Chủ Nhật, 29/9/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Thứ Bảy, 5/9/2009 14:58'(GMT+7)

Đắk Lắk: Coi trọng đổi mới nội dung tuyên truyền trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Đắk Lắk là một tỉnh miền núi, nằm ở vị trí trung tâm của khu vực Tây Nguyên, dân số gần 1,8 triệu người, trong đó dân tộc thiểu số chiếm hơn 30%; là một trong số ít các tỉnh, thành có gần như đông đủ các thành phần dân tộc anh em cùng sinh sống. Hiện nay, cộng đồng 44 dân tộc phân bố đều khắp ở 13 huyện, 01 thị xã và 01 thành phố, với 185 xã, phường, thị trấn, 2.351 thôn, buôn, tổ dân phố (trong đó có 584 buôn đồng bào dân tộc thiểu số). Các dân tộc bản địa Ê đê, M’Nông, Gia rai (chiếm 20%). Với đông thành phần dân tộc, Đắk Lắk có một nền văn hóa đa dạng, phong phú, giàu bản sắc. Với truyền thống cách mạng, yêu quê hương, đất nước, đồng bào các dân tộc trong tỉnh đã đoàn kết, anh dũng, kiên cường, lao động cần cù, sáng tạo trong quá trình đấu tranh chống giặc ngoại xâm trước đây và trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

Tuy nhiên, trong cộng đồng các dân tộc thiểu số vẫn còn tồn tại phương thức sản xuất thô sơ, phong tục tập quán lạc hậu, trình độ dân trí còn thấp, nên hiện nay đời sống vật chất cũng như tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số chưa cao, còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Mặt khác, những năm gần đây, các thế lực thù địch ra sức lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo, đẩy mạnh thực hiện chiến lược “Diễn biến hoà bình” tuyên truyền, kích động, lôi kéo một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số biểu tình, gây rối, vượt biên trái phép, gây mất ổn định an ninh chính trị trên địa bàn tỉnh. Trong khi đó, công tác tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức tư tưởng, chính trị cho đồng bào còn yếu; hoạt động của hệ thống thông tin tuyên truyền trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số hạn chế, cơ sở vật chất chưa được đầu tư đồng bộ, thiếu cán bộ cũng là nguyên nhân khiến cho trình độ giác ngộ của đồng bào dân tộc chậm được nâng cao, mức độ phát triển của các vùng dân tộc thiểu số diễn ra chưa như mong muốn. Phải khẳng định rằng, những năm qua, công tác tư tưởng - văn hoá của tỉnh đã bám sát tình hình nhiệm vụ, tuyên truyền kịp thời các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đã cổ vũ, biểu dương các điển hình tiên tiến trong các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, hoạt động thông tin, tuyên truyền đã góp phần động viên đồng bào tích cực lao động sản xuất, xóa đói giảm nghèo; nêu cao tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, ý thức tự hào dân tộc, truyền thống cách mạng, quan tâm giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng trong thời gian qua đã góp phần quan trọng vào công tác xây dựng Đảng; nâng cao nhận thức, tính tích cực của cán bộ, đảng viên và nhân dân; củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào đường lối đổi mới; khẳng định sự lãnh đạo của Đảng, giữ vững sự thống nhất tư tưởng và hành động trong Đảng và sự đồng thuận trong xã hội; đấu tranh chống lại mọi âm mưu và thủ đoạn chống phá, xuyên tạc của các thế lực thù địch đối với Đảng, Nhà nước và chế độ, góp phần phát triển kinh tế, giữ vững ổn định chính trị-xã hội.

Tuy nhiên, trước những biến động phức tạp trên thế giới, tình hình trong nước còn nhiều khó khăn, trong cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh còn nổi lên một số mặt yếu kém về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, các thế lực thù địch đã và đang ráo riết đẩy mạnh âm mưu “diễn biến hòa bình” chống phá cách mạng nước ta, đòi hỏi phải đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tư tưởng của Đảng đối với cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân. Đặc biệt phải chú trọng đổi mới, nâng cao chất lượng nội dung thông tin tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng; khắc phục tình trạng thiếu thông tin, nhất là đối với vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Để thực hiện mục tiêu trên, cần thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau:

Một là, các cấp ủy, chính quyền cần thực sự quan tâm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát công tác tư tưởng; có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các cơ quan, ban, ngành, mặt trận, đoàn thể trong việc tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức chính trị, tư tưởng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân nói chung, vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng. Phát huy sức mạnh của hệ thống chính trị, các “binh chủng” tham gia công tác tư tưởng, văn hóa; khắc phục tình trạng khoán trắng cho bộ phận làm công tác tư tưởng.

Hai là, phát huy mạnh mẽ sức mạnh và tác dụng của một trong những “binh chủng” mạnh của công tác tư tưởng là hệ thống thông tin tuyên truyền (sách, báo, phát thanh, truyền hình, thông tin cổ động, văn hóa, văn nghệ, đội ngũ báo cáo viên...). Thời gian qua, hoạt động của hệ thống thông tin tuyên truyền trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Phải có sự đầu tư kinh phí, xây dựng đồng bộ và từng bước hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa thể thao, thông tin tuyên truyền đến từng thôn, buôn; đồng thời đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ làm công tác tư tưởng, văn hóa là người dân tộc thiểu số có trình độ, kỹ năng nghiệp vụ, trong đó chú trọng đến đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên cơ sở.

Ba là, mục đích của tuyên truyền, giáo dục nhằm giác ngộ, nâng cao nhận thức về đường lối, chủ trương, các quan điểm của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, hình thành và củng cố niềm tin cho cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân, tạo sự thống nhất trong Đảng, đồng thuận trong xã hội. Công tác tuyên truyền, giáo dục phải bám sát nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ sở, nhất là tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, phải bám sát thực tiễn, nắm bắt diễn biến tư tưởng, dự báo đúng chiều hướng phát triển để kịp thời định hướng đúng; mặt khác, coi trọng, nâng cao chất lượng và hiệu quả thông tin, phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị của Đảng.

Bốn là, đổi mới phương pháp tuyên truyền, vận động đồng bào bằng những việc làm cụ thể, thiết thực như “dắt tay chỉ việc”, hướng dẫn cách trồng cây, cách chăn nuôi để mang lại hiệu quả kinh tế cao. Phải làm để cho đồng bào thấy và cùng làm với đồng bào. Tuyên truyền phải đi đôi với các việc làm cụ thể. Nếu nói mà không làm thì như đồng bào dân tộc nói: “có sấm mà không có mưa”, “cái tai no mà cái bụng đói”. Công tác tuyên truyền phải làm sao cho quần chúng thấy rõ lợi ích của bản thân, gia đình mình, địa phương mình trong phát triển kinh tế-xã hội và trong phong trào xây dựng đời sống mới.

Về phương pháp và phương thức tiến hành công tác tuyên truyền trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, cần phải coi trọng công tác giáo dục, thuyết phục là chính và được tổ chức dưới nhiều hình thức khác nhau như thông qua các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, các tổ chức chính trị, xã hội, đặc biệt là những người có uy tín như già làng, trưởng buôn, am hiểu đồng bào địa phương.

Năm là, hình thức tuyên truyền phải phong phú, đa dạng và thích hợp với từng đối tượng và phong tục, tập quán sinh hoạt của đồng bào dân tộc thiểu số. Tuyên truyền bằng hình ảnh, bằng biểu ngữ, áp phích ở nơi sinh hoạt cộng đồng và từng hộ gia đình với những nội dung gắn quyền lợi, nghĩa vụ phải chấp hành của mỗi người dân, tạo ấn tượng dễ nhớ, dễ hiểu, dễ thấy để thực hiện. Để chuyển tải nhanh, chính xác nội dung thông tin, tuyên truyền đến đồng bào dân tộc thiểu số như nói, viết, chú thích tranh ảnh phải bằng tiếng phổ thông kết hợp với cả tiếng các dân tộc như Ê đê, M’nông…

Sáu là, tạo bước chuyển về phát triển kinh tế - xã hội, từng bước cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Tiếp tục thực hiện tốt chính sách dân tộc, chính sách tôn giáo của Đảng, Nhà nước. Đây là cơ sở thực tế củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, với chế độ.

Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân nói chung, trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng là một nhiệm vụ quan trọng, cấp bách của công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, nhất là ở thời điểm hiện nay. Sự nhất trí cao về chính trị, tư tưởng là nhân tố tạo ra sự đồng thuận, quyết tâm chính trị trong toàn Đảng, toàn quân, toàn dân để Đắk Lắk đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, góp phần cùng cả nước xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN./.

Lê Xuân Hảo

Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất