Chủ Nhật, 24/11/2024
Thời sự - Chính trị
Chủ Nhật, 28/10/2018 7:37'(GMT+7)

Cử tri đề xuất giải pháp tiếp tục thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh

Tiến sĩ Huỳnh Thanh Điền, Giảng viên trường Đại học Nguyễn Tất Thành nhận định, qua 3 năm thực hiện kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế, kinh tế Việt Nam đã đạt được những kết quả nhất định, nền kinh tế Việt Nam đang hội nhập sâu rộng.

Tiến sĩ Huỳnh Thanh Điền, Giảng viên trường Đại học Nguyễn Tất Thành nhận định, qua 3 năm thực hiện kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế, kinh tế Việt Nam đã đạt được những kết quả nhất định, nền kinh tế Việt Nam đang hội nhập sâu rộng.

Đánh giá cao việc thảo luận dân chủ, công khai, thẳng thắn

Theo dõi phiên thảo luận tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV, chiều 27/10, cử tri Hoàng Thị Quỳnh Ngân, Tổng thư ký Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật tỉnh Thái Nguyên cho biết, cử tri là các thành viên trong Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật tỉnh Thái Nguyên bày tỏ sự tin tưởng về phương thức điều hành của Chính phủ trong việc kiềm chế lạm phát, điều hành kinh tế vĩ mô, đánh giá giá cao sự cố gắng, những nỗ lực của Chính phủ, các ngành, các cấp trong việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về phát triển kinh tế - xã hội, cơ cấu lại nền kinh tế, thực hiện các Chương trình mục tiêu Quốc gia, chính sách dân tộc miền núi trong 3 năm qua. 

Thực tế tại địa phương, trong cơ cấu lại nền kinh tế, cử tri cho rằng để tiếp tục thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về phát triển kinh tế - xã hội, Chính phủ cần thực hiện đồng bộ các chính sách về phát triển khoa học - công nghệ, đẩy nhanh quá trình đưa các dự án trong lĩnh vực khoa học - công nghệ vào đời sống, nhất là các dự án phát triển sản xuất, thu hoạch, chế biến nông - lâm sản, nâng cao giá trị của sản phẩm nông nghiệp, chương trình mục tiêu quốc gia về nông thôn mới…

Những năm qua, mặc dù Thái Nguyên đã có bước phát triển vượt bậc trong thu hút đầu tư vào công nghiệp, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI song để phát triển bền vững thì vẫn phải coi trọng phát triển nông nghiệp bền vững trên cơ sở phát triển nông nghiệp công nghệ cao, phát huy thế mạnh của cây chè đặc sản gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới.

Vì thế, cử tri mong muốn Chính phủ có các giải pháp để huy động vốn, ưu đãi nguồn vốn đầu tư cho lĩnh vực này, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn, xây dựng thương hiệu nông sản quốc gia, đồng thời thực hiện đồng bộ các giải pháp về hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh... về chỉ dẫn địa lý, sở hữu trí tuệ, xây dựng thương hiệu làm nền tảng để phát triển các sản phẩm nông nghiệp đặc thù của địa phương...

Cử tri Hoàng Văn Ngọc, Phó Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn TOY.TN đánh giá cao việc thảo luận dân chủ, công khai, thẳng thắn trong các vấn đề, thảo luận liên quan đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đồng thời kiến nghị một số ý kiến: Trong điều hành chính sách kinh tế vĩ mô, Chính phủ cần ổn định chính sách thuế, nhất là thuế nhập khẩu trong ngành ô tô - xe máy, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng... Đối với việc điều hành phát triển  kinh tế - xã hội hiện nay, Nhà nước cần có các giải pháp để ổn định, hạn chế việc tăng giá các nguyên liệu đầu vào thiết yếu như xăng dầu, điện, nước...

Chính phủ cần có chính sách cụ thể để hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ trong tiếp cận nguồn vốn ưu đãi của các tổ chức tín dụng; chỉ đạo các cấp chính quyền thực hiện triệt để việc cải cách thủ tục hành chính trong đăng ký kinh doanh, triển khai dự án đầu tư; xây dựng các chính sách cụ thể hỗ trợ về xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, tạo sự liên kết giữa các doanh nghiệp trong chuỗi giá trị sản phẩm, đào tạo nguồn nhân lực gắn với nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp...

Riêng đối với lĩnh vực khai thác và chế biến khoáng sản - ngành nghề thế mạnh ở Thái Nguyên, cần hạn chế thấp nhất việc xuất khẩu khoáng sản thô, khoáng sản chưa qua chế biến, cấp giấy phép khai thác mỏ quá dài (20 đến 30 năm), khai thác khoáng sản khi chưa hoàn thiện các thủ tục đánh giá tác động môi trường...

Quan tâm đến tính ổn định, sự bền vững của nền kinh tế

Qua theo dõi truyền hình trực tiếp, cử tri tỉnh Quảng Bình đánh giá chất lượng phiên thảo luận rất cao, các ý kiến thảo luận được chuẩn bị công phu, bài bản, tâm huyết…

Phấn khởi trước tình hình kinh tế - xã hội đất nước năm 2018 có nhiều chuyển biến, các chỉ tiêu đề ra đều đạt và vượt đã tạo ấn tượng tích cực trong nhân dân, cử tri Lâm Nguyễn Tiến Dũng (xã Xuân Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình) nêu ý kiến: Bên cạnh những mặt đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội, Quốc hội, Chính phủ cần quan tâm hơn nữa đến tính ổn định, sự bền vững của nền kinh tế. Quốc hội, Chính phủ cần quan tâm đến hoạch định chiến lược phát triển ngắn hạn và dài hạn, tăng cường theo dõi, dự báo tình hình, đề ra chính sách, phương hướng phát triển kinh tế - xã hội kịp thời trước mọi biến động.

Cử tri Nguyễn Thị Mỹ Hoàn (phường Bắc Lý, thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình) cho biết, qua theo dõi chương trình truyền hình trực tiếp Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV, cử tri đặc biệt quan tâm về kết quả thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi trong những năm qua. Trong đó, chính sách đề ra đã thu được nhiều kết quả khả quan, giúp đồng bào dân tộc và miền núi phát triển trên nhiều lĩnh vực như y tế, giáo dục, văn hóa…

Theo cử tri Nguyễn Thị Mỹ Hoàn, cùng với những kết quả đạt được vẫn còn nhiều vấn đề cần được quan tâm như: Việc giúp đồng bào xóa nghèo, vươn lên trong cuộc sống chưa mang tính bền vững cao; mức độ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội giữa đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi so với vùng đồng bằng vẫn còn khoảng cách; cơ sở hạ tầng điện, đường, trường trạm thiếu… Vì vậy, Quốc hội và Chính phủ cần có các nghị quyết chuyên sâu với nhiều chính sách đồng bộ trong việc giúp đồng bào phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; coi đó là một mục tiêu quốc gia cần phải thực hiện.

Cử tri Nguyễn Thị Mỹ Hoàn cho rằng, Quốc hội và Chính phủ cũng cần quan tâm và đẩy mạnh hơn nữa trong việc hoạch định chính sách đồng bộ và chuyên sâu trong phát triển kinh tế biển giúp ngư dân bám biển, vươn khơi. Trong những năm qua, với nhiều chính sách về phát triển kinh tế biển, hàng vạn ngư dân Quảng Bình đã tích cực bám biển, vươn khơi, phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.

Đề xuất giải pháp tiếp tục thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh

Theo dõi phiên thảo luận, một số chuyên gia tại Thành phố Hồ Chí Minh đánh giá cao kết quả đạt được trong thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian qua, đồng thời đề xuất những giải pháp cơ bản để tiếp tục thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh.

Tiến sĩ Huỳnh Thanh Điền, giảng viên trường Đại học Nguyễn Tất Thành nhận định, kinh tế Việt Nam đã đạt được những kết quả nhất định, nền kinh tế Việt Nam đang hội nhập sâu rộng, nhất là về thu hút đầu tư trực tiếp từ nước ngoài. Doanh nghiệp FDI từng bước có sự kết nối với doanh nghiệp bản địa trong cung ứng phụ trợ, từng bước góp phần tạo nền tảng cho quá trình công nghiệp hóa. Thị trường tín dụng chảy vào sản xuất thực, đi đúng hướng với chủ trương tái cơ cấu hệ thống ngân hàng. Cùng với đó, việc hội nhập kinh tế quốc tế đã tạo áp lực cho doanh nghiệp trong nước đổi mới tận dụng cơ hội từ hội nhập để xuất khẩu hàng hoá.

Khu vực dịch vụ phát triển để phục vụ cho khu vực sản xuất, nhất là cung ứng cho dịch vụ cho doanh nghiệp FDI. Một số doanh nghiệp đã khai thác tốt nguồn lực quốc tế để thực hiện các dự định kinh doanh vượt trội. Tinh thần khởi nghiệp ngày càng cao, đặc biệt là khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ cao. Nhiều phương thức, mô hình kinh doanh mới xuất hiện tại Việt Nam. Những thành tựu đạt được đã thúc đẩy kinh tế - xã hội Việt Nam phát triển, tạo nền tảng cho bước phát triển mới ở những năm tiếp theo. 

Theo Tiến sĩ Huỳnh Thanh Điền, bên cạnh những kết quả đạt được, kinh tế Việt Nam vẫn còn một số tồn tại như tính liên kết phát triển doanh nghiệp còn yếu, khó cạnh tranh trên thị trường nội địa, doanh nghiệp chưa tận dụng tốt cơ hội xuất khẩu. Việc triển khai các chính sách thúc đẩy, tiếp sức cho doanh nghiệp còn chậm, đặc biệt là nhiều địa phương chưa triển khai đề án hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Cải cách hành chính còn chậm, việc tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh chưa được như mong đợi.

Vì vậy, trong thời gian tới các cấp, ngành cần tập trung tháo gỡ khó khăn, hạn chế để thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển. Cụ thể, khuyến khích đầu tư thực, hạn chế đầu cơ, hướng dòng tín dụng vào sản xuất kinh doanh thực; kết nối doanh nghiệp nội địa với nội địa, FDI với doanh nghiệp nội địa. Cùng với đó, các ban, ngành nhanh chóng nghiên cứu và ban hành các chính sách điều tiết các mô hình kinh doanh mới cho phù hợp với bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0, xu hướng hội nhập với các FTA thế hệ mới và các cuộc chiến tranh thương mại đang diễn ra.

Đồng thời, nghiên cứu ban hành cơ chế chính sách điều tiết các phương thức, mô hình kinh doanh mới theo hướng vừa kích thích những mô hình kinh doanh tiến bộ, đồng thời đảm bảo bình đẳng trong cạnh tranh, tránh thất thu thuế; phát triển các chương trình cụ thể để tiếp sức doanh nghiệp, thúc đẩy doanh nghiệp mang tư duy toàn cầu trong kinh doanh; phát triển năng lực kết nối và sử dụng nguồn lực để thực hiện các dự định kinh doanh tiến bộ.

Nhìn nhận những diễn biến mới của tình hình quốc tế tác động đến kinh tế - xã hội Việt Nam, Tiến sĩ Sử Ngọc Khương, Giám đốc Đầu tư Savills Việt Nam chia sẻ, mức độ ảnh hưởng của những biến động thế giới tới Việt Nam phụ thuộc vào chính sách và định hướng của Chính phủ. Bài toán của Việt Nam hiện nay là làm thế nào để tận dụng, tranh thủ được những cơ hội mà biến động thế giới tạo ra để đẩy mạnh xuất khẩu, tăng trưởng kinh tế, thu về ngoại tệ cho đất nước. Hiện nay, khối doanh nghiệp vừa và nhỏ là xương sống của nền kinh tế Việt Nam nhưng sản xuất còn nhỏ lẻ, thiếu sự liên kết.

Theo đó, Chính phủ cần định hướng cho những ngành xuất khẩu mũi nhọn, đặc biệt là trong các ngành có cơ hội xuất khẩu lớn như nông - thủy sản, dệt may...; tổ chức lại hoạt động sản xuất, để tạo ra sức mạnh chung, thương hiệu chung cho từng ngành hàng. Những chính sách này phải tạo điều kiện để những doanh nghiệp đầu tàu thực hiện vai trò dẫn dắt ngành hàng trong việc đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, khả năng cạnh tranh thì mới có thể tận dụng được các cơ hội đi đường dài.

Tiến sĩ Võ Trí Hảo, Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, đã cắt giảm được 30% giấy phép con nhưng mới dừng ở việc cắt giảm số lượng, hình thức chứ chưa thực chất, thậm chí chỉ là “thay tên đổi họ” như giấy phép bằng điều kiện kinh doanh, chứng chỉ tập huấn, khóa tập huấn… Tiến sĩ Võ Trí Hảo đề xuất, nên chăng trao quyền cho người dân, doanh nghiệp – những người trực tiếp bị ảnh hưởng từ giấy phép con vì họ hiểu rõ nhất cần loại bỏ những gì. Để thực hiện được quyền này, cần xem xét sửa đổi Luật Tố tụng hành chính, cho phép người dân khởi kiện các văn bản quy phạm pháp luật bất hợp lý. Hiện nay luật chỉ cho phép người dân khởi kiện quyết định hành chính cá biệt.

Theo TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất