Tại Hội nghị tổng kết công tác ngành y tế năm 2017 và phương hướng nhiệm
vụ năm 2018 vào chiều 24/1, Phó Giám đốc Sở Y tế TP. Đà Nẵng Nguyễn
Tiên Hồng cho biết chất lượng khám chữa bệnh tại các bệnh viện tuyến
thành phố ngày một nâng cao, trong đó, việc áp dụng nhiều kỹ thuật tiên
tiến, hiện đại vào công tác chẩn đoán và điều trị góp phần không nhỏ.
Trong năm, Bệnh viện Đà Nẵng đã triển khai 35 kỹ thuật mới, trong đó
14 kỹ thuật lâm sàng và 21 kỹ thuật cận lâm sàng. Điển hình là kỹ thuật
ứng dụng hệ thống định vị trong phẫu thuật u não vi phẫu ít xâm lấn,
nong van hai lá qua da trong điều trị hẹp van hai lá, phẫu thuật bóc
tách động mạch chủ ngực stanford A, tiêu sợi huyết não thất trong xuất
huyết não, siêu âm Doppler xuyên sọ, triển khai cấy ghép tế bào gốc ca
thứ 9 với sự tham gia của các chuyên gia bệnh viện Kitano/Osaka và Viện
nghiên cứu TRI Nhật Bản…
Tại Bệnh viện Phụ sản-Nhi Đà Nẵng-bệnh viện Phụ sản-Nhi lớn nhất khu
vực miền Trung-Tây Nguyên, có 90 kỹ thuật mới đã được triển khai. Đáng
chú ý, thông qua chương trình chữa trị hiếm muộn, trong số 427 bệnh nhân
chuyển phôi có 158 trường hợp có thai lâm sàng, đạt tỷ lệ 37%, tổng số
em bé ra đời do thụ tinh trong ống nghiệm từ lúc triển khai đến nay là
288 em bé. Ngoài ra, đây cũng là bệnh viện đầu tiên của cả nước xây dựng
Ngân hàng Sữa mẹ vào tháng 2/2017, được Bộ Y tế, Tổ chức Y tế thế giới
đánh giá cao. Trong năm 2017, ngân hàng đã cung cấp hơn 1.000 lít sữa
cho 2.647 trẻ sơ sinh.
Năm vừa qua, Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng đã trở thành bệnh viện vệ
tinh của Bệnh viện Ung bướu TPHCM, ký hợp đồng chuyển tuyến điều trị,
theo đó Bệnh viện Ung bướu TPHCM sẽ chuyển những bệnh nhân có chỉ định
điều trị chăm sóc giảm nhẹ và xạ trị ngoài các bệnh lý ung thư đến điều
trị tại Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng làm giảm đáng kể chi phí đi lại và
sinh hoạt cho bệnh nhân.
Bên cạnh đó, các Trung tâm y tế tuyến quận, huyện cũng triển khai
nhiều kỹ thuật mới như: Mổ phaco, mổ nội soi tai mũi họng, phẫu thuật
nội soi ruột thừa viêm, u xơ tiền liệt tuyến, mổ chấn thương, chụp CT,
điện tim gắng sức… đáp ứng nhu cầu của người dân tại địa phương, thu hút
ngày càng đông người bệnh từ nơi khác đến khám, góp phần giảm tải cho
tuyến trên, đặc biệt khi triển khai thông tuyến khám, chữa bệnh BHYT.
Theo BS. Nguyễn Tiên Hồng, trong năm 2017, số lượt khám bệnh trên địa
bàn thành phố đạt hơn 3,7 triệu lượt, tăng 0,94% so với năm 2016, tỷ lệ
bệnh nhân BHYT ngoại trú ở tuyến quận, huyện chiếm 91,9%. Số bệnh nhân
nội trú là hơn 416 nghìn người, tăng 14,47% so với năm 2016, tỷ lệ bệnh
nhân BHYT nội trú tuyến quận, huyện chiếm 94,8%.
Về công tác BHYT, với sự chỉ đạo quyết liệt của các đơn vị, TP. Đà
Nẵng là một trong những địa phương đạt tỷ lệ người dân tham gia BHYT cao
nhất nước với tỷ lệ đạt 95,5%.
Năm 2017, công tác cải cách hành chính cũng đã được chú trọng, tạo
điều kiện cho người dân tiếp cận các dịch vụ y tế một cách thuận lợi và
nhanh chóng nhất.
Đồng thời, các bệnh viện công và ngoài công lập đã triển khai nhiều
giải pháp, sáng kiến, cải tiến quy trình khám chữa bệnh. Khu tiếp nhận
của tất cả các bệnh viện đều thực hiện hệ thống bấm số tự động và phân
luồng bệnh nhân đến thẳng các phòng khám, sử dụng đầu đọc mã vạch thẻ
BHYT, cấp mã bệnh nhân để theo dõi, quản lý quá trình khám chữa bệnh của
bệnh nhân, đặc biệt có bệnh viện đã triển khai nhận dạng bệnh nhân qua
dấu vân tay, sử dụng bệnh án điện tử.
Các bệnh viện đã bố trí quầy ưu tiên và hệ thống lấy số riêng cho đối
tượng được ưu tiên (người cao tuổi, người tàn tật). Các bệnh viện đã
tăng số bàn hướng dẫn, tăng số bàn khám, đặc biệt là vào các ngày đầu
tuần và sau các ngày nghỉ lễ, tăng thêm quầy thanh toán BHYT, thanh toán
viện phí ngoại trú và nội trú; bố trí bàn thu viện phí tại nơi làm xét
nghiệm và chẩn đoán hình ảnh nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh nhân,
rút ngắn thời gian khám bệnh của người bệnh từ 30-40 phút.
Giám đốc Sở Y tế Ngô Thị Kim Yến nhấn mạnh, phương châm của ngành y
tế Thành phố là chú trọng phát triển kỹ thuật y tế chuyên sâu theo hướng
“đa khoa rộng, chuyên khoa sâu và hội nhập khu vực” nhằm tạo điều kiện
cho người dân trên địa bàn thành phố được tiếp cận các dịch vụ y tế kỹ
thuật cao, hiện đại.
Ngành y tế thành phố sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác xã hội hoá, đầu tư
cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị hiện đại, triển khai toàn diện
các giải pháp chống quá tải bệnh viện, kiện toàn mạng lưới bệnh viện
chuyên khoa về ung bướu, tim mạch…Trước mắt, thực hiện công tác chuẩn bị
đầu tư cho các công trình cơ sở 2 Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện Phụ
sản-Nhi, xây dựng hệ thống cấp cứu y tế biển đảo… nhằm giảm quá tải, đáp
ứng nhu cầu ngày càng tăng.
Đồng thời tập trung thực hiện 3 nhiệm vụ trọng tâm gồm: Quản lý sức
khoẻ công dân đạt 40% dân số; xây dựng hệ thống phát đồ điều trị, quy
trình kỹ thuật, hướng dẫn thực hiện đạt 60% danh mục kỹ thuật được phê
duyệt và thành lập Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP. Đà Nẵng trên cơ sở
hợp nhất 6 đơn vị thuộc hệ dự phòng./.
(Nguồn: VGP)