Thứ Bảy, 28/9/2024
Đời sống
Chủ Nhật, 18/3/2012 9:15'(GMT+7)

Cuối xuân này lên Mường Nhé

Học sinh Trường Chung Chải trong ngày đón nhận bàn giao nhà nội trú dân nuôi. Bài và ảnh: HỒNG ANH

Học sinh Trường Chung Chải trong ngày đón nhận bàn giao nhà nội trú dân nuôi. Bài và ảnh: HỒNG ANH

Dường như bao mệt mỏi tan biến khi được nhìn thấy những gương mặt tươi vui của các em học sinh xúng xính trong trang phục dân tộc ùa ra đón chào đoàn. Không vui sao được, bởi lời bày tỏ của thầy giáo Hiệu trưởng Đỗ Văn Đà: Hôm nay, Trường THCS xã Chung Chải được chính thức bàn giao khu nhà ở dân nuôi với 30 phòng học và một gian bếp khang trang, kiên cố do VietinBank tài trợ xây dựng.

Được thành lập từ năm 2005, Trường Chung Chải ban đầu gộp chung hai cấp tiểu học và THCS, đến tháng 6-2007, được tách riêng thành hai trường. Ngày đầu tách trường, cơ sở vật chất còn tạm bợ, phòng học được làm chủ yếu bằng tranh tre, nứa lá, cho nên việc vận động học sinh đến trường rất khó khăn. Nhưng kể từ khi được xây dựng kiên cố và đưa vào sử dụng (tháng 10-2009), trường đã vận động được đông đủ con em đồng bào các dân tộc thiểu số đi học, tỷ lệ học sinh bỏ học giảm đáng kể theo từng năm. Hiện nay, toàn trường có 15 lớp với 414 học sinh, chủ yếu là người dân tộc Hà Nhì, Mông và Si La. Trường có 347 học sinh nội trú, hầu hết các em đều có hoàn cảnh khó khăn, nhà cách xa trường từ 10 đến hơn 20 cây số.

Dẫn chúng tôi đến túp lều được dựng tạm bằng tre nứa và bạt nhựa, em Và Thị Rợ, lớp 7A1, Trường THCS xã Chung Chải, người dân tộc Mông, bản Cà Là Pá, xã Leng Xu Sìn, bẽn lẽn:

- Nhà em cách xa trường gần mười cây số. Mỗi lần đi bộ về nhà mất hơn hai giờ nên em phải ở lại trường, cuối tuần mới về nhà.

Những phòng ở được quây tạm bằng phên nứa. Vào những ngày đầu năm học, bố mẹ các em cùng thầy giáo, cô giáo phải vào rừng chặt tre, nứa về làm nhà tạm. Nhiều hôm gió to làm bay mất mái, các em lại líu ríu dắt nhau trú tạm vào mấy phòng vững chãi hơn bên cạnh đó. Gương mặt Và Thị Rợ chợt đổi nét hân hoan, em chỉ tay sang phía sườn đồi trước mặt, nơi có dãy nhà khang trang, kiên cố xây đối diện dãy nhà tạm, rồi khoe:

- Từ mai em sẽ được chuyển sang ở trong dãy nhà mới đấy. Nhà sạch đẹp, ấm áp hơn. Có nhiều giường nằm, lại có chăn ấm, có bàn ngồi học bài. Chúng em cũng không còn lo nhà bị tốc mái khi ông trời nổi gió lớn.

Cùng với Trường Chung Chải, chung niềm vui đón nhận khu nhà ở nội trú dân nuôi đợt này còn có thêm năm điểm trường tiểu học, THCS tại các xã Pá Mì, Nà Khoa, Nậm Pồ, Chà Cang và Na Cô Sa của huyện Mường Nhé. Tại buổi bàn giao nhà ở nội trú dân nuôi cho chính quyền địa phương, Phó Chủ tịch thường trực Công đoàn VietinBank Nguyễn Thị Thanh Xuân xúc động nói:

- Được biết, Điện Biên là tỉnh đặc biệt khó khăn, nhu cầu xây dựng nhà ở cho hộ nghèo và các em học sinh rất lớn, cho nên từ năm 2010, VietinBank luôn quan tâm đầu tư hỗ trợ, đến nay số tiền gần 18 tỷ đồng, để xây dựng nhà ở cho hộ nghèo và hệ thống nhà ở nội trú dân nuôi cho các huyện vùng sâu, vùng xa. Dự án xây dựng nhà ở nội trú dân nuôi tại sáu điểm trường của huyện Mường Nhé được khởi công từ giữa năm 2011, đến Xuân Nhâm Thìn này được cơ bản hoàn thành và đưa vào sử dụng. Với 84 phòng học nội trú có thể tạo điều kiện cho gần 700 em học sinh đến ở và học tập; ngoài ra còn tám gian nhà bếp, hơn 300 bộ chăn, chiếu, màn,... Tổng kinh phí xây dựng là 13,4 tỷ đồng, trong đó VietinBank tài trợ 10,6 tỷ đồng. Đây là trách nhiệm nhưng cũng chính là tình cảm của tập thể cán bộ, nhân viên VietinBank nhằm chia sẻ khó khăn, tạo điều kiện động viên, hỗ trợ các em học sinh vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn yên tâm sinh hoạt và học tập.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên Lê Văn Quý cho biết: Mô hình trường có học sinh nội trú dân nuôi phù hợp điều kiện thực tế của giáo dục vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn trong phát triển kinh tế - xã hội. Học sinh nhà ở xa trường không thể đi học và trở về gia đình ngay trong ngày, cho nên để theo học, các em phải nội trú tại các trường trên địa bàn xã, cụm xã hoặc xã lân cận. Cùng với các loại hình trường khác, trường phổ thông có học sinh nội trú dân nuôi đã góp phần quan trọng vào việc thực hiện mục tiêu phổ cập giáo dục tiểu học, nhằm nâng cao dân trí và phát triển nguồn nhân lực cho địa phương.

Nhiều năm qua, từ tỉnh đến xã đã có nhiều biện pháp nhằm huy động các nguồn lực, nhất là từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh hỗ trợ đầu tư xây dựng hệ thống nhà ở cho học sinh nội trú dân  nuôi. Nhưng hệ thống nhà ở cho học sinh nội trú dân nuôi ở các huyện vùng cao Điện Biên hầu hết vẫn được làm bằng vật liệu tạm (tranh, tre, nứa, lá), cho nên không bảo đảm cả về diện tích và sự an toàn, làm ảnh hưởng tới chất lượng học tập, sinh hoạt, sức khỏe của các em. Riêng huyện Mường Nhé, do thiếu phòng nội trú, số đông học sinh vẫn phải ở lán tạm trong điều kiện vật chất thiếu thốn. Năm học 2011-2012, cả huyện Mường Nhé có hơn 19.800 học sinh ở 52 trường học các cấp; trong đó, 11 trường tiểu học và THCS nội trú. Hầu hết, các trường nội trú trong huyện đều thiếu nhà ở cho học sinh. Theo thầy giáo Hiệu trưởng Đỗ Văn Đà, Trường THCS Chung Chải vừa được tiếp nhận khu nhà ở nội trú gồm 30 phòng do VietinBank tài trợ cùng với năm phòng thuộc Dự án 30a, nhưng cũng mới chỉ đáp ứng được chỗ ở cho khoảng 240 học sinh, còn hơn 100 em vẫn phải ở trong lán tạm.

- Hiện đang có một đề án mới đầu tư xây dựng hệ thống nhà ở cho học sinh nội trú dân nuôi giai đoạn 2009-2013 - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Xuân Kôi thông báo với đoàn công tác chúng tôi. Chính phủ cũng vừa phê duyệt Đề án phát triển hệ thống các trường PTDT bán trú.

Tuy nhiên, việc đầu tư xây nhà nội trú dân nuôi cho học sinh tiểu học và THCS trên địa bàn mới chỉ đáp ứng được khoảng 50% nhu cầu thực tế. Từ nguồn vốn của Chương trình 30a thông qua Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, mới có hai huyện Mường Ảng và Tủa Chùa được đầu tư toàn diện cho các trường THCS trên địa bàn, với tổng kinh phí khoảng 60 tỷ đồng. Riêng Mường Nhé được VietinBank đầu tư hơn mười tỷ đồng xây nhà nội trú dân nuôi. Một số huyện khác cũng có một số tập đoàn và tổng công ty đầu tư với số tiền khoảng năm tỷ đồng. Còn lại, do nguồn lực của tỉnh còn hạn chế, cho nên vẫn rất cần có sự tham gia đóng góp nhiều hơn nữa của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh.

Buổi chiều cuối xuân ấm áp, tạm biệt khu nhà ở dân nuôi xã Chung Chải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên Phạm Xuân Kôi như muốn níu kéo cả đoàn công tác chúng tôi ở lại thêm với Mường Nhé. Đồng chí nói:

- Mô hình nội trú dân nuôi ở Mường Nhé đang làm thay đổi nhận thức của đồng bào các dân tộc thiểu số về sự nghiệp giáo dục và đào tạo đối với vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Tuy nhiên, trong thời gian tới, để mô hình này phát huy hiệu quả hơn cần sự quan tâm của các cấp chính quyền, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh đầu tư xây dựng, tạo điều kiện để con em đồng bào các dân tộc thiểu số đến trường và yên tâm học tập.


Theo Nhân Dân

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất