Thứ Bảy, 23/11/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Năm, 15/12/2022 13:34'(GMT+7)

Đại hội Đoàn XII: Chung sức bảo vệ, chăm sóc, giáo dục thiếu nhi

Quang cảnh đại hội, sáng 15/12. Ảnh: Minh Đức/TTXVN

Quang cảnh đại hội, sáng 15/12. Ảnh: Minh Đức/TTXVN

Bảo vệ thiếu nhi trên không gian mạng

Sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và công cuộc chuyển đổi số, phát triển kinh tế số đang tác động rất lớn đến thanh thiếu nhi. Bên cạnh những lợi ích mang lại, môi trường số cũng khiến trẻ em dễ bị ảnh hưởng bởi những thông tin độc, hại, không phù hợp với lứa tuổi ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý, sức khỏe tâm thần của các em. Điều này đặt ra yêu cầu cấp thiết đối với đội ngũ cán bộ phụ trách thiếu nhi trong công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống, văn hóa cho thiếu nhi, nhất là trên không gian mạng.

Đại biểu Nguyễn Thị Quỳnh Nga, Phó Bí thư Chi Đoàn cơ sở Viễn thông Đồng Nai cho rằng, hiện nay trẻ em tiếp cận với không gian mạng và các thiết bị thông minh rất sớm. Tuy nhiên, các hoạt động can thiệp, hướng dẫn chỉ đang tập trung chủ yếu tới độ tuổi tiểu học trở lên, những đối tượng từ 0 - 5 tuổi gần như đang bị bỏ ngỏ. Việc trẻ em tiếp cận với không gian mạng vừa có điểm tốt nhưng cũng có hại, vấn đề chính là cần xây dựng cách tiếp cận phù hợp với lứa tuổi,  sức khỏe của trẻ. Đại biểu Quỳnh Nga đề xuất, có thể xây dựng các video clip, chương trình dành riêng cho thiếu nhi thông qua việc liên kết với các kênh, chương trình hoạt hình để dạy trẻ về "5 điều Bác Hồ dạy", tuyên truyền lịch sử Việt Nam… một cách nhẹ nhàng, qua đó hình thành thói quen nghe, đọc; dạy cho trẻ lòng yêu nước ngay từ độ tuổi mẫu giáo. Các địa phương vùng sâu, vùng xa có thể tận dụng hệ thống loa phát thanh để tuyên truyền, giáo dục cho trẻ.

Về vấn đề này, đại biểu Phan Nguyễn Thùy Trang, Bí thư Đoàn Công ty Cổ phần may Bình Minh (Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, cần xây dựng tiêu chuẩn, tiêu chí các sản phẩm sử dụng cho thiếu nhi, đặc biệt là các sản phẩm công nghệ đánh giá đúng, phù hợp với hành vi sử dụng của các em.

Tăng cường phòng, chống đuối nước trẻ em

Chia sẻ về vấn đề phòng, chống đuối nước trẻ em, Đại biểu Đinh Thị Hoàn, Phó Bí thư Tỉnh Đoàn Thái Bình cho rằng, vấn đề phòng, chống đuối nước ở trẻ em luôn được các cấp bộ, ngành quan tâm, nhận được sự hưởng ứng tích cực của các cấp bộ Đoàn - Đội. Tuy nhiên, quá trình triển khai gặp khó khăn do thiếu lực lượng hỗ trợ dạy bơi cho thiếu nhi. Theo quy định hiện nay, để được đứng lớp dạy bơi cho trẻ, bắt buộc người dậy phải được cấp chứng chỉ tập huấn của Sở, hoặc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Tuy nhiên, việc tập huấn, trang bị cho cán bộ về vấn đề này vẫn chưa được thực hiện. Kinh phí dành cho công tác này phòng, chống đuối nước khó khăn, đặc biệt ở cấp huyện, xã. Những vấn đề này cần được khắc phục để  thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống đuối nước cho trẻ.

Đại biểu Thái Minh Sỹ, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh Đoàn Nghệ An chia sẻ, hiện nay, nhiều tỉnh, thành phố đã chú trọng tới việc tuyên truyền, cắm biển cảnh báo nguy hiểm, tổ chức các giải bơi nhằm góp phần phòng, chống đuối nước cho thiếu nhi. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần có những giải pháp kết hợp với ngành Giáo dục tăng cường phổ biến học bơi, dạy bơi, bố trí trang thiết bị hoặc xây dựng bể bơi trong các nhà trường. Bên cạnh việc phối hợp với ngành Giáo dục và Đào tạo, tổ chức Đoàn cần có nhiều cách thức, phối hợp liên ngành với các tổ chức đoàn thể như Hội Nông dân, Phụ nữ…, để tuyên truyền phòng, chống đuối nước cho trẻ em tới các bậc phụ huynh.

Nhân rộng mô hình Hội đồng trẻ em

Về vấn đề thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề của trẻ em, Huỳnh Ngọc Anh Thi, Bí thư Chi đoàn lớp 11, Trường Trung học Phổ thông chuyên Bến Tre, nguyên Chủ tịch Hội đồng Trẻ em tỉnh giai đoạn 2019-2022 chia sẻ, Hội đồng trẻ em là một mô hình hữu ích giúp thúc đẩy thực hiện quyền trẻ em, tạo điều kiện cho trẻ em được tham gia bày tỏ ý kiến của mình. Hội đồng trẻ em tỉnh Bến Tre đã tổ chức thành công nhiều buổi đối thoại để thiếu nhi và lãnh đạo tỉnh có thể trao đổi về những vấn đề trẻ em quan tâm, giúp lãnh đạo tỉnh hiểu thêm về những nguyện vọng của trẻ em tỉnh nhà. Anh Thi mong muốn thời gian tới, Trung ương Đoàn tiếp tục tạo điều kiện để nhân rộng mô hình Hội đồng trẻ em ra các địa phương trong cả nước.

Cùng chung mong muốn trên, đại biểu Đoàn Gia Hân, Ủy viên Ban Chấp hành Đoàn Trường Trung học Phổ thông Chuyên Nguyễn Du (tỉnh Đắk Lắk) cho rằng, trẻ em hiện tại có thể kết nối giao lưu với nhau trên không gian mạng để thảo luận, bàn bạc cùng nhau những vấn đề trẻ em quan tâm. Hội đồng trẻ em là một mô hình rất tốt, cần thiết được nhân rộng trong tương lai để trẻ em có thể liên kết, cùng nhau xây dựng Đội vững mạnh.

Gia Hân đề xuất, cần xây dựng nhiều mô hình giúp giảm thiểu tối đa tính tiêu cực có thể xảy ra gây ảnh hưởng đến tâm lý, sức khỏe tinh thần của các bạn trẻ như: Mở các phòng tư vấn tâm lý, sức khỏe tinh thần trong học; tổ chức các lớp học nâng cao nhận thức về bản thân để hoàn thiện tâm tư, tình cảm, nhân cách cho thiếu nhi, hướng các em đến những điều tốt đẹp, trưởng thành hơn và đưa ra nhiều quyết định đúng đắn, giảm thiểu những khả năng ảnh hưởng về mặt tâm lý./.

Theo TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất