm hiện vật có giá trị. Song song với công tác sưu tầm tư liệu, nhiều ấn phẩm về đề tài chiến tranh cách mạng đã được xuất bản như: “Đại Lộc một thời để nhớ”, “Kỷ yếu 35 năm chiến thắng Nông Sơn - Trung Phước” (1974-2009), “35 năm chiến thắng Tiên Phước - Phước Lâm” (1975-2010), “45 năm chiến thắng Núi Thành - Ý nghĩa và bài học kinh nghiệm” (1965 - 2010), “Tư liệu viết về đề tài chiến tranh cách mạng”... Nhiều ấn phẩm văn học, bút ký về đề tài chiến tranh cách mạng đã xuất bản như: “Truyền thuyết Sông Thu Bồn”, “Từ chiến trường Khu 5” (nhật ký và ghi chép văn học, 3 tập), “Trường ca Dòng sông di sản”, “Bút ký Cát đỏ”, “Những đứa con vùng cát”, “Ám ảnh vùng Đông”...

Để nâng cao chất lượng các công trình trước khi xuất bản, theo Hướng dẫn của Viện Lịch sử Đảng và Ban Thường vụ Tỉnh ủy, hàng năm Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã tiến hành tổ chức thẩm định nhiều công trình lịch sử đúng quy trình, góp ý về mặt chính trị tư tưởng, nội dung, bố cục, giúp cơ quan Chủ trì, Ban biên soạn nâng cao hơn chất lượng công trình trước khi xuất bản.

Nhằm cụ thể hóa các văn bản chỉ đạo của Trung ương và Tỉnh ủy Quảng Nam, Ban Tuyên giáo cũng đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo công tác Lịch sử Đảng cho đơn vị địa phương, đặc biệt nhiệm kỳ (2010 – 2015) như: Hướng dẫn xây dựng chương trình lịch sử toàn khóa, hướng dẫn quy trình thẩm định lịch sử các cấp… Bên cạnh đó, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã tổ chức một số cuộc hội thảo, tọa đàm khoa học, để xác minh, làm rõ và đánh giá đúng ý nghĩa, tầm quan trọng của các sự kiện lịch sử như: Tọa đàm nhân kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Đảng bộ tỉnh Quảng Nam (28-3-1930 – 28-3-2000), xác định ngày giải phóng tỉnh Quảng Nam; xác định một số vấn đề liên quan đến sự ra đời của Đội Du kích Vũ Hùng; xác minh, kết luận một số sự kiện lịch sử Đảng ở các địa phương trong tỉnh, xác nhận quá trình công tác của nhiều cán bộ để các cơ quan chức năng giải quyết chế độ đối với người có công; giúp đỡ về mặt chuyên môn để các ngành, đoàn thể triển khai sưu tầm, biên soạn lịch sử; biên soạn nhiều tài liệu tuyên truyền, góp phần đẩy mạnh công tác giáo dục truyền thống cách mạng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là thế hệ trẻ nhân các ngày lễ lớn, truyền thống ngành, địa phương, đơn vị.

Công tác tập huấn nghiệp vụ được quan tâm hơn, đã mở nhiều lớp tập huấn công tác Lịch sử Đảng và mời các đồng chí báo cáo viên là cán bộ Ban Địa phương thuộc Viện Lịch sử Đảng báo cáo trực tiếp. Qua đó, giúp đội ngũ làm công tác lịch sử ở Quảng Nam nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.

Đối với các huyện, thành phố, đến nay đã có 16/18 đơn vị biên soạn, xuất bản Lịch sử Đảng bộ giai đoạn 1930 – 1975, có đơn vị xuất bản đến năm 2005. Bên cạnh đó, nhiều đơn vị cũng đã biên soạn, xuất bản nhiều tập lịch sử chuyên đề, truyền thống ngành, như: "Lịch sử phong trào phụ nữ huyện Đại Lộc", "Lịch sử phong trào Nông dân huyện Quế Sơn 1945 - 1975", "Hội An - thị xã Anh hùng", "Hiệp Đức - huyện Anh hùng", “Điện Bàn - những người con kiên trung - bất khuất”, ”Lịch sử lực lượng vũ trang nhân dân huyện Duy Xuyên” (1945 - 1975), “Lịch sử lực lượng vũ trang nhân dân huyện Điện Bàn” (1945 - 1975), “Hiệp Đức những Chiến công tiêu biểu”, “Lịch sử phong trào Phụ nữ huyện Thăng Bình” (1930 - 2010)... Công tác biên soạn Lịch sử Đảng, truyền thống cách mạng ở các xã, phường, thị trấn bước đầu có khởi sắc.

Với những kết quả đạt được, liên tục từ năm 2000 đến năm 2010, phòng Lịch sử Đảng - Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ được Thủ tướng Chính phủ, Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh, Tỉnh ủy, Uỷ ban nhân dân tỉnh tặng Bằng khen về thành tích xuất sắc trong công tác nghiên cứu, biên soạn Lịch sử Đảng. Ngoài ra, các địa phương như Đại Lộc, Hiệp Đức, Quế Sơn, Hội An là những đơn vị có thành tích xuất sắc trong công tác biên soạn Lịch sử Đảng bộ, truyền thống ngành và được Uỷ ban nhân dân tỉnh, Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ khen thưởng.

Có được những thành tựu trên là nhờ sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ Đảng, sự hướng dẫn kịp thời của Viện Lịch sử Đảng Trung ương thông qua những Nghị quyết, Chỉ thị của Đại hội Đảng các cấp. Ngoài ra đó là sự phấn đấu nỗ lực của đội ngũ cán bộ làm công tác lịch sử từ tỉnh đến cơ sở. Có thể nói 50 năm qua, đặc biệt sau 15 năm tái lập tỉnh, công tác nghiên cứu, biên soạn Lịch sử Đảng tỉnh Quảng Nam đã khẳng định vai trò và vị trí của mình trong công tác xây dựng Đảng nói chung, công tác tư tưởng nói riêng, góp phần xứng đáng trong công tác tổng kết những thành tựu vẻ vang của Đảng bộ và nhân dân trong đấu tranh chống kẻ thù xâm lược, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trên phạm vi cả nước, xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa./.

Lê Năng Đông

 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất