Thứ Bảy, 5/10/2024
Ban Tuyên giáo Trung ương
Thứ Sáu, 27/9/2024 15:10'(GMT+7)

Đảm bảo sự cân bằng giữa công nghệ và yếu tố con người

Các đồng chí chủ trì Hội thảo.

Các đồng chí chủ trì Hội thảo.

Sáng 27/9, tại thành phố Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Trường Đại học sư phạm (ĐHSP) Hà Nội 2 tổ chức Hội thảo khoa học “Đào tạo giáo viên trước tác động của công nghệ số và trí tuệ nhân tạo”.

Chủ trì Hội thảo có các đồng chí: Lê Huy Nam, Vụ trưởng Vụ Giáo dục, Ban Tuyên giáo Trung ương; Phùng Gia Thế, Chủ tịch Hội đồng trường Trường ĐHSP Hà Nội 2; Mai Xuân Trường, Hiệu trưởng Trường ĐHSP Thái Nguyên.

Cùng dự Hội thảo có lãnh đạo và đại diện lãnh đạo một số vụ, đơn vị thuộc Ban Tuyên giáo Trung ương; Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT); Công đoàn Giáo dục Việt Nam; Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam; Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Vĩnh Phúc; một số trường đại học đào tạo về sư phạm cùng các chuyên gia, nhà khoa học và đông đảo cán bộ, giảng viên, sinh viên Trường ĐHSP Hà Nội 2.

CƠ SỞ CHÍNH TRỊ QUAN TRỌNG CHO NHỮNG ĐỔI MỚI MẠNH MẼ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

Phát biểu khai mạc Hội thảo, đồng chí Lê Huy Nam, Vụ trưởng Vụ Giáo dục, Ban Tuyên giáo Trung ương nêu, cách đây 8 năm, năm 2016, tại Diễn đàn Kinh tế thế giới lần thứ 46, khái niệm Cách mạng công nghiệp lần thứ tư được đề xướng bởi Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế thế giới Davos, Giáo sư Klaus Schwab. Đó là một cuộc cách mạng khoa học, công nghệ mới của nhân loại. Cùng với dữ liệu lớn (Big Data), công nghệ Internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI) được coi là một trong những đặc trưng cơ bản nhất của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Tuy vậy, tại thời điểm ấy, trí tuệ nhân tạo vẫn chỉ là chủ đề quen thuộc của giới công nghệ, nhưng mờ ảo và không tường minh với đại chúng, chưa hiện hữu phổ biến trong đời sống xã hội. Bước ngoặt xuất hiện vào cuối năm 2022 khi Open AI ra mắt ChatGPT, đánh dấu một bước đột phá lớn trong sự phát triển của trí tuệ nhân tạo. Đây là một cột mốc quan trọng trong hành trình phát triển AI, mở ra những tiềm năng mới về ứng dụng công nghệ trong nhiều lĩnh vực của đời sống, xã hội...

Đồng chí Lê Huy Nam, Vụ trưởng Vụ Giáo dục, Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu khai mạc Hội thảo.

Theo đồng chí Lê Huy Nam, câu chuyện của ChatGPT đã cho chúng ta thấy trí tuệ nhân tạo đang hiện hữu và không ngừng phát triển, tác động, ảnh hưởng sâu sắc và toàn diện, đôi khi khó dự báo tới mọi mặt của đời sống xã hội loài người. Với sự tác động của trí tuệ nhân tạo, tới đây, bên cạnh “học đi đôi với hành”, “lí luận gắn liền với thực tiễn”, rất có thể phải bổ sung một nguyên lí giáo dục mới, đó là: “trí tuệ con người kết hợp với trí tuệ nhân tạo”.

Đồng chí Lê Huy Nam nhấn mạnh, ngày 12/8/2024, trong Kết luận số 91-KL/TW về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, Bộ Chính trị yêu cầu “Tiếp tục đẩy mạnh đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới, thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số, trí tuệ nhân tạo”. Trong đó nhấn mạnh “Đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo; phát triển giáo dục số, giáo dục thông minh, giáo dục cá nhân hoá, giáo dục sáng tạo, giáo dục thích ứng với sự phát triển của trí tuệ nhân tạo”. Đây là những chủ trương quan trọng của Trung ương, là cơ sở chính trị quan trọng cho những đổi mới mạnh mẽ giáo dục và đào tạo với sự tham gia của công nghệ số và trí tuệ nhân tạo trong giai đoạn tới.

“Đó cũng chính là bối cảnh để Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 tổ chức Hội thảo khoa học “Đào tạo giáo viên trước tác động của công nghệ số và trí tuệ nhân tạo” nhằm tập trung làm rõ xu hướng phát triển công nghệ số và trí tuệ nhân tạo; kinh nghiệm quốc tế, thời cơ, thuận lợi, thách thức và định hướng đối với giáo dục và đào tạo Việt Nam; thực trạng công tác đào tạo giáo viên trước tác động của công nghệ số và trí tuệ nhân tạo; chủ trương, chính sách, nhiệm vụ và giải pháp đào tạo giáo viên trước tác động của công nghệ số và trí tuệ nhân tạo...”, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh.

Các đại biểu tham dự Hội thảo.

Theo đồng chí Lê Huy Nam, Ban Tổ chức Hội thảo đã mời nhiều nhà khoa học tiên phong, những chuyên gia hàng đầu của Việt Nam về trí tuệ nhân tạo trong giáo dục tham gia viết bài và trực tiếp báo cáo tham luận tại Hội thảo, với những chủ đề cốt lõi, nền tảng về AI trong giáo dục và đào tạo.

“Chúng tôi cũng đã chủ ý đặt chung một chủ đề cho các trường sư phạm trong cả nước, để thấy được bức tranh đa dạng, sáng tạo của mỗi nhà trường trong ứng phó với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số và trí tuệ nhân tạo”, Vụ trưởng Lê Huy Nam nêu.

CẦN XÂY DỰNG VÀ BAN HÀNH NHỮNG HƯỚNG DẪN VÀ QUY TẮC ĐẠO ĐỨC VỀ VIỆC SỬ DỤNG TRÍ TUỆ NHÂN TẠO

Trong phát biểu chào mừng, PGS. TS Phùng Gia Thế, Phó bí thư Thường trực Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường Trường ĐHSP Hà Nội 2 cho biết, trải qua gần 60 năm thành lập, xây dựng và phát triển, đến nay Trường ĐHSP Hà Nội 2 đã trở thành một trong những trung tâm đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ có uy tín, góp phần vào sự nghiệp GD-ĐT của cả nước. Hiện Trường đang đào tạo 19 ngành đại học, 17 chuyên ngành thạc sĩ, 5 chuyên ngành tiến sĩ và nhiều chương trình bồi dưỡng giáo viên, giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục.

Theo PGS. TS. Phùng Gia Thế, Trường ĐHSP Hà Nội 2 nỗ lực phấn đấu hướng tới mục tiêu năm 2030 trở thành một trong những trường ĐHSP hàng đầu của Việt Nam, là trường đại học có uy tín ở khu vực Đông Nam Á về đào tạo giáo viên và kết nối với hệ thống các trường phổ thông, hướng tới các trường ĐHSP hàng đầu châu Á. Để đạt được mục tiêu này, vấn đề phát triển công nghệ số, trí tuệ nhân tạo được Trường đặc biệt quan tâm và đã thành lập Ban Đề án triển khai đến cấp khoa, tập huấn cho đội ngũ giảng viên cũng như hỗ trợ cho sinh viên tiếp cận.

PGS. TS Phùng Gia Thế, Phó bí thư Thường trực Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường Trường ĐHSP Hà Nội 2 phát biểu chào mừng.

Tại Hội thảo, các báo cáo tham luận đã tập trung làm rõ xu hướng phát triển công nghệ số và trí tuệ nhân tạo; kinh nghiệm quốc tế, thời cơ, thuận lợi, thách thức và định hướng đối với GD-ĐT Việt Nam; thực trạng công tác đào tạo giáo viên trước tác động của công nghệ số và trí tuệ nhân tạo... Trên cơ sở đó đưa ra những khuyến nghị về chủ trương, chính sách, nhiệm vụ và giải pháp đào tạo giáo viên trước tác động của công nghệ số và trí tuệ nhân tạo, bảo đảm việc ứng dụng AI trong giáo dục diễn ra có hiệu quả, an toàn và công bằng trong thời gian tới.

Trong tham luận, PGS. TS. Bùi Minh Đức, Trường ĐHSP Hà Nội 2 khẳng định, AI cho thấy những tiềm năng to lớn trong đào tạo giáo viên Ngữ văn, nhất là trong việc tìm kiếm, phát triển nội dung, học liệu; phân tích văn bản; thiết kế và tổ chức các hoạt động dạy học thông qua các nhiệm vụ học tập sáng tạo, hấp dẫn được xây dựng bằng các công cụ thông minh; hỗ trợ sinh viên sư phạm trong các hoạt động thực hành rèn luyện nghiệp vụ sư phạm; tăng cường các năng lực đọc hiểu và tạo lập văn chương thông qua các hoạt động hỗ trợ kiến thức và cách thức đọc hiểu, đề xuất, gợi ý các ý tưởng, thao tác tạo lập văn bản hay chuyển thể các tác phẩm văn chương sang các loại hình nghệ thuật khác.

Tuy nhiên, PGS. TS. Bùi Minh Đức cũng nhấn mạnh, việc lạm dụng AI đặt ra những thách thức về vi phạm đạo đức xã hội, bản quyền hoặc kìm hãm sự phát triển các năng lực nghề nghiệp mang tính đặc thù của người giáo viên Ngữ văn, nhất là năng lực văn học, năng lực cảm xúc thẩm mĩ.

Dựa trên việc phân tích các nghiên cứu trong và ngoài nước, qua khảo sát giảng viên và sinh viên ngành Ngữ văn về ứng dụng AI đào tạo giáo viên, tham luận của PGS. TS. Bùi Minh Đức và các cộng sự nêu các khuyến nghị; nhấn mạnh việc triển khai các khuyến nghị cần được thực hiện một cách có lộ trình, phù hợp với điều kiện thực tế của từng cơ sở đào tạo, đồng thời cần có sự giám sát và đánh giá thường xuyên để kịp thời điều chỉnh cho phù hợp. Theo đó, các khuyến nghị được đưa ra là: Cần có chính sách đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, trang bị các phần mềm và công cụ AI hiện đại cho các cơ sở đào tạo giáo viên, trong đó có ngành Ngữ văn; Xây dựng hệ thống quản lý học tập tích hợp AI để hỗ trợ giảng dạy và học tập; Chú trọng tổ chức các khóa bồi dưỡng, tập huấn về kỹ năng ứng dụng AI trong giảng dạy cho đội ngũ giảng viên; Bổ sung nội dung đào tạo về AI và cách thức ứng dụng AI vào chương trình đào tạo giáo viên Ngữ văn; Tích hợp AI trong phát triển chương trình và phương pháp đào tạo...

PGS. TS. Bùi Minh Đức, Trường ĐHSP Hà Nội 2 phát biểu tham luận.

“Đặc biệt khuyến nghị các cơ quan quản lí giáo dục cần xây dựng và ban hành những hướng dẫn và quy tắc đạo đức về việc sử dụng AI trong giáo dục; xây dựng cơ chế, bộ công cụ đánh giá tính hiệu quả của việc ứng dụng AI trong đào tạo giáo viên Ngữ văn...”, PGS. TS. Bùi Minh Đức nhấn mạnh.

Theo TS. Kim Mạnh Tuấn, Trường Đại học Giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và sự phát triển của công nghệ số, đặc biệt là AI không chỉ thay đổi cách chúng ta sống và làm việc mà còn làm thay đổi căn bản các phương pháp giáo dục và cách thức quản trị cơ sở giáo dục. Việc ứng dụng các công nghệ tiên tiến này vào quản trị cơ sở giáo dục không chỉ giúp tối ưu hóa quy trình quản lý mà còn nâng cao chất lượng giảng dạy, cải thiện sự tiến bộ của người học. Tuy nhiên, để thực sự tận dụng được các cơ hội mà công nghệ mang lại, các cơ sở giáo dục ở nước ta vẫn đang phải đối mặt với những thách thức về hạ tầng, đào tạo và phát triển năng lực công nghệ cũng như xây dựng các chiến lược quản trị linh hoạt và sáng tạo.

TS. Kim Mạnh Tuấn cũng nhấn mạnh, việc áp dụng công nghệ số và AI vào quản trị cơ sở giáo dục không thể thực hiện một cách đồng nhất cho tất cả các cấp học mà phải có sự điều chỉnh phù hợp với từng cấp học và đối tượng người học.

Bên cạnh các nội dung trình bày - báo cáo tham luận, phiên trao đổi - thảo luận tại Hội thảo cũng đã thu hút nhiều ý kiến xoay quanh những vấn đề như: Khuôn khổ pháp lí ứng dụng AI; Thách thức, quan điểm và giải pháp của các trường sư phạm; Giáo dục số, giáo dục thông minh; Giáo dục thích ứng và cá nhân hóa với AI; Khung năng lực sử dụng AI trong giáo dục...

Đại biểu phát biểu tại phiên trao đổi - thảo luận.

Theo đó, cùng với nhiều khía cạnh được đưa ra, các đại biểu đều đồng tình khẳng định công nghệ số và AI là xu thế tất yếu, không thể không thích ứng, nếu không muốn trở nên lạc hậu và đi ngược lại sự văn minh, tiến bộ của nhân loại. Tuy nhiên, vấn đề mấu chốt và quyết định vẫn là con người. Vì thế, để triển khai hiệu quả và “đi đúng hướng”, trong nhiều giải pháp thì công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm lan tỏa những định hướng chủ đạo vào tư tưởng, ý chí của đội ngũ giảng viên, sinh viên, học sinh phải luôn được đề cao. Cùng với đồng bộ cơ hạ tầng, cần phải quan tâm mạnh mẽ đến chế độ chính sách nhằm thu hút, khuyến khích hỗ trợ tài chính cho các cơ sở đào tạo và giảng viên tiên phong trong việc ứng dụng AI để phát huy năng lực và nhân rộng đội ngũ này trong tương lai. Cùng với đó, việc cập nhật và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý trước sự phát triển của AI trong GD-ĐT là đòi hỏi cấp bách...

CẦN CÓ CHIẾN LƯỢC ỨNG DỤNG TRÍ TUỆ NHÂN TẠO MỘT CÁCH HỢP LÝ, ĐẢM BẢO CÂN BẰNG GIỮA CÔNG NGHỆ VÀ YẾU TỐ CON NGƯỜI

Phát biểu kết luận Hội thảo, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Lê Huy Nam nhấn mạnh, với tinh thần làm việc khẩn trương, khoa học, hầu hết các nội dung của Hội thảo đã được thực hiện. Các tham luận, ý kiến phát biểu, trao đổi đều rất chất lượng, mang đến cho người nghe nhiều thông tin mới, bổ ích.

Một số kết quả chính, nổi bật của Hội thảo cùng một số khuyến nghị sau Hội thảo được đồng chí chủ trì Hội thảo nêu lên là:

Trước hết, phải khẳng định, công nghệ số và AI thật sự đang hiện hữu trong đời sống xã hội của chúng ta; đang phát triển rất mạnh mẽ, ngày càng thông minh hơn, hoàn thiện hơn. Với sự phát triển đột phá của AI thời gian qua, nhất là trí tuệ nhân tạo tạo sinh, tới đây, sẽ có những chuyển đổi sâu sắc trong hầu hết các lĩnh vực của đời sống, xã hội, trong đó có GD-ĐT.

Thứ hai, AI đang tạo ra những ảnh hưởng sâu rộng trong lĩnh vực GD-ĐT, thúc đẩy sự thay đổi toàn diện từ cách dạy, cách học cho đến cách quản trị nhà trường. Việc sử dụng AI giúp cá nhân hóa quá trình học tập, tối ưu hóa lộ trình học cho từng học sinh, sinh viên dựa trên năng lực và sở thích. AI cũng đồng hành với giáo viên trong việc thiết kế nội dung giảng dạy, quản lý lớp học và đánh giá học sinh xuất sắc hơn. Sự tham gia của AI góp phần chuyển dịch mạnh mẽ mục tiêu giáo dục từ cung cấp kiến thức sang phát triển năng lực sáng tạo, tư duy phản biện và khả năng thích ứng. Bên cạnh đó, AI sẽ giúp quản trị nhà trường trở nên linh hoạt và hiệu quả hơn nhờ vào hệ thống giám sát, phân tích dữ liệu thông minh. Đây là những tiềm năng rất lớn của trí tuệ nhân tạo, là cơ hội cho chuyển đổi GD-ĐT mà chúng ta phải nắm bắt.

Đồng chí Lê Huy Nam phát biểu kết luận Hội thảo.

Thứ ba, bên cạnh những lợi ích, AI cũng đặt ra nhiều nguy cơ cho GD-ĐT, như sự lệ thuộc quá mức vào công nghệ, giảm tính sáng tạo tự nhiên của học sinh, và nguy cơ mất đi mối tương tác con người trong quá trình dạy học. Việc ứng dụng AI thiếu kiểm soát có thể dẫn đến bất bình đẳng trong tiếp cận giáo dục giữa các vùng miền. Để giảm thiểu các tác động tiêu cực này, cần có chiến lược ứng dụng AI một cách hợp lý, đảm bảo sự cân bằng giữa công nghệ và yếu tố con người, đồng thời trang bị kỹ năng sử dụng công nghệ an toàn cho cả giáo viên và học sinh.

Thứ tư, giáo dục trước tác động của công nghệ số và AI, cần tiếp tục giữ vững và phát huy vai trò trung tâm, tính tích cực, chủ động, sáng tạo của người học; vai trò của người giáo viên trong thiết kế, tổ chức và thúc đẩy các hoạt động học tập cho học sinh trên tinh thần “phát triển trí tuệ của học sinh trên nền tảng của trí tuệ nhân tạo”. Với AI, còn người có nguy cơ giảm tương tác xã hội. Khi đó, nhà trường cần chú trọng giáo dục cảm xúc, giáo dục nhân văn, giáo dục làm người, điều mà AI không có được.

Thứ năm, việc mỗi cơ sở đào tạo giáo viên, các trường sư phạm xác định thách thức, cơ hội, quan điểm và định hướng công tác đào tạo giáo viên trước tác động của công nghệ số và AI là hoạt động rất có ý nghĩa, khởi đầu cho sự chuyển mình của những cái nôi đào tạo giáo viên, tạo sự lan tỏa, triển khai bền vững giáo dục trong kỉ nguyên số và AI. Mỗi nhà trường cần phải nhanh hơn nữa, quyết liệt hơn nữa, để không bỏ lỡ cơ hội chuyển đổi và bứt phá trong công tác đào tạo giáo viên của nhà trường với sự tham gia của công nghệ số và AI.

Thứ sáu, Hội thảo khoa học này là một trong những hoạt động khoa học cụ thể, có ý nghĩa triển khai thực hiện Kết luận số 91-KL/TW của Bộ Chính trị khóa XIII, tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT.

Quang cảnh Hội thảo.

“Ban Tổ chức hy vọng Hội thảo khoa học đã mang tới cho các trường sư phạm, các cơ sở giáo dục đại học tham gia đào tạo giáo viên cách nhìn mới về AI, về AI trong GD-ĐT, về sự cấp bách, cần thiết phải hành động để vượt lên, để chuyển đổi, để công tác đào tạo giáo viên của nhà trường sớm thích ứng với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số và AI. Hội thảo khép lại nhưng sẽ mở ra một giai đoạn mới - giai đoạn đổi mới mạnh mẽ của các trường sư phạm trong công tác đào tạo giáo viên thích ứng với công nghệ số và AI”, đồng chí Lê Huy Nam nhấn mạnh./.

Tin, ảnh: MINH THẾ

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất