Thứ Bảy, 30/11/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Bảy, 2/12/2017 9:44'(GMT+7)

Cử tri kiến nghị cần có những chính sách, cơ chế hỗ trợ người dân giảm bớt khó khăn

* Ngày 1/12, đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đã có buổi tiếp xúc với cử tri huyện Quảng Ninh và Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Tại buổi tiếp xúc, Đoàn đại biểu Quốc hội đã báo cáo kết quả Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV. Sau một tháng làm việc khẩn trương, nghiêm túc và trách nhiệm, kỳ họp đã hoàn thành chương trình đề ra với nhiều nội dung quan trọng về công tác lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và thực hiện giám sát tối cao. Tại kỳ họp, Quốc hội đã thảo luận, thông qua 6 luật trong các lĩnh vực quy hoạch, quản lý nợ công, tái cơ cấu các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu; phát triển lâm nghiệp, thủy sản; tăng cường, thúc đẩy công tác đối ngoại trong tình hình mới và cho ý kiến 9 dự án luật. Cũng tại kỳ họp, Quốc hội đã xem xét, thảo luận các báo cáo của Chính phủ về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước và xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng khác. Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình đã báo cáo kết quả xử lý các đề xuất, kiến nghị của cử tri tỉnh Quảng Bình và hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình. 

Sau khi nghe báo cáo về kết quả Kỳ họp, cử tri tỉnh Quảng Bình bày tỏ phấn khởi trước những thành quả mà đất nước đạt được trong năm 2017 và kiến nghị các vấn đề cử tri quan tâm. Cử tri đồng tình với chủ trương tinh gọn bộ máy hành chính và đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan công quyền. 

Cử tri phản ánh, hệ thống cống và các tuyến kênh mương dẫn nước từ công trình hồ Rào Đá đã bị xuống cấp, chưa đáp ứng năng lực tưới tiêu và gây nên tình trạng ngập úng, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất và đời sống dân sinh; cần có chế tài quản lý, xử phạt các cơ sở kinh doanh, buôn bán thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi, phân bón kém chất lượng. Cử tri là đồng bào dân tộc Vân Kiều kiến nghị Chính phủ cần có chính sách để giải quyết việc làm cho sinh viên thuộc diện cử tuyển sau khi tốt nghiệp ra trường; giải quyết các chế độ chính sách đối với người có công, trong đó có việc triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở cho các đối tượng có công với cách mạng. 

Tại buổi tiếp xúc, đồng chí Nguyễn Văn Bình đánh giá cao các ý kiến tâm huyết, có trách nhiệm của cử tri. Những ý kiến đề xuất, kiến nghị của cử tri sẽ được Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tiếp thu và trình lên kỳ họp tới. 

Trước đó, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình đã chứng kiến Lễ trao 1 tỷ đồng của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam hỗ trợ nhân dân tỉnh Quảng Bình khắc phục hậu quả bão số 10 vừa qua. 



* Trong 2 ngày 30/11 và 1/12, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai do đồng chí Bùi Văn Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam dẫn đầu, đã tiếp xúc cử tri tại 3 huyện Chư Sê, Ia Pa và Chư Pưh nhằm tháo gỡ những khó khăn, bức xúc chưa được giải quyết thấu đáo trong nhân dân. 

Tại các buổi tiếp xúc, cử tri các địa phương đã tập trung kiến nghị nhiều vấn đề liên quan đến các doanh nghiệp kinh doanh gây ô nhiễm môi trường khu dân cư; hạ tầng giao thông xuống cấp trầm trọng ảnh hưởng đến giao thương hàng hóa của người dân; chế độ hỗ trợ cho người cao tuổi... 

Liên quan đến những khó khăn trong phát triển kinh tế, các cử tri mong muốn được Nhà nước hỗ trợ, tạo cơ chế khoanh nợ, giãn nợ cho người nông dân, bởi giá nông sản thời gian qua luôn ở mức thấp, hồ tiêu nhiễm bệnh chết hàng loạt khiến nông dân lâm vào cảnh khó khăn. 

Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Bùi Văn Cường cùng với lãnh đạo các địa phương đã chia sẻ, trả lời và giải quyết một số vụ việc cử tri quan tâm thuộc thẩm quyền. Đối với những vụ việc thuộc thẩm quyền của Trung ương, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh ghi nhận, tiếp thu và cam kết sẽ kiến nghị Quốc hội, Chính phủ và các bộ ngành để trả lời cử tri trong thời gian sớm nhất./. 

TG tổng hợp

Phản hồi

Các tin khác

Thủ tướng chỉ đạo việc xử lý hàng hải sản tồn đọng tại 4 tỉnh bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường biển

Thủ tướng chỉ đạo việc xử lý hàng hải sản tồn đọng tại 4 tỉnh bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường biển Hà Nội (TTXVN 30/11) Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa có ý kiến chỉ đạo về việc xử lý hàng hải sản tồn đọng và các đối tượng tồn đọng khác tại địa bàn 4 tỉnh bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường biển. Để hoàn thành dứt điểm việc bồi thường, hỗ trợ các đối tượng bị thiệt hại do ảnh hưởng của sự cố môi trường biển tại 4 tỉnh miền Trung, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các Quyết định số 1880/QĐ-TTg ngày 29/9/2016, Quyết định số 309/QĐ-TTg ngày 09/03/2017 về ban hành định mức bồi thường thiệt hại cho các đối tượng tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên – Huế bị thiệt hại do sự cố môi trường biển. Trên cơ sở báo cáo của UBND 4 tỉnh, kiến nghị của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về báo cáo số liệu hàng hải sản tồn đọng và các đối tượng tồn đọng khác theo Thông báo số 506/TB-VPCP, ý kiến thống nhất của lãnh đạo các Bộ: Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Y tế và Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đồng ý hỗ trợ chủ cơ sở có hàng hải sản tồn đọng và các đối tượng tồn đọng khác tại địa bàn 4 tỉnh bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường biển. Cụ thể, mức hỗ trợ đối với sản phẩm sứa, hỗ trợ 100% giá trị lô hàng; đối với hàng hải sản tồn đọng khác, hỗ trợ 30% giá trị lô hàng. Khối lượng hàng hải sản tồn đọng của 4 tỉnh tối đa là 5.453,8 tấn với tổng kinh phí tối đa là 242,6 tỷ đồng. Cụ thể như sau: Tỉnh Hà Tĩnh 2.708,6 tấn, kinh phí hỗ trợ 150,2 tỷ đồng; tỉnh Quảng Bình 1.101,1 tấn, kinh phí hỗ trợ 48,5 tỷ đồng; tỉnh Quảng Trị 1.501,0 tấn, kinh phí hỗ trợ 42,7 tỷ đồng; tỉnh Thừa Thiên - Huế 143,1 tấn, kinh phí hỗ trợ 1,2 tỷ đồng. Hàng hải sản tồn đọng được hỗ trợ phải được kiểm tra và xác nhận là có thật trong kho đến thời điểm cơ quan có thẩm quyền kiểm kê kho hàng (có biên bản kiểm kê của cơ quan có thẩm quyền); có hóa đơn, chứng từ hoặc bằng chứng xác thực khác chứng minh được thu mua trên địa bàn trong giai đoạn xảy ra sự cố môi trường biển, không tiêu thụ được, hoặc trường hợp không có hóa đơn, chứng từ hay bằng chứng chứng minh nêu trên thì phải có xác nhận của đại diện cộng đồng dân cư khu vực (lưu ý đại diện cộng đồng dân cư khu vực ít nhất phải gồm có đại diện các thành phần: Mặt trận Tổ quốc, Chi bộ, Tổ dân phố, các đoàn thể như phụ nữ, cựu chiến binh….) để làm căn cứ hỗ trợ. Đối với các đối tượng tồn đọng khác: Tổng mức kinh phí hỗ trợ tối đa là 341,3 tỷ đồng, cụ thể: tỉnh Hà Tĩnh 121,8 tỷ đồng (hỗ trợ 4.244 lao động vùng cửa sông, ven cửa sông, 2.954 chủ và người lao động tại các cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá); tỉnh Quảng Bình 214,4 tỷ đồng (hỗ trợ 15.022 lao động thu mua, sơ chế, chế biến thủy sản; dịch vụ hậu cần nghề cá, thu mua tạm trữ thủy sản; người lao động thường xuyên thuộc địa bàn các xã/phường/thị trấn ven cửa sông); tỉnh Quảng Trị 0,32 tỷ đồng (hỗ trợ Trung tâm giống thủy sản bị thiệt hại 3,6 triệu con giống); tỉnh Thừa Thiên - Huế 4,73 tỷ đồng (lưu ý không hỗ trợ đối tượng là chủ và người lao động trong các cửa hàng ăn uống ở trong các khu nghỉ dưỡng, khách sạn ven biển và bán quán, dịch vụ khách du lịch ven quốc lộ 1 ở thị trấn Lăng Cô). Định mức hỗ trợ: Áp dụng định mức chi trả, hỗ trợ các đối tượng đã được quy định tại Quyết định số 1880/QĐ-TTg ngày 29/9/2016 và Quyết định số 309/QĐ-TTg ngày 09/3/2017 của Thủ tướng Chính phủ. Trình tự, thủ tục hỗ trợ thực hiện theo quy định tại Quyết định số 12/QĐ-TTg ngày 06/01/2017 của Thủ tướng Chính phủ. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Chủ tịch UBND 4 tỉnh thực hiện đúng ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 506/TB-VPCP ngày 30/10/2017, bảo đảm xử lý chặt chẽ, không có khiếu kiện, khiếu nại. Trường hợp tỉnh nào phát sinh thêm số lượng, tỉnh đó có trách nhiệm thu xếp kinh phí của tỉnh chi trả. Thủ tướng Chính phủ giao Chủ tịch UBND các tỉnh: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện hỗ trợ theo đúng nội dung quy định, quyết định chi trả tiền hỗ trợ cho từng trường hợp cụ thể theo đúng quy định, đúng tiêu chí, đúng đối tượng, đảm bảo công tác chi trả phải công khai, minh bạch; chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật, trước Thủ tướng Chính phủ về kết quả thực hiện. Báo cáo kết quả thực hiện về Thường trực Ban Chỉ đạo (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn). Trên cơ sở thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 408/TB-VPCP ngày 1/9/2017 về việc chuyển kinh phí thực hiện chính sách hỗ trợ đóng mới tàu cá đã được giao tại Quyết định số 12/QĐ-TTg sang thực hiện các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng dịch vụ hậu cần nghề cá (tập trung vào cảng cá, bến cá), đồng ý phân bổ cho mỗi địa phương 400 tỷ đồng để đầu tư cơ sở hạ tầng dịch vụ hậu cần nghề cá. Thủ tướng Chính phủ giao Chủ tịch UBND 4 tỉnh chủ động đề xuất các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng dịch vụ hậu cần nghề cá tại địa phương, đảm bảo hiệu quả gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để xem xét, tổng hợp, cân đối trên cơ sở đảm bảo phù hợp với phương án phân bổ kinh phí đã được phê duyệt và nhu cầu của địa phương, báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc thực hiện việc hỗ trợ theo quy định./. Lưu ra file

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất