Chủ Nhật, 29/9/2024
Đời sống
Thứ Sáu, 30/12/2011 22:34'(GMT+7)

Đa dạng các hoạt động bảo đảm an sinh xã hội

Các địa phương triển khai nhiều hoạt động nhằm đảm bảo an sinh xã hội

Các địa phương triển khai nhiều hoạt động nhằm đảm bảo an sinh xã hội

* Tặng quà, khám bệnh cho đồng bào Raglai nghèo

Trong chương trình “Tuổi trẻ hành động vì người nghèo”, ngày 30/12, Tỉnh đoàn Khánh Hòa phối hợp với Công ty Bảo hiểm nhân thọ Prudential và Hội thầy thuốc trẻ tỉnh Khánh Hòa tổ chức tặng 70 phần quà, khám chữa bệnh miễn phí cho hơn 250 lượt người là đồng bào Raglai nghèo ở thôn Đá Mài (xã Diên Tân, huyện Diên Khánh).

Đá Mài là một thôn nghèo, hầu hết đồng bào ở đây là dân tộc Raglai, đa số sống bằng nghề nông, có cuộc sống khó khăn. Người dân nơi đây rất vui mừng vì được tặng quà và được các bác sĩ đến tận thôn khám chữa bệnh, phát thuốc. Ông Nguyễn Trọng Trung, Phó Bí thư Tỉnh đoàn Khánh Hòa cho biết: “Mỗi phần quà có giá trị 200 nghìn đồng gồm những thực phẩm cần thiết như dầu ăn, bột ngọt, đường, sữa… Món quà tuy nhỏ, nhưng thể hiện tấm lòng của thanh niên tỉnh nhà, góp phần động viên đồng bào thiểu số Raglai nhân dịp cuối năm, đón tết Nhâm Thìn”.

Ngoài tài trợ 15 triệu đồng cho chương trình “Khám bệnh- Phát thuốc”, cùng dịp này, Công ty bảo hiểm nhân thọ Prudential cùng Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Khánh Hòa tặng 25 triệu đồng xây dựng nhà “Mái ấm tình thương” tại thị xã Ninh Hòa.

* Quỹ "Vì nỗi đau da cam" của TTXVN tặng quà nạn nhân da cam

Ngày 30/12, thừa ủy quyền của Quỹ "Vì nỗi đau da cam" của TTXVN, Phân xã TTXVN tại Nam Định phối hợp với Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh đã tổ chức tặng quà cho 5 gia đình nạn nhân chất độc da cam trên địa bàn, mỗi suất quà trị giá 1.000.000 đồng. Cũng nhân dịp này, TTXVN đã trao tặng xe lăn cho 5 đối tượng ở các huyện Hải Hậu, Ý Yên, Xuân Trường và TP.Nam Định. Các đối tượng này đều có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Phát biểu tại buổi lễ, đại diện các gia đình nạn nhân đã cảm động bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc và coi đây là món quà ý nghĩa, giúp họ vơi đi phần nào nỗi đau do chất độc da cam gây ra. Ông Nguyễn Trung Tính, Chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Nam Định cho biết: Tỉnh Nam Định nằm trong số các địa phương có số lượng nạn nhân nhiều nhất trong cả nước. Trong nhiều năm qua, Quỹ "Vì nỗi đau da cam" của TTXVN đã thường xuyên giúp đỡ, chia sẻ, tặng xe lăn, máy vi tính, bò sinh sản, cùng nhiều việc làm thiết thực khác cho nhiều nạn nhân chất độc da cam tại khắp các địa phương trong tỉnh, giúp họ vơi bớt một phần khó khăn, mất mát, vươn lên trong cuộc sống.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, hàng chục vạn thanh niên của quê hương Nam Định đã tình nguyện lên đường vào chiến trường miền Nam chiến đấu giành độc lập tự do cho dân tộc. Trong số họ, ngoài những người bị hy sinh hoặc bị thương tật, gần 30 nghìn người đã bị phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin. Hiện nay, toàn tỉnh có gần 12,4 nghìn nạn nhân chất độc da cam/đioxin được hưởng các chế độ ưu đãi của Nhà nước. Trong 5 năm qua, các cấp Hội trong tỉnh đã vận động quyên góp gần 3,5 tỷ đồng để hỗ trợ, giúp đỡ, chăm sóc các nạn nhân, xây sửa nhà tình nghĩa và hỗ trợ vốn sản xuất cho gia đình các nạn nhân.

* Tặng người nghèo Quảng Ngãi 2.000 suất quà Tết

Trong 2 ngày 30-31/12, Công ty Cổ phần bệnh viện Dầu khí Việt Nam trao 2.000 suất quà Tết tặng người nghèo tỉnh Quảng Ngãi theo chương trình “An sinh xã hội” do Tổng công ty cổ phần bảo hiểm Dầu khí Việt Nam (PVI) tài trợ.

Số quà trên được trao tặng 550 hộ nghèo của huyện Bình Sơn, 800 hộ nghèo huyện Sơn Tịnh và 650 hộ nghèo TP.Quảng Ngãi, với tổng kinh phí là 2 tỷ đồng, mỗi suất quà trị giá 1 triệu đồng gồm 500.000 đồng tiền mặt và 50kg gạo.

Trước đó, tháng 9/2011, PVI cũng đã trao tặng Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Quảng Ngãi 2 tỷ đồng thông qua chương trình khám chữa bệnh, phát thuốc miễn phí cho các đối tượng chính sách, gia đình nghèo trong tỉnh và giao cho Công ty Cổ phần Bệnh viện Dầu khí Việt Nam thực hiện.

* Quảng Nam phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 12%

Nhằm cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của người nghèo, góp phần thu hẹp chênh lệch mức sống giữa nông thôn và thành thị, giữa các vùng, các dân tộc và các nhóm dân cư, UBND tỉnh Quảng Nam triển khai Chương trình hỗ trợ giảm nghèo giai đoạn 2011 - 2015, định hướng đến năm 2020.

Theo đó, tỉnh tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền trong Chương trình hỗ trợ giảm nghèo; phát huy vai trò Mặt trận và các hội, đoàn thể, người dân trong công tác tuyên truyền, vận động, huy động nguồn lực giảm nghèo, tổ chức thực hiện và giám sát đánh giá chương trình; tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả các cơ chế, chính sách hỗ trợ giảm nghèo, tạo điều kiện để hộ nghèo phát triển sản xuất, tăng thu nhập và tiếp cận các dịch vụ an sinh xã hội; thực hiện chính sách hỗ trợ đặc thù đối với người nghèo, cận nghèo, người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn; thực hiện tốt công tác điều tra, rà soát xác định đối tượng để phục vụ có hiệu quả các cơ chế, chính sách hỗ trợ giảm nghèo; nâng cao năng lực, hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ giảm nghèo các cấp… Tỉnh phấn đấu từ nay đến năm 2015, mỗi năm giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân từ 2,5% - 3%; đến năm 2015 giảm tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 12%. Các huyện, xã nghèo miền núi phấn đấu giảm bình quân 4%/năm; giảm tỷ lệ hộ cận nghèo còn dưới 5% vào cuối năm 2015 và đến năm 2020 không còn hộ nghèo theo tiêu chí quy định.

Ngoài các cơ chế, chính sách do Chính phủ quy định và hỗ trợ thực hiện từ nguồn ngân sách trung ương, các chính sách hỗ trợ đặc thù của tỉnh ban hành do ngân sách tỉnh cấp để hỗ trợ thực hiện lên đến gần 164 tỷ đồng; trong đó hỗ trợ hộ nghèo về giáo dục là 41,701 tỷ đồng; hỗ trợ hộ cận nghèo về y tế và tín dụng 94,933 tỷ đồng; hỗ trợ về y tế đối với người dân tộc thiểu số tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng khó khăn là 20,225 tỷ đồng… Hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Quảng Nam ở mức 24,18%, hộ cận nghèo 14,02%, cao hơn so với bình quân cả nước. Số hộ thoát nghèo nhưng mức thu nhập nằm sát chuẩn nghèo vẫn còn nhiều, có khả năng tái nghèo cao; chênh lệch giàu nghèo giữa các vùng, nhóm dân cư vẫn còn khá lớn, đời sống người nghèo còn nhiều khó khăn, nhất là ở khu vực miền núi, vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số./.

TG tổng hợp

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất