Ngày 12/11, tại Hà Nội, Thanh tra Chính phủ, Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam phối hợp với Đại sứ quán Vương quốc Anh và Bộ phát triển Quốc tế tại Việt Nam tổ chức Đối thoại về phòng, chống tham nhũng lần thứ 12 giữa Chính phủ Việt Nam với cộng đồng các nhà tài trợ, các đối tác phát triển quốc tế với chủ đề "Vai trò của doanh nghiệp và khu vực trong công tác phòng, chống tham nhũng”.
Tham dự có đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, đồng chí Huỳnh Phong Chanh, Tổng Thanh tra Chính phủ, Ngài Antony Stokes, Đại sứ Vương quốc Anh tại Việt Nam.
Trước Hội nghị đối thoại này, tháng 10/2013, các cơ quan đồng chủ trì đã tổ chức 3 Hội thảo khu vực tại Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội về “Tăng cường sự tham gia của doanh nghiệp, thúc đẩy thực hiện liêm chính trong kinh doanh tại Việt Nam” với sự tham gia tích cực của đại diện nhiều tập đoàn, công ty đa quốc gia, doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, đại diện các Đại sứ quán, Cơ quan ngoại giao, Tổ chức Quốc tế, Hiệp hội doanh nghiệp…Tại các Hội thảo này, các diễn giả, chuyên gia trong nước và quốc tế đã trình bày nhiều tham luận, giới thiệu các kết quả nghiên cứu và những kinh nghiệm thành công trong thực hiện quy tắc Tuân thủ và Liêm chính trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Các báo cáo và quá trình thảo luận đã phác họa nhiều khía cạnh của thực trạng tham nhũng, hối lộ, gian lận trong hoạt động kinh doanh tại Việt Nam; đã phân tích nguyên nhân, đưa ra khuyến nghị, giải pháp khắc phục vấn nạn đó. Có thể nói, đây là lần đầu tiên, vấn đề tham nhũng, hối lộ trong hoạt động của doanh nghiệp được các cơ quan của Chính phủ, các nhà tài trợ quốc tế và cộng đồng doanh nghiệp cùng thảo luận với nhiều góc nhìn và quy mô rộng rãi như vậy.
Đồng chí Huỳnh Phong Chanh, Tổng Thanh tra Chính phủ nói: Tham nhũng, hối lộ trong hoạt động doanh nghiệp sẽ tác động tiêu cực đến đời sống kinh tế, xã hội của mọi quốc gia; nó làm tăng chi phí, phá vỡ nền tảng quản trị của doanh nghiệp, tạo ra sự bất bình đẳng trong cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trên thị trường. Đặc biệt, khi tham nhũng, hối lộ được thực hiện với sự cấu kết giữa doanh nghiệp với các quan chức tha hoá, sẽ hình thành “Nhóm lợi ích thân hữu”, có khả năng tác động tiêu cực tới quá trình xây dựng và thực thi chính sách, pháp luật, khi có hậu quả càng thêm nghiêm trọng.
Ngài Antony Stokes, Đại sứ Vương quốc Anh tại Việt Nam cũng cho biết: Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, các quốc gia phát triển đều có những quy định pháp lý chặt chẽ, nghiêm cấm các doanh nghiệp thực hiện hành vi hối lộ trong hoạt động kinh doanh. Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng cũng đặt ra yêu cầu đối với các quốc gia thành viên cần phải “hình sự hoá” hành vi tham ô, hối lộ trong khu vực tư và phải xử lý như những tội phạm tham nhung. Ngài Đại sứ nhấn mạnh: Các diễn đàn, tổ chức hợp tác kinh tế quốc tế như APFC, OECD hay WTO cũng rất chú ý xây dựng các tiêu chuẩn minh bạch, liêm chính và phòng, chống tham nhũng, coi đây là nội dung quan trọng của “Trụ cột quản trị”. Trong phạm vi từng doanh nghiệp, thực tiễn cũng đã chứng minh, một nền tảng quản trị tốt gắn với giá trị cốt lõi chính là "Tuân thủ luật pháp và thực hiện liêm chính” - yếu tố quan trọng bảo đảm cho doanh nghiệp phát triển bền vững và thành công.
Phát biểu tại cuộc Đối thoại, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng: Công tác phòng, chống tham nhũng là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội, trong đó cộng đồng doanh nghiệp giữ vai trò quan trọng. Thực hiện chính sách hội nhập kinh tế quốc tế, Việt Nam đã và đang tiến hành nhiều hoạt động nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp luật phòng, chống tham nhũng liên quan đến các hoạt động doanh nghiệp. Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã dành sự quan tâm lớn cho công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng... Trong đó, pháp luật về phòng, chống tham nhũng của Việt Nam tập trung chủ yếu vào các đối tượng là cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong các cơ quan công quyền, các đơn vị cung cấp dịch vụ công; lực lượng vũ trang và những người có trách nhiệm quản lý phần vốn, tài sản của Nhà nước tại các doanh nghiệp, các quy định về “tham nhũng trong khu vực tư” ít được đề cập. Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh:
Thứ nhất, nhận thức xã hội thường cho rằng doanh nghiệp là nạn nhân của tham nhũng, doanh nghiệp phải đưa hối lộ vì sự nhũng nhiễu của cán bộ, công chức trong các cơ quan công quyền. Tuy nhiên, các kết quả nghiên cứu trình bày tại Đối thoại này cho thấy điều đó đúng nhưng chưa đủ. Còn một thực tế khác, đó là nhiều doanh nghiệp thường chủ động thực hiện hành vi hối lộ nhằm đạt được những lợi thế không chính đáng trong cạnh tranh trên thương trường hoặc để trốn tránh trách nhiệm pháp lý khi có sai phạm. Vì thế, để phòng, chống tham nhũng đạt hiệu quả, một mặt cần ngăn chặn và xử lý nghiêm những công chức, viên chức nhũng nhiễu, nhận hối lộ; mặt khác phải có chế tài đủ mạnh để răn đe, xử lý hành vi đưa hối lộ, đặc biệt cần nghiêm khắc đối với những doanh nghiệp coi hối lộ như một “giải pháp” trong kinh doanh, một cách thức để tạo lợi thế, hình thành “nhóm lợi ích”.
Thứ hai, trong bối cảnh phát triển và hội nhập quốc tế, sự thành công và bản sắc văn hóa của mỗi doanh nghiệp góp phần tạo nên sức mạnh và hình ảnh của quốc gia. Quá trình phát triển nền kinh tế thị trường ở Việt Nam chưa dài, hầu hết các doanh nghiệp dân doanh đều có quy mô nhỏ; kiến thức quản trị, quy trình kiểm soát nội bộ và việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp, trong đó việc thực hiện nguyên tắc liêm chính chưa được chú ý đúng mức.
Thứ ba, thực hiện liêm chính trong kinh doanh là việc cần thiết, nhưng nếu chỉ một vài doanh nghiệp hành động đơn lẻ thì sẽ rất khó thành công, vì họ có thể bị phân biệt đối xử, có thể mất cơ hội kinh doanh do các doanh nghiệp khác có được lợi thế cạnh tranh không chính đáng. Ngoài ra, những doanh nghiệp nhỏ còn thêm khó khăn về nguồn lực, kinh nghiệm quản trị.
Thứ tư, các doanh nghiệp cũng cần chủ động cung cấp thông tin, chủ động phát hiện và thông báo kịp thời với cơ quan có thẩm quyền về những hành vi nhũng nhiễu, tham nhũng của cán bộ, công chức trong bộ máy nhà nước. Việc các doanh nghiệp mạnh dạn, chủ động tố cáo hành vi tham nhũng sẽ góp phần quan trọng cùng các cơ quan chuyên trách đóng góp vào công cuộc đấu tranh chống tham nhũng.
Tuy nhiên, bên cạnh đó cần phải có cơ chế, chính sách, hệ thống pháp luật chặt chẽ, minh bạch để hành vi tham nhũng khó có thể phát sinh và tồn tại. Đây là việc đòi hỏi các bộ, ngành, cơ quan Trung ương cần tập trung tham mưu, đề xuất với Chính phủ để ban hành, sửa đổi, bổ sung kịp thời các văn bản pháp luật về phòng chống tham nhũng nhằm hạn chế tối đa các kẽ hở, tạo môi trường cho tham nhũng.
Kết thúc phiên đối Đối thoại, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc mong rằng các báo cáo nghiên cứu, ý kiến khuyến nghị và những thực tiễn tốt được giới thiệu, chia sẻ tại Đối thoại này sẽ được các cơ quan chức năng của Việt Nam tham khảo, nghiên cứu kỹ lưỡng để có sự tiếp thu, vận dụng phù hợp với thực tiễn của Việt Nam nhằm tạo lập môi trường kinh doanh công bằng, minh bạch, không tham nhũng, vì sự thịnh vượng, phát triển bền vững của cộng đồng doanh nghiệp và kinh tế - xã hội của đất nước./.
Duy Hưng