Thứ Hai, 30/9/2024
Giáo dục
Thứ Ba, 3/12/2013 20:47'(GMT+7)

Đào tạo nghề chuyển từ hướng "cung" sang đáp ứng "cầu"

Tỷ lệ sinh viên trường nghề có cơ hội được nhận việc làm phù hợp chuyên môn là rất cao (Ảnh minh họa)

Tỷ lệ sinh viên trường nghề có cơ hội được nhận việc làm phù hợp chuyên môn là rất cao (Ảnh minh họa)

Sáng 3/12, thực hiện Chương trình công tác năm 2013, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức Đoàn công tác đến làm việc với Tổng Cục Dạy nghề, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.

Nội dung buổi làm việc xoay quanh chủ đề công tác dạy nghề trong 3 năm (2010-2013) và phương hướng triển khai công tác dạy nghề theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 của Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI “về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong điều kiện kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”.

Tại buổi làm việc, đồng chí Cao Văn Sâm, Phó tổng Cục trưởng, Tổng Cục Dạy nghề phát biều: Hệ thống trường dạy nghề trong cả nước đang chuyển đào tạo từ hướng cung sang hướng cầu, đáp ứng tốt hơn nhu cầu nhân lực kỹ thuật của doanh nghiệp và thị trường lao động. Dạy nghề nước ta tiếp tục được phát triển về quy mô, chất lượng đào tạo được nâng cao đã luôn được quan tâm đầu tư phát triển; Bước đầu đã có sự gắn kết hơn giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp trong hoạt động đào tạo nghề.

Về trình độ đào tạo, đến nay đã có 205 bộ chương trình khung trình độ cao đẳng nghề, trung cấp nghề được phê duyệt. Chương trình dạy nghề được xây dựng xuất phát từ thực tiễn sản xuất, trên cơ sở phân tích nhiệm vụ, công việc của người lao động, đào tạo tích hợp giữa lý thuyết và thực hành thay thế cho chương trình dạy nghề theo môn học được xây dựng tách rời giữa lý thuyết và thực hành.

Theo đó, các nghề đào tạo theo nhu cầu thực tế của doanh nghiệp, từng bước phù hợp với sự phát triển các ngành nghể trong sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Danh mục nghề đào tạo đã được xây dựng trên nhu cầu của thị trường lao động. Đến nay đã có danh mục nghề của 401 nghề đào tạo ở trình độ cao đẳng, 457 nghề đào tạo ở trình độ trung cấp, Đã triển khai đào tạo nghề theo nhu cầu của doanh nghiệp và dạy nghề cho nông dân gắn với việc làm và tạo việc làm; thực hiện thí điểm Nhà nước đặt hàng đào tạo nghề với các trường để cung cấp lao động qua đào tạo nghề theo vị trí công việc, theo yêu cầu của các tập thể, các tổng công ty.

Cho đến nay, cả nước có 33.270 giảng viên, giáo viên dạy nghề tại các trường cao đẳng nghề, trung cấp nghề. Về cơ bản, giảng viên trong các trường nghề đã đạt chuẩn về trình độ đào tạo. Để nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên dạy nghề, Tổng cục dạy nghề đã tổ chức nhiều khoá đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ này cả trong nước và cử đi đào tạo ở nước ngoài.

Chuyển từ đào tạo theo hướng “cung” sang đào tạo đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp vào thị trường lao động, hiện đã có trên 70% học sinh, sinh viên tìm được việc làm hoặc tự tạo được việc làm ngay sau khi tốt nghiệp. Tuy nhiên, theo một báo cáo mới được công bố cuối tháng 11 năm 2013 của WB, người lao động Việt Nam còn thiếu hụt nhiều kỹ năng, nhất là những kỹ năng về hành vi và nhận thức (kỹ năng mềm)...

Chia sẽ những vấn đề trên, đồng chí Nguyễn Đắc Hưng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục và Đào tạo, Dạy nghề - Ban Tuyên giáo Trung ương nói: Chiến lược phát triển kinh tế xã hội của Đảng ta xác định đến năm 2020 phải có 70% lao động qua đào tạo, đào tạo nghề chiếm 55% tổng lao động xã hội. Chiến lược cũng xác định việc đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực có chất lượng cao là một trong ba khâu đột phá để đảm bảo mục tiêu Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp vào năm 2020... vì vậy, cần đẩy nhanh việc nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo nói chung và đào tạo nghề nói riêng, đặc biệt là đào tạo nghề chất lượng cao và trình độ cao. Nâng cao nhận thức của các cấp ngành, doanh nghiệp và xã hội về dạy nghề; hoàn thiện hệ thống dạy nghề theo hướng thực hành và tăng cường phân luồng học sinh THCS, THPT vào học nghề; đa dạng hóa hình thức đào tạo, tăng cường xã hội hóa dạy nghề; tăng cường các điều kiện đảm bảo chất lượng dạy nghề theo nghề, cấp trình độ để tạo sự đột phá về chất lượng đội ngũ nhân lực kỹ thuật; xây dựng cơ chế chính sách tạo điều kiện cho doanh nghiệp trở thành một chủ thể quan trọng trong đào tạo nghề; đẩy mạnh hợp tác quốc tế về dạy nghề./.

Duy Hưng

 


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất