Xuất phát từ thực tế là bệnh ung thư có xu hướng ngày càng gia tăng, thuốc điều trị ung thư phải nhập ngoại 100%, trong nước chưa có nhà máy sản xuất thuốc điều trị ung thư, do đó từ năm 2008, Công ty cổ phần dược-trang thiết bị y tế Bình Định (Bidiphar) đã triển khai nghiên cứu bào chế thuốc điều trị ung thư.
Bà Phạm Thị Thanh Hương - Phó Tổng Giám đốc Bidiphar cho biết năm 2010, công ty được Bộ Khoa học và Công nghệ hỗ trợ triển khai đề tài nghiên cứu khoa học cấp nhà nước "Nghiên cứu bào chế thuốc tiêm đông khô Carboplastin điều trị ung thư."
Sau đó, Bộ Khoa học và Công nghệ tiếp tục hỗ trợ công ty triển khai dự án hoàn thiện quy trình sản xuất thuốc tiêm đông khô Carboplastin điều trị ung thư quy mô công nghiệp (2011-2012). Với việc triển khai 2 đề tài, dự án này công ty đã chính thức được Bộ Y tế cấp số đăng ký cho phép sản xuất thuốc điều trị ung thư đầu tiên tại Việt Nam.
Đến năm 2014, công ty được Bộ Khoa học và Công nghệ giao thực hiện dự án “Nghiên cứu phát triển và ứng dụng công nghệ để sản xuất một số thuốc dùng điều trị ung thư tại Công ty cổ phần dược-trang thiết bị y tế Bình Định."
Dự án gồm 5 đề tài và 1 dự án sản xuất thuốc nước, thời gian thực hiện từ 10/2014-10/2019, tổng kinh phí thực hiện 245 tỷ đồng (trong đó ngân sách khoa học công nghệ hỗ trợ 59,5 tỷ đồng; vốn đối ứng của doanh nghiệp là 185,5 tỷ đồng).
Sau hơn 2 năm thực hiện, dự án đã nghiên cứu chế tạo và xây dựng tiêu chuẩn thiết bị phân lập isolator tương đương thiết bị ngoại nhập; triển khai sản xuất được 5 thiết bị isolator chuẩn bị xuất cho các bệnh viện phục vụ công tác pha chế thuốc điều trị ung thư trước khi hóa trị cho bệnh nhân nhằm bảo vệ chống phơi nhiễm cho nhân viên y tế và bảo vệ môi trường.
Dự án cũng hoàn thiện quy trình công nghệ sản xuất 6 hoạt chất thuốc tiêm, 10 sản phẩm thuốc tiêm đông khô điều trị ung thư quy mô công nghiệp bao gồm Fluorouracil (250mg, 500mg), thuốc tiêm Docetaxel (20mg, 80mg), Paclitaxel (30mg,100mg), Etoposid (100mg), thuốc tiêm đông khô Oxaliplatin (50mg), thuốc tiêm đông khô Gemcitabin (200mg, 1000mg).
Các thuốc ung thư trên đã được Bộ Y tế cho phép sản xuất và cung cấp cho trên 50 bệnh viện ung bướu, bệnh viện đa khoa cấp tỉnh có khoa ung bướu trên toàn quốc với số lượng trên 400.000 lọ...
Theo Bà Phạm Thị Thanh Hương, mặc dù dự án mới triển khai hơn 2 năm nhưng hơn 400.000 lọ sản phẩm của dự án đã được đưa ra thị trường, góp phần tăng doanh thu hơn 105 tỷ đồng và tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh hơn 20 tỷ đồng, tiết kiệm cho bệnh nhân hơn 20 tỷ đồng tiền thuốc điều trị (do giá bán thấp hơn thuốc ngoại nhập 20-30%)...
Sản phẩm của dự án trước mắt sẽ phục vụ nhu cầu điều trị cho bệnh nhân ung thư trong nước, giúp các bệnh viện chủ động trong việc cung ứng thuốc ung thư với giá thành thấp, qua đó góp phần giảm bớt gánh nặng tài chính cho bệnh nhân ung thư, nâng cao sức khỏe cộng đồng, đảm bảo an sinh xã hội./.
TTX