Sáng nay (28/7), tại Thủ đô Hà Nội đã long trọng diễn ra Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XI với sự có mặt của gần 950 đại biểu chính thức đại diện cho ý chí, nguyện vọng và trí tuệ của giai cấp công nhân và công đoàn cả nước.
Đại hội vinh dự được đón: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu; nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng; nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An; Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Huỳnh Đảm đến dự; Đại hội vinh dự và phấn khởi được đón tiếp các đồng chí Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng; các đồng chí Phó Chủ tịch nước; Phó Chủ tịch Quốc hội; Phó Thủ tướng Chính phủ; các đồng chí lãnh đạo lão thành của Đảng, Nhà nước… Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười, Nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh đã gửi lẵng hoa chào mừng Đại hội.
Phát biểu khai mạc Đại hội, ông Đặng Ngọc Tùng, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam khóa X nêu rõ: 5 năm qua là một giai đoạn nổi bât của sự nghiệp đổi mới, trong bối cảnh đất nước ta còn gặp nhiều khó khăn, thách thức do tác động của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu; người lao động chịu ảnh hưởng rất nhiều, đặc biệt là những vấn đề về việc làm, tiền lương, thu nhập, nhà ở, đời sống CNLĐ... Song, với bản lĩnh của giai cấp công nhân, với tinh thần năng động, sáng tạo, đội ngũ đoàn viên, người lao động vẫn tiếp tục phát triển về số lượng và nâng cao chất lượng, tin tưởng, ủng hộ đường lối lãnh đạo của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, quyết tâm vượt qua khó khăn trong lao động, sản xuất, công tác, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, theo Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ đề ra.
Cùng với đất nước, tổ chức Công đoàn, với vai trò, chức năng của mình trong nhiệm kỳ qua đã có nhiều đổi mới về nội dung, phương thức hoạt động, đạt nhiều kết quả quan trọng và hoàn thành các nhiệm vụ, chỉ tiêu chủ yếu do Đại hội X Công đoàn Việt Nam đề ra, đã kịp thời cổ vũ, động viên phong trào công nhân, viên chức, lao động, tạo tiền đề hết sức quan trọng trong hoạt động công đoàn những năm tiếp theo.
Nhiều hoạt động công đoàn được Đảng, Nhà nước đánh giá cao, như: Nghiên cứu, xây dựng Dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) trình Quốc hội, tham gia xây dựng Bộ luật Lao động năm 2012; đồng hành cùng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh, chăm lo đời sống, đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên và người lao động, xây dựng quan hệ lao động hài hoà, ổn định, tiến bộ tại doanh nghiệp; chủ động, tích cực trong việc vận động, thành lập nghiệp đoàn nghề cá ở những tỉnh, thành phố ven biển, ủng hộ, động viên, hỗ trợ ngư dân bám biển… đã góp phần nâng cao vị thế tổ chức công đoàn trong xã hội; các hoạt động trong “Tháng công nhân”, “Chương trình Tấm lưới nghĩa tình vì ngư dân Hoàng Sa, Trường Sa” đã thực sự khơi dậy tinh thần yêu nước trong hàng triệu đoàn viên và người lao động, được sự hưởng ứng, ủng hộ của nhiều tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; các phong trào thi đua liên kết xây dựng các công trình trọng điểm quốc gia như Nhà máy lọc dầu Dung Quất, Nhà máy thuỷ điện Sơn La, Nhà máy thuỷ điện Lai Châu, Công trình Khí - Điện - Đạm Cà Mau... đã thực sự có hiệu quả, đem lại giá trị làm lợi cho đất nước hàng ngàn tỷ đồng; mô hình Quỹ trợ vốn cho người lao động nghèo tự tạo việc làm (CEP) và các hoạt động xã hội, nhân đạo, từ thiện đã góp phần quan trọng đảm bảo công tác an sinh xã hội theo chủ trương của Đảng và Nhà nước ta.
Ông Đặng Ngọc Tùng nhấn mạnh: Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XI diễn ra trong bối cảnh đất nước có nhiều thuận lợi nhưng cũng đan xen nhiều thách thức và khó khăn gay gắt, đặt ra cho Công đoàn Việt Nam những yêu cầu mới, đòi hỏi tổ chức công đoàn phải nắm vững tình hình, xuất phát từ vị trí, vai trò và chức năng của công đoàn để đề ra những mục tiêu, phương hướng và nhiệm vụ cụ thể, thích hợp. Các cấp công đoàn cần nhận thức một cách đầy đủ, đúng đắn và thực hiện tốt các chức năng của công đoàn, trong đó chức năng đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân, viên chức, lao động là trung tâm, xuyên suốt mọi hoạt động của công đoàn. Đồng thời, cần tập trung phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở, nhất là trong doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, nâng cao năng lực, trình độ đội ngũ cán bộ công đoàn; tăng cường nguồn lực tài chính là những nhiệm vụ rất quan trọng trong thời gian tới”.
Đại hội có nhiệm vụ kiểm điểm, đánh giá toàn diện, khách quan những kết quả đạt được, chỉ ra những hạn chế, yếu kém và nguyên nhân, rút ra những bài học kinh nghiệm từ quá trình tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội X Công đoàn Việt Nam. Đồng thời, Đại hội quán triệt sâu sắc các nghị quyết của Đảng, nhất là Nghị quyết số 20 NQ/TW Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá X) về “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước” từ đó xác định mục tiêu và phương hướng, nhiệm vụ của tổ chức công đoàn trong 5 năm tới (2013 - 2018); bổ sung, sửa đổi Điều lệ Công đoàn Việt Nam cho phù hợp với Luật Công đoàn mới được sửa đổi; bầu Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khoá XI là những đồng chí có phẩm chất chính trị và đạo đức, có đủ trí tuệ và năng lực lãnh đạo thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XI.
Trong phiên khai mạc sáng nay, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài phát biểu quan trọng với Đại hội, thể hiện rõ sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước và Chính phủ đối với hoạt động của tổ chức Công đoàn Việt Nam. Tông Bí thư đánh giá cao những kết quả đã đạt được của giai cấp công nhân và công đoàn Việt Nam. Trong hơn 25 năm đổi mới cùng với quá trình CNH, HĐH, giai cấp công nhân nước ta ngày càng phát triển, trưởng thành và đang phát huy vai trò là giai cấp lãnh đạo cách mạng thông qua Đảng tiền phong là Đảng Cộng sản Việt Nam, cơ sở chính trị xã hội vững chắc của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Những thành quả đạt được trong công cuộc đổi mới đất nước vừa qua, có sự đóng góp to lớn của giai cấp công nhân và công đoàn Việt Nam. Cùng với quá trình phát triển của đất nước, giai cấp công nhân nước ta đã trưởng thành, phát triển cả về số lượng và chất lượng, đang có mặt trong tất cả các thành phần kinh tế, đóng góp hơn 65% tổng sản phẩm xã hội và hơn 70% ngân sách cả nước. CNLĐ nước ta đã tiếp cận nhanh với KHCN tiên tiến, từng bước đảm đương và làm chủ kỹ thuật công nghệ cao, bước đầu hình thành đội ngũ công nhân trí thức. Công đoàn đã khắc phục nhiều khó khăn, tiếp tục đổi mới tổ chức, nội dung, phương thức hoạt động, thu hút, tập hợp ngày càng đông đảo CNVC, người lao động, tiếp tục tuyên truyền phổ biến và thực hiện đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Đặc biệt là làm tốt vai trò là đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của CNLĐ. Nhiều phong trào thi đua do công đoàn phát động và tổ chức thực hiện đều đạt hiệu quả…. là minh chứng khẳng định vị trí, vai trò và trách nhiệm to lớn của giai cấp công nhân và tổ chức công đoàn trong sự nghiệp CNH, HĐH đất nước.
Thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiệt liệt hoan nghênh, chúc mừng và biểu dương những thành tích tiến bộ của phong trào công nhân và hoạt động Công đoàn cả nước trong nhiệm kỳ vừa qua.
Tổng Bí thư cũng chỉ rõ những mặt còn hạn chế yếu kém trong hoạt động công đoàn: Vai trò tham gia quản lý, đại diện quyền và lợi ích chính đáng của CNLĐ ở một số ngành, địa phương, cơ sở, hiệu quả còn thấp; hoạt động tư vấn pháp luật, tư vấn đào tạo nghề, giới thiệu việc làm, chất lượng hiệu quả chưa đáp ứng yêu cầu của người lao động; việc tuyên truyền tư vấn pháp luật, phối hợp tuyên truyền nâng cao trình độ, học vấn của người lao động ngoài nhà nước còn hạn chế; việc thực hiện Nghị quyết lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước” kết quả còn thấp; nội dung, phương thức hoạt động công đoàn chậm được đổi mới, hiệu quả chưa cao.
Tổng Bí thư yêu cầu, tại Đại hội này, các đại biểu cần thảo luận đánh giá đúng tình hình hoạt động công đoàn trong 5 năm qua, xác định rõ phương hướng nhiệm vụ xây dựng giai cấp công nhân và đẩy mạnh hoạt động của tổ chức công đoàn trong thời kỳ đẩy mạnh sự nghiệp CNH, HĐH đất nước và hội nhập Quốc tế.
Trong đó, cần tập trung vào một số nội dung quan trọng là:
- Nắm vững và quán triệt thật sâu sắc những quan điểm, tư tưởng chỉ đạo của Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, Cương lĩnh chính trị và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội trong thời kỳ mới, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 (khóa X) về “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”; nắm bắt tình hình và các nguyện vọng chính đáng của công nhân để tham mưu cho Đảng, Nhà nước có những chính sách, biện pháp cụ thể đưa các quan điểm, tư tưởng, chủ trương của Đảng và Nhà nước vào cuộc sống.
- Chăm lo làm tốt hơn nữa nhiệm vụ xây dựng giai cấp công nhân xứng đáng là lực lượng nòng cốt, đi đầu trong sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đội ngũ công nhân, lao động phải nâng mình lên một tầm cao mới - tầm cao không chỉ về lao động có trí tuệ và sáng tạo, mà tầm cao cả về sự nhận thức vai trò, vị trí chính trị to lớn của giai cấp công nhân - giai cấp làm chủ vận mệnh của đất nước, lại đang có sự phát triển cả về số lượng và chất lượng theo hướng ngày càng trí thức hóa.
- Công đoàn cần phải làm tốt vai trò là người đại diện và bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của công nhân, lao động; chủ động tham gia thương lượng với người sử dụng lao động và tổ chức tốt việc ký kết, thực hiện thỏa ước lao động tập thể, giải quyết tốt các tranh chấp lao động, tham gia xây dựng phương án sắp xếp lại sản xuất, kinh doanh, đổi mới tổ chức và hoạt động của các doanh nghiệp, trước hết là doanh nghiệp nhà nước theo chủ trương của Đảng và Nhà nước, tham gia rà soát, xây dựng định mức lao động, nhất là ở những đơn vị cổ phần hóa, sắp xếp lại hoặc giải thể.
- Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và các cấp công đoàn cần đẩy mạnh việc xây dựng tổ chức, kiện toàn đội ngũ cán bộ và cải tiến phương thức hoạt động phù hợp với yêu cầu mới; chăm lo xây dựng, củng cố tổ chức Công đoàn, làm cho Công đoàn không ngừng lớn mạnh, thật sự là tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức quần chúng rộng lớn của công nhân, lao động, đại diện cho sức mạnh, tài năng, trí tuệ và lợi ích của công nhân, lao động.
Tổng Bí thư yêu cầu các cấp ủy và tổ chức đảng cần nhận thức đầy đủ trách nhiệm của mình, thường xuyên chăm lo lãnh đạo phong trào công nhân và hoạt động của Công đoàn. Các cấp ủy phải định kỳ nghe tình hình công tác của các tổ chức công đoàn và nguyện vọng của công nhân, lao động, để kịp thời có ý kiến chỉ đạo; đồng thời lãnh đạo chính quyền, các ngành chuyên môn, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể khác phối hợp chặt chẽ với công đoàn trong các mặt công tác và tạo điều kiện thuận lợi để công đoàn hoạt động có hiệu quả.
Trong buổi sáng nay, Đại hội cũng được nghe đồng chí Huỳnh Đảm, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát biểu chào mừng Đại hội.
PV