Nhằm khống chế không để bệnh tay chân miệng bùng phát, giảm tỷ lệ ca mắc và hạn chế thấp nhất tử vong, Sở Y tế thành phố Đà Nẵng đã chỉ đạo Trung tâm y tế dự phòng các quận, huyện, các bệnh viện trên địa bàn thành phố triển khai các biện pháp phòng, chống. Trong đó, tập trung các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm, tăng cường công tác kiểm soát nhiễm khuẩn tại cơ sở y tế, tổ chức tốt hoạt động phân tuyến điều trị ...
Bác sỹ Nguyễn Tam Lãm - Trưởng Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm và vắc-xin sinh phẩm, Trung tâm Y tế dự phòng thành phố Đà Nẵng cho biết: Trung tâm Y tế dự phòng thành phố đẩy mạnh các hoạt động hướng dẫn Trung tâm y tế các quận, huyện giám sát chặt chẽ diễn biến bệnh tay chân miệng trên địa bàn, kịp thời triển khai các biện pháp xử lý ổ dịch triệt để. Đồng thời, Trung tâm tiếp tục tổ chức tập huấn và tập huấn lại cho nhân viên y tế trong hệ thống giám sát dịch; hỗ trợ chuyên môn, kỹ thuật cho Trung tâm y tế các quận, huyện trong giám sát, xử lý ổ dịch; tổ chức lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm xác định virút gây bệnh và đảm bảo nhân lực, cơ số hóa chất, trang thiết bị cho công tác phòng, chống dịch.
Bác sỹ Nguyễn Tam Lãm cho biết thêm: Đây là thời điểm bắt đầu mùa mưa nên bệnh sốt xuất huyết và bệnh tay chân miệng trên địa bàn thành phố đang có chiều hướng gia tăng theo tuần (trung bình 1 tuần có từ 30 - 40 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng), chỉ tính riêng trong tuần vừa qua đã có 19 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết, tăng gấp 2 lần so với tuần trước đó, chủ yếu ở trẻ em dưới 5 tuổi. Các quận: Hải Châu, Liên Chiểu, Cẩm Lệ là những địa bàn có nhiều trường hợp mắc bệnh tay chân miệng và một số bệnh, dịch khác, bởi đây là những địa bàn thường tập trung đông công nhân lao động sinh sống, chưa đảm bảo môi trường, vệ sinh chưa tốt, nhiều nơi ẩm thấp.
Từ nay đến cuối năm, khi thời tiết vào mùa mưa, nguy cơ lây truyền bệnh tay chân miệng và các bệnh, dịch khác sẽ có chiều hướng gia tăng. Vì vậy, Trung tâm Y tế dự phòng thành phố Đà Nẵng khuyến cáo: hiện chưa có vắc xin phòng bệnh và thuốc điều trị đặc hiệu bệnh tay chân miệng. Do đó để phòng bệnh, người dân cần rửa tay thường xuyên với xà phòng, làm sạch môi trường và các vật dụng, tránh tiếp xúc gần với trẻ em bị bệnh.
Đối với những trẻ mắc bệnh, tuyệt đối không cho trẻ đi mẫu giáo, nhà trẻ, trường học, đến nơi đông người. Nếu thấy trẻ có biểu hiện: sốt, đau họng, loét miệng lợi lưỡi, phỏng nước ở lòng bàn tay, bàn chân, gối...thì phải đưa trẻ đến các cơ sở y tế để điều trị../.
TG