Phát biểu khai mạc Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa
XII diễn ra tại thủ đô Hà Nội từ 7/5 đến ngày 12/5/2018, Tổng Bí thư
Nguyễn Phú Trọng khẳng định sự trưởng thành, phát triển của đội ngũ lãnh
đạo các cấp cùng những ưu điểm trong công tác cán bộ là một trong những
nhân tố then chốt, quyết định những thành tựu to lớn, mang ý nghĩa lịch
sử của công cuộc đổi mới.
Tổng Bí thư nhấn mạnh đất nước đang đứng trước những yêu cầu mới, những
thời cơ, thuận lợi và thách thức đan xen, đòi hỏi đội ngũ cán bộ, nhất
là cán bộ cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm
nhiệm vụ.
Từ cách tiếp cận đó, Hội nghị Trung ương 7 đã tập trung thảo luận và
thông qua Nghị quyết 26-NQ/TW về “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các
cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm
nhiệm vụ," với những quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp
cụ thể.
Nội hàm giáo dục, bồi dưỡng và đào tạo cán bộ, đảng viên cả về lý luận
chính trị và chuyên môn, về tư tưởng, đạo đức, lối sống đã thu hút sự
quan tâm đặc biệt của công luận và bạn bè quốc tế.
Lào: Việt Nam là bài học lớn
Trao đổi với phóng viên TTXVN thường trú tại thủ đô Vientiane, đồng chí
Thongsalish Mangnomek, Ủy viên Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng, Đại
biểu Quốc hội, Giám đốc Học viện Chính trị và Hành chính quốc gia Lào
nói: “Chúng tôi rất quan tâm theo dõi, nghiên cứu kinh nghiệm xây dựng
Đảng của Việt Nam. Công tác bồi dưỡng, đào tạo cán bộ ở Việt Nam rất có
hệ thống, có mục tiêu rõ ràng cho từng giai đoạn, cho mọi cấp từ Trung
ương đến địa phương. Chúng tôi đang nghiên cứu bài học phát huy tinh
thần học tập của cán bộ lãnh đạo để vận dụng vào thực tiễn trong nước."
Bày tỏ tâm đắc với việc xây dựng chế độ học tập, phân cấp nội dung học
tập cho đảng viên thường và cán bộ lãnh đạo, đồng chí Thongsalish
Mangnomek cho rằng năng lực lãnh đạo của Đảng phụ thuộc rất nhiều vào
năng lực của từng cán bộ, đảng viên và điều này đã nói lên tầm quan
trọng của công tác đào tạo, bồi dưỡng, học tập và rèn luyện để mỗi cán
bộ đảng viên luôn vững vàng về tư tưởng chính trị, thống nhất về ý chí,
hành động.
Đồng chí khẳng định: “Nếu không kiên định chủ nghĩa Marx Lenin, nắm chắc
đường lối của Đảng thì cán bộ sẽ biến chất; lập trường tư tưởng không
vững vàng thì sẽ xa rời, chệch hướng."
Đồng
chí Thongsalish Mangnomek, Ủy viên Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng
Lào, đại biểu Quốc hội, Giám đốc Học viện Chính trị và Hành chính Quốc
gia Lào. (Nguồn: Vietnam+)
Đồng chí nhận xét: “Trong giai đoạn hiện nay, công tác đào tạo của Đảng
Cộng sản Việt Nam tập trung vào cán bộ cấp chiến lược, xây dựng đội ngũ
lãnh đạo chủ chốt cho tương lai bằng nhiều hình thức học tập, luân
chuyển, trải nghiệm với quan tâm thích đáng tới lớp trẻ, cán bộ nữ, cán
bộ dân tộc thiểu số. Đây thực sự là những kinh nghiệm rất quý giá cho
đào tạo cán bộ của Lào."
Cập nhật về công tác xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo của Đảng Nhân dân
Cách mạng Lào, đồng chí Thongsalish Mangnomek cho biết: “Quy trình này
gồm nhiều công đoạn, từ tuyển chọn, đánh giá cán bộ, bồi dưỡng cán bộ,
đánh giá hiệu quả đào tạo và sắp xếp cán bộ; công đoạn nào cũng rất quan
trọng. Đảng Nhân dân Cách mạng Lào đã giao cho Học viện Chính trị và
Hành chính quốc gia phối hợp với các Ban, ngành liên quan triển khai
công tác này một cách có hệ thống và đối với chúng tôi, Việt Nam là bài
học lớn để nghiên cứu, vận dụng."
Việt Nam, Cuba kiên định nền tảng tư tưởng của Đảng
Trong suốt quá trình đấu tranh thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ
Tổ quốc, công tác xây dựng Đảng là nhiệm vụ thường xuyên được các kỳ Đại
hội toàn quốc đặt vào trọng tâm nghị sự, với những điểm nhấn quan trọng
cho từng giai đoạn cụ thể.
Nội dung then chốt của công tác xây dựng Đảng hiện nay là giữ vững bản
chất giai cấp, kiên định và lấy chủ nghĩa Marx Lenin, tư tưởng Hồ Chí
Minh làm kim chỉ Nam cho mọi hành động của Ðảng.
Trả lời phỏng vấn TTXVN, bà Nanxi Côrô Aghia, Phó Đại sứ Cuba tại Việt
Nam cho biết Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Cuba đều khẳng định
những tư tưởng chính trị xã hội của Karl Marx, Engels, Lenin và các
lãnh tụ Hồ Chí Minh, José Martí, Fidel Castro là nền tảng tư tưởng của
Đảng.
Bảo vệ các giá trị đạo đức, chủ nghĩa yêu nước, tinh thần đoàn kết quốc
tế, tính nhân văn, đấu tranh chống lại các hình thức phân biệt đối xử,
bảo vệ độc lập, tự do và xây dựng một chế độ xã hội công bằng cho mọi
người là điểm tương đồng của hai Đảng.
Nói về vai trò của Chi bộ, Phó Đại sứ cho rằng hoạt động của tổ chức này
có tầm ảnh hưởng quyết định đến việc xây dựng Đảng mạnh về tư tưởng,
vững về tổ chức.
Bên cạnh đó, các chi bộ cũng là những hạt nhân tuyên truyền, động viên
các tầng lớp nhân dân học tập và hành động theo gương các lãnh tụ cách
mạng, ở Việt Nam là Chủ tịch Hồ Chí Minh, còn ở Cuba là José Martí và
Fidel Castro.
Phó Đại sứ đánh giá cao các chương trình trao đổi lý luận, chia sẻ kinh
nghiệm giữa hai Đảng đặc biệt trên lĩnh vực đào tạo cán bộ các cấp. Nhà
lãnh đạo Che Guevara từng nói cán bộ là xương sống của một cuộc cách
mạng, do đó công tác cán bộ mang tính sống còn để bảo đảm sự lãnh đạo
tuyệt đối, toàn diện và hiệu quả của Đảng.
Phóng viên TTXVN trao đổi với nhà báo kỳ cựu người Cuba Mariêla Valenxuêla. (Nguồn: Vietnam+)
Công tác đào tạo thế hệ lãnh đạo trẻ thấm nhuần lý tưởng xã hội chủ
nghĩa, thấm nhuần tình đoàn kết quốc tế và chủ nghĩa nhân văn là một vấn
đề chiến lược trong quá trình xây dựng đảng ở Cuba cũng như ở Việt Nam.
Cùng tham gia trả lời phỏng vấn, nhà báo kỳ cựu người Cuba Mariêla
Valenxuêla có nhiều năm công tác tại Việt Nam cũng chia sẻ quan điểm xây
dựng Đảng phải được tiến hành ở mọi cấp, phải đặc biệt phát huy trách
nhiệm của người đứng đầu cũng như vai trò làm gương “Đảng viên đi trước,
làng nước theo sau” bởi vì ở cơ sở, đảng viên là người gần gũi quần
chúng nhất, có ảnh hưởng trực tiếp đến quần chúng nhân dân.
Đánh giá cao vai trò lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối của Đảng Cộng sản
Việt Nam trong xây dựng đất nước kỷ nguyên hội nhập quốc tế, nhà báo
Mariêla khẳng định đây là yếu tố quyết định những thành tựu to lớn của
sự nghiệp đổi mới bắt đầu từ năm 1986, đưa Việt Nam trở thành một trong
những quốc gia có tốc độ phát triển nhanh nhất khu vực.
Bà cho rằng kinh nghiệm của Việt Nam là rất quý báu cho tiến trình cập nhật mô hình kinh tế hiện nay ở Cuba.
Tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là di sản của nhân loại
Thường xuyên tự đổi mới, tự chỉnh đốn là một yêu cầu nội tại của mọi
thời kỳ cách mạng, đảm bảo Đảng ta thật sự trong sạch, vững mạnh, thực
sự “là đạo đức, là văn minh”. Từ quan điểm nhất quán đó, Chủ tịch Hồ Chí
Minh luôn quan tâm giáo dục cho toàn Đảng, toàn quân tinh thần rèn
luyện, tu dưỡng, phấn đấu chiếm trọn sự tin yêu và xứng đáng với niềm
tin của nhân dân.
Bác đã để lại cho các thế hệ một di sản tư tưởng-đạo đức lớn lao, có ý
nghĩa soi đường, chỉ lối vô cùng quan trọng với triết lý hành động vì
Đảng, vì Dân, vì sự tiến bộ của nhân loại. Học tập và làm theo tấm gương
đạo đức Hồ Chí Minh, Đảng ta đang tiếp tục đổi mới, tự chỉnh đốn, nâng
cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu trong bối cảnh toàn cầu hóa diễn
ra sôi động dưới tác động nhiều mặt của cuộc cách mạng công nghiệp lần
thứ tư, với những cơ hội phát triển và thách thức đan xen.
Phóng viên TTXVN trao đổi với nhà báo Anbéctô Xalaxa của hãng thông tấn châu Mỹ. (Nguồn: Vietnam+)
Công tác xây dựng Đảng theo tư tưởng Hồ Chí Minh được các hãng thông
tấn, cơ quan báo chí quốc tế đặc biệt quan tâm theo dõi, nhất là tại các
kỳ Đại hội toàn quốc và các Hội nghị của Ban chấp hành Trung ương. Các
hãng thông tấn Prensa Latina của Cuba, KPL của Lào, Tân Hoa của Trung
Quốc... đã phản ánh đậm nét công tác chỉnh đốn, xây dựng Đảng ở Việt
Nam.
Phóng viên Anbéctô Xalaxa của hãng thông tấn châu Mỹ nhận xét: “Sự
nghiệp cách mạng do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo với lý tưởng, đạo
đức, sự chuẩn mực, tinh thần đấu tranh và chiến đấu kiên cường, kiên
định là một hình mẫu cho tất cả những người cộng sản."
Ông Anbéctô Xalaxa đánh giá rất cao chủ trương gắn công tác xây dựng,
chỉnh đốn Đảng với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong
cách Hồ Chí Minh; đồng thời ghi nhận cuộc vận động này đang có sức lan
tỏa rất lớn mà giải báo chí “Búa Liềm Vàng” là một sáng kiến góp phần
tăng cường ý thức hệ, nâng cao nhận thức nhằm thống nhất ý chí và hành
động của cả dân tộc Việt Nam.
Học Bác mỗi ngày là cách làm thiết thực và cụ thể đối với mỗi cá nhân,
mỗi tổ chức chính trị, xã hội, ông nói và chia sẻ: “Tôi cho rằng tấm
gương đạo đức Hồ Chí Minh là di sản của cả nhân loại tiến bộ”./.
TTX